'Bồi thường 3,9 tỉ đồng thì không gọi là bồi thường!'
23/09/2016 14:40:27
ANTT.VN – Như vậy là đã hơn 2 tuần trôi qua kể từ ngày Cty TNHH URC Việt Nam (URC) có buổi làm việc Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas) để bàn về vấn đề bồi thường vụ C2, Rồng Đỏ nhiễm chì, URC cam kết sẽ có văn bản cụ thể hóa vấn đề bồi thường vào ngày 12/9 nhưng đến nay vẫn chưa thấy động tĩnh gì.

Tin liên quan

Sản phẩm C2, Rồng Đỏ của công ty URC

Chậm công bố bồi thường

Phải mất một khoảng thời gian khá lâu, tốn khá nhiều giấy mực của báo chí, URC mới công khai thông báo chấp nhận bồi thường người tiêu dùng, liên quan đến 2 lô trà xanh C2 và nước tăng lực Rồng Đỏ có hàm lượng chì vượt ngưỡng cho phép do doanh nghiệp này này sản xuất và cho lưu hành thời gian qua.

Sau những lùm xùm về kết quả kiểm nghiệm, thu hồi sản phẩm… thì đây được coi là vấn đề tồn tại lớn nhất đến thời điểm này. Theo một số chuyên gia trong lĩnh vực truyền thông và marketing thì động thái bồi thường của URC có thể sẽ quyết định đến sự sống còn của doanh nghiệp nước ngoài này tại một thị trường giàu tiềm năng như Việt Nam.

Vấn đề bồi thường đã được đề cập lần đầu tại cuộc gặp mặt giữa Vinastas và URC vào ngày 8/7/2016. Ngay sau khi vụ việc bị khui ra, báo chí đưa tin rầm rộ, URC đã chủ động gửi văn bản đến Vinastas để trình bày quan điểm và hội này đã mời đại diện URC đến làm việc trực tiếp. Tại buổi làm việc này, phía Vinastas đưa ra vấn đề bồi thường cho người tiêu dùng Việt Nam sau khi đã tiêu thụ sản phẩm nhiễm chì của URC song phía URC đã bày tỏ quan điểm cho rằng còn hơi sớm để nói đến vấn đề bồi thường, và rằng công ty này cam kết sẽ phối hợp cùng Vinastas để giải quyết những vấn đề phát sinh.

Sau đó, URC đã đăng tải trên trang web chính thức của mình, khẳng định: “Xin cam kết rằng chúng tôi có trách nhiệm về chất lượng của sản phẩm mà doanh nghiệp sản xuất. Chúng tôi sẽ tìm hiểu và làm việc kỹ lưỡng về tất cả các vấn đề ghi nhận được từ khách hàng”, nhưng không nói rõ có bồi thường hay không.

Thời gian sau đó, dường như nhận ra khả năng sẽ mất dần ưu thế ở thị trường nước giải khát Việt Nam nếu vẫn không xử lý được triệt để vụ khủng hoảng truyền thông này, URC đã chủ động liên hệ Vinastas và được Hội này mời ra Hà Nội làm việc lần thứ hai vào ngày 6/9/2016.

Ngoài 2 bên nói trên, buổi làm việc còn bao gồm đại diện Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương), đại diện Vụ pháp chế (Bộ Tài chính), đại diện Văn phòng tư vấn giải quyết khiếu nại của người tiêu dùng (thuộc Vinastas), báo Người tiêu dùng (cơ quan ngôn luận của Vinastas) .

Kết quả lớn nhất của buổi làm việc này là URC đã công khai chấp nhận phương án bồi thường, tuy nhiên mức bồi thường bao nhiêu và cách thức bồi thường như thế nào thì doanh nghiệp cam kết sẽ có văn bản cụ thể hóa gửi Vinastas vào ngày 12/9.

Nhưng thực tế đến nay văn bản này vẫn chưa xuất hiện.

Xôn xao con số bồi thường 3,9 tỉ đồng

Trong khi URC chậm công bố thông tin bồi thường thì dư luận vẫn tiếp tục nóng vấn đề bồi thường bao nhiêu, bồi thường như thế nào.

Ngay sau buổi làm việc hôm 6/9, ông Nguyễn Mạnh Hùng – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Vinastas đã dành cho ANTT.VN một cuộc tiếp xúc để tìm hiểu vấn đề nói trên. Chia sẻ với PV, ông Hùng cho biết: Vinastas đã chủ động đưa ra vấn đề URC phải dành ra một khoản tài chính để bồi thường cho người tiêu dùng Việt Nam, những người đã tiêu thụ các sản phẩm có hàm lượng chì vượt ngưỡng của công ty này.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Phó chủ tịch Hội bảo vệ Người tiêu dùng VN (Vinastas) - ảnh: M.Minh

“Phương án bồi thường thiệt hại phải khả thi, tránh những “rào cản kỹ thuật” dẫn đến việc bồi thường chỉ là hình thức, nhất là việc đòi hỏi những chứng cứ như hóa đơn mua hàng thì nhiều người sẽ không có và đòi hỏi này là không thực tế” ông Hùng nhấn mạnh.

Về mức bồi thường thì ông Hùng đề xuất tính trên cơ sở lấy tổng số sản phẩm 2 lô C2, Rồng Đỏ đã bán ra thị trường nói trên trừ đi số sản phẩm công ty đã thu hồi được, hiệu số này được hiểu là số sản phẩm đã đi vào cơ thể người tiêu dùng Việt Nam. Sau đó lấy số lượng sản phẩm này nhân với đơn giá bán ra của mỗi sản phẩm.

Phát biểu tại cuộc họp, tổng giám đốc URC – ông Jai Gamboa đánh giá cao đề xuất của Vinastas là bồi thường phải khả thi, đến đúng người tiêu dùng. Ông Jai cũng chấp thuận đề xuất bồi thường của Vinastas, cho rằng đề xuất này là khả thi.

Theo tính toán sơ bộ thì con số này ước chừng khoảng 3,9 tỉ đồng.

Tuy con số này chưa phải phát ngôn chính thức từ URC nhưng nó đã bắt đầu gây nhiều thông tin dư luận không đồng tình.

Trao đổi với ANTT.VN sáng nay, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong nhận xét: “Trước hết phải ghi nhận động thái bồi thường đã phản ánh trách nhiệm cũng như thiện chí của doanh nghiệp đối với người tiêu dùng. Bồi thường là đúng.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong

Tuy nhiên nếu bồi thường bằng mức giá bán ra thực tế của những chai nước thuộc 2 lô nhiễm chì đó thì là chưa hợp lý. Như thế không gọi là bồi thường. Bồi thường phải căn cứ trên cơ sở tác hại và hậu quả thực tế. Một người mua cái điện thoại mà nó phát nổ khiến anh ta bị thương hoặc tử vong thì bồi thường phải căn cứ trên hậu quả bị thương hoặc tử vong chứ, không thể đền tiền bằng giá trị cái điện thoại”.

Nhưng ông Phong cũng chia sẻ thêm: “Tất nhiên tranh cãi ở đây chỉ là tranh cãi về mặt luật pháp thôi, bởi vì hậu quả của việc uống nước nhiễm chì này chứng minh rất khó, bây giờ chưa ai kiện cáo và chắc tương lai cũng chẳng có ai kiện đâu. Đấy chính là điều may mắn đối với URC”.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng cách hợp lý nhất bây giờ là doanh nghiệp dành ra một khoản tài chính để ủng hộ các hoạt động phục vụ lợi ích của người tiêu dùng. Như thế người tiêu dùng sẽ được bồi thường một cách gián tiếp.

Ý kiến này trùng với quan điểm của Vinastas. Ông Nguyễn Mạnh Hùng trong buổi làm việc 6/9 cũng đưa ra gợi ý này và đề xuất sẽ có một cái quỹ để hoạt động vì mục đích bảo vệ người tiêu dùng.

Trao đổi với ANTT.VN cách đây ít phút, luật sư Trần Tuấn Anh (Giám đốc Công ty Luật Minh Bạch, Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho rằng: “Nếu chỉ căn cứ vào giá bán ra của sản phẩm C2, Rồng Đỏ để làm căn cứ đưa ra mức bồi thường là không chính xác. Bởi theo logic thông thường thì thiệt hại chắc chắn sẽ nhiều hơn rất nhiều giá bán ra. Tuy nhiên vì việc chứng minh thiệt hại là khó nên việc bồi thường bằng khoản tiền dùng trong các hoạt động bảo vệ người tiêu dùng là hợp lý”.

Luật sư Trần Tuấn Anh - Giám đốc Cty Luật Minh Bạch

“Ngoài ra, URC vẫn phải cam kết có trách nhiệm với người tiêu dùng khi có trường hợp chứng minh được thiệt hại thực tế” – luật sư Tuấn Anh đề xuất.

Hôm nay 23/9, bà Phạm Thị Ngọc Anh – đại diện truyền thông của URC cho biết: hiện tại URC và Vinastas vẫn đang thương lượng những vấn đề chi tiết liên quan đến bồi thường. Ông Nguyễn Mạnh Hùng – Phó chủ tịch Vinastas thì khẳng định vẫn chưa nhận được thông tin nào từ phía URC.

ANTT.VN sẽ tiếp tục thông tin...

Minh Minh

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến