Vì sao người Anh một mực đòi rời khỏi EU?
17/02/2016 16:36:09
Các lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) đang phải nhóm họp khẩn, để bàn các biện pháp giữ nước Anh ở lại khối này, trong bối cảnh một cuộc trưng cầu dân ý về rời khỏi EU sắp diễn ra. Tương lai của châu Âu đang thực sự trên dây.

Tin liên quan

Những ngày này, Chủ tịch EU Donald Tusk đang phải vất vả đi lại như con thoi giữa các quốc gia thành viên, từ Paris sang Bucharest, Athens tới Praha, lại vòng về Berlin chỉ trong chưa đầy 2 ngày, với hy vọng củng cố sự đoàn kết giữa các quốc gia thành viên.

Thủ tướng Anh David Cameron và Chủ tịch EU Donald Tusk đang bận rộn với những cuộc tranh luận về tương lai của Anh tại EU. (Ảnh: Sky)

Thủ tướng Anh David Cameron và Chủ tịch EU Donald Tusk đang bận rộn

với những cuộc tranh luận về tương lai của Anh tại EU. (Ảnh: Sky)

Sau nhiều thập niên mở rộng không ngừng và phát triển thịnh vượng, EU đang đối diện với thử thách lớn chưa từng có: "đổ vỡ từ bên trong", như lời ông Tusk. Thứ Năm tới, các lãnh đạo khối này sẽ họp thượng đỉnh, để tìm kiếm sự đồng thuận về cam kết cải cách, nhằm giữ chân một thành viên quan trọng đang đòi ra đi: nước Anh.

“Đây là thời khắc then chốt”, ông Tusk phát biểu từ thủ đô Bucharest của Romania. “Nguy cơ đổ vỡ là có thật”.

Về phần mình, Thủ tướng Anh David Cameron muốn có được một bản kế hoạch chi tiết về cải cách EU sau cuộc họp kéo dài 2 ngày sắp tới, để thuyết phục cử tri tại quê nhà trước thềm cuộc trưng cầu dân ý về việc Anh rời khỏi EU, dự kiến diễn ra vào tháng 6.

Ông Tusk thừa nhận đây là vấn đề rất hệ trọng, bởi nếu Anh rời bỏ EU, đó có thể là vết nứt trên đỉnh núi, mở đầu một trận tuyết lở mà không ai biết kết cục sẽ ra sao. Sự ra đi của người Anh có thể sẽ biến thành làn sóng rời bỏ EU.

“Tiến trình này thực sự rất mong manh. Phải xử lý một cách thận trọng. Đổ vỡ nếu xảy ra sẽ không thể hàn gắn”, ông Tusk khẳng định.

Vì sao người Anh muốn rời EU?

Theo tờ LA Times, EU được xây dựng từ đống tro tàn của Thế chiến II, và ban đầu phải mất hàng thập niên để hồi sinh sự thịnh vượng về kinh tế. Tiếp đó là nỗ lực kết nối những khác biệt khổng lồ về ý thức hệ, vốn phân chia lục địa châu Âu thành phe tư bản ở phía tây và xã hội chủ nghĩa ở phía đông.

Là một người Ba Lan, bản thân ông Tusk trưởng thành trong một quốc gia xã hội chủ nghĩa trước khi Liên Xô sụp đổ. Và 12 năm trước, Ba Lan gia nhập EU khi khối này đang ở đỉnh cao của sự phát triển. Và giờ chắc chắn ông Tusk không muốn là người chứng kiến sự sụp đổ của cái ông nhất mực tin tưởng.

Không ít cử tri Anh đang ủng hộ tách khỏi EU. (Ảnh: EPA)

Không ít cử tri Anh đang ủng hộ tách khỏi EU. (Ảnh: EPA)

Ai cũng biết rằng người Anh nổi tiếng thích tranh luận và không dễ dàng nhượng bộ. Vấn đề là chính sự thiếu nhượng bộ và ngoan cố này đang đe dọa nền móng của EU nhiều hơn bao giờ hết.

Vương quốc sương mù từ lâu vẫn có mối quan hệ không mấy êm ả với liên minh 28 quốc gia này, khi sử dụng vị thế cường quốc kinh tế làm cái cớ để từ chối sử dụng đồng tiền chung. Tất cả các thành viên khác, ngoại trừ Đan Mạch, hiện đã sử dụng đồng Euro, hoặc đang chuẩn bị đưa đồng tiền này vào thay thế nội tệ.

Những người cổ vũ rời khỏi EU tranh luận rằng việc này có thể giúp tiết kiệm hàng tỷ USD phí thành viên, giành lại quyền kiểm soát hoàn toàn các tuyến biên giới và giải phóng các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Anh khỏi các quy định của EU.

Nhóm những người có tư tưởng này đã không ngừng lớn mạnh, đến độ trong cuộc tranh cử năm 2013, Thủ tướng David Cameron cam kết sẽ tiến hành trưng cầu dân ý về tương lai của Anh tại EU nếu đắc cử nhiệm kỳ hai.

Lời hứa này đã giúp ông đánh bại các nhân vật có tư tưởng cứng rắn, hoài nghi về tương lai của EU trong chính đảng Bảo thủ cầm quyền, cũng như đảng nước Anh Độc lập (UKIP). Đảng này khi đó đã giành được nhiều ủng hộ với chương trình nghị sự chống EU. Và giờ ông Cameron sẽ phải thực hiện lời hứa của mình.

Trong cuộc trưng cầu dân ý sắp tới, cử tri Anh sẽ được đề nghị trả lời "Có/Không" cho câu hỏi: “Vương quốc Anh có nên tiếp tục là thành viên Liên minh châu Âu hay rời khỏi Liên minh châu Âu?”

Ông Cameron đến nay muốn nước Anh ở lại EU, chừng nào khối này sẵn lòng thực thi những cải cách then chốt mà London đề xuất. Theo bản dự thảo thỏa thuận giữa EU và Anh được công bố, một trong những điều khoản gây tranh cãi nhất đó là nước Anh muốn hoãn việc chi trả phúc lợi cho những người di cư EU đang làm việc nếu họ có thâm niên làm việc dưới 4 năm tại Anh.

Với đề xuất này, giới chức Anh muốn chặn dòng người di cư từ các nước EU khác sang Anh và xin hưởng các phúc lợi về việc làm, nhà ở. Đây là một điều khoản mà lãnh đạo Ủy ban châu Âu cho là “rất rắc rối”.

Anh cũng tuyên bố “không cam kết tiếp tục gắn kết sâu sắc hơn về chính trị vào EU”, yêu cầu trao quyền lớn hơn cho nghị viện các nước, trong việc ngăn chặn các quy định của EU. London ủng hộ một hệ thống “thẻ đỏ”, cho phép các quốc gia thành viên bãi bỏ, cũng như phủ quyết những chỉ thị của EU mà các nước đó không muốn.

Đức, với tư cách thành viên lớn nhất của EU, đang đi đầu trong nỗ lực bảo vệ sự toàn vẹn của khối này. Tuy nhiên, đề xuất cải tổ lại bị các thành viên đến từ đông Âu phản đối, mà mạnh mẽ nhất chính là quê hương Ba Lan của Chủ tịch Donald Tusk, khi họ xem đó là hành động phân biệt đối xử.

Phát biểu trước Hạ viện Anh hôm 3/2, ông Cameron tuyên bố: “Tôi không tranh luận, và sẽ không bao giờ tranh luận về việc liệu Anh có thể tồn tại bên ngoài EU hay không. Câu hỏi không phải là liệu Anh có thể thành công khi rời EU hay không, mà là cần làm gì để chúng ta thành công nhất...làm gì để chúng ta có ảnh hưởng lớn nhất lên những quy tắc định hình kinh tế toàn cầu sẽ tác động tới chúng ta”.

Và chừng nào các bên còn chưa chịu nhượng bộ, tương lai của EU sẽ còn tiếp tục đối diện nhiều rủi ro khó lường.

Theo Dân Trí

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến