Dòng sự kiện:
Vì sao sai phạm tại Tổng công ty Đường sắt không được chuyển sang Bộ Công an?
14/09/2016 06:23:07
Trao đổi với PV, ông Ngô Văn Khánh - Phó Tổng Thanh tra Chính phủ - giải thích lý do khiến cơ quan này không chuyển hồ sơ vụ việc sai phạm nào tại Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (Bộ Giao thông vận tải) sang cơ quan điều tra Bộ Công an để tiếp tục làm rõ.

Tin liên quan

Thanh tra Chính phủ đã phát hiện rất nhiều sai phạm tại Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (Bộ Giao thông vân tải).

Theo ông Ngô Văn Khánh, trước khi ban hành Kết luận thanh tra việc chấp hành quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại Tổng công ty Đường sắt Việt Nam và một số đơn vị thành viên, Thanh tra Chính phủ đã “đặt lên bàn” toàn bộ hồ sơ, tài liệu để trao đổi, thảo luận với đại diện Bộ Công an, VKSND Tối cao nhằm đánh giá toàn bộ các vấn đề đã phát hiện được qua công tác thanh tra.

“Không đủ yếu tố, dấu hiệu cấu thành tội phạm thì không thể chuyển hồ sơ được đâu”- ông Khánh nói.

Từ Báo cáo kết quả thanh tra của Trưởng đoàn thanh tra, ý kiến giải trình của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, Biên bản làm việc với đại diện Bộ Công an, đại diện VKSND Tối cao và ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Tổng Thanh tra Chính phủ đã ký ban hành kết luận thanh tra số 2222/KL-TTCP.

Theo kết luận số 2222/KL-TTCP, trong thời gian từ năm 2010 đến hết năm 2013, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã tổ chức 188 đoàn đi nước ngoài với tổng số tiền chi gần 14 tỷ đồng, trong đó có 23 đoàn đi không có văn bản mời hay hợp đồng học tập với phía đối tác, tổng số tiền gần 2 tỷ đồng.

Kiểm tra hồ sơ 5 đoàn đi nước ngoài năm 2012-2013, Thanh tra Chính phủ phát hiện cả 5 đoàn đi đều hợp đồng qua các công ty du lịch trong nước (theo tours) với nội dung đi nước ngoài là “tham quan, học tập”, tổng số tiền thanh toán trên 1,7 tỷ đồng - sai quy định tại Thông tư 91/2005 của Bộ Tài chính và sai chế độ tài chính về quản lý chi phí.

Kiểm tra Dự án mua ray bảo trì, sửa chữa đường sắt bằng vốn vay của Chính phủ Áo (gọi tắt là ray Áo), Thanh tra Chính phủ phát hiện Tổng công ty Đường sắt Việt Nam là chủ sở hữu của toàn bộ ray Áo nhưng khi bán cho các công ty quản lý đường sắt không xuất hóa đơn giá trị gia tăng, không phản ánh doanh thu là sai quy định của Bộ Tài chính. Việc làm sai này dẫn tới chuyện Tổng công ty Đường sắt Việt Nam không kê khai nộp thuế giá trị gia tăng đầu vào của ray Áo; Công ty cổ phần Công trình đường sắt chỉ là đơn vị nhận ủy thác nhập khẩu nhưng lại kê khai thuế giá trị gia tăng đầu vào như chủ sở hữu tài sản và không xuất hóa đơn giá trị gia tăng cho Tổng công ty Đường sắt Việt Nam là bên ủy thác tương ứng số thuế giá trị gia tăng đầu vào trên 29 tỷ đồng.

“Việc quản lý giao dịch tài sản không đúng, chỉ hạch toán công nợ phải thu với Công ty cổ phần công trình đường sắt mà không hạch toán hoạt động kinh doanh Dự án ray Áo quy mô 387,4 tỷ đồng, tiềm ẩn việc thất thoát thuế thu nhập doanh nghiệp của nhà nước, có dấu hiệu vi phạm Điều 165 Bộ luật Hình sự năm 1999, tội Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”- kết luận chỉ rõ.

Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cũng đã chỉ định Công ty TNHH Đầu máy Tư Dương thuộc Tập đoàn Đầu máy Toa xe Phương Nam (Trung Quốc) trúng gói thầu cung cấp thiết bị tổng thành, phụ kiện phục vụ lắp ráp chế tạo đầu máy D19E thuộc dự án với giá trị gói thầu là 14.566.000 USD nhưng không có trong kế hoạch đấu thầu của dự án được duyệt là sai quy định được nêu trong Nghị định số 85/2009 của Chính phủ.

Đặc biệt, Thanh tra Chính phủ phát hiện việc quản lý 2 thửa đất vàng tại số 80 Lý Thường Kiệt (diện tích 717 m2 và tài sản trên đất có khách sạn 5 tầng) và 22 Phan Bội Châu (diện tích 261 m2, nhà để xe) của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam có dấu hiệu "xem thường lợi ích của Nhà nước, của doanh nghiệp, lợi dụng thủ tục góp vốn và thực hiện việc góp vốn trái chủ trương quy định để hợp thức hóa việc chuyển nhượng tài sản, cơ sở kinh doanh có giá trị lớn ra ngoài doanh nghiệp không qua đấu giá, đấu thầu”.

Cơ quan này kiến nghị Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND TP Hà Nội rà soát lập phương án sử dụng khu đất này đảm bảo yêu cầu có hiệu quả, đúng pháp luật, không để thất thoát, lãng phí tài sản Nhà nước và báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Kết luận thanh tra khẳng định Hội đồng thành viên, Ban Tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam chịu trách nhiệm đối với việc quyết định và quản lý thực hiện các dự án đầu tư máy móc thiết bị và dự án kết cấu hạ tầng đường sắt gây lãng phí, kém hiệu quả, phê duyệt giá sai căn cứ. Tập thể, cá nhân, các ban, bộ phận chuyên môn của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, các đơn vị thành viên chịu trách nhiệm theo chức năng của mình về những khuyết điểm, vi phạm của tổng công ty và các đơn vị thành viên.

Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Giao thông vận tải kiểm điểm và xử lý trách nhiệm đối với những tập thể, cá nhân liên quan đến khuyết điểm, vi phạm; trong đó lưu ý các nội dung về quyết định và quản lý thực hiện các dự án đầu tư máy móc thiết bị, Gói thầu EP Dự án nâng cao an toàn đường sắt, góp vốn kinh doanh ngoài ngành bằng quyền thuê đất và tài sản gắn liền với đất tại 80 Lý Thường Kiệt và 22 Phan Bội Châu gây lãng phí, kém hiệu quả....

Theo Dân trí

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến