Tiến sĩ Cấn Văn Lực và nhóm chuyên gia tại Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV vừa công bố báo cáo Bức tranh kinh tế Việt Nam năm 2020 và triển vọng năm 2021, trong đó chỉ ra 6 thách thức chính mà nền kinh tế Việt Nam đang và sẽ phải đối mặt.
Đáng chú ý, nhóm chuyên gia cho biết các tổ chức quốc tế vẫn tiếp tục cảnh báo về rủi ro bất ổn tài chính toàn cầu có thể dẫn đến bong bóng tài sản tài chính và Việt Nam cần lưu tâm vấn đề này.
Rủi ro từ bên ngoài
Theo nhóm chuyên gia, dù kinh tế Việt Nam ghi nhận sự phục hồi tích cực trong năm 2020 vừa qua, nền kinh tế vẫn phải đối mặt với một số hạn chế, thách thức. Trong đó, thách thức lớn nhất chính là rủi ro từ bên ngoài vẫn đang hiện hữu.
Nhóm chuyên gia chỉ ra 3 rủi ro chính từ bên ngoài với nền kinh tế trong nước hiện nay và ngắn hạn là dịch Covid-19 diễn biến khó lường, chưa được kiểm soát tại nhiều nước, nhiều khu vực. Bên cạnh đó, cạnh tranh chiến lược giữa các quốc gia, đối tác lớn; căng thẳng thương mại và công nghệ còn leo thang và khó đoán cũng tác động tiêu cực tới nền kinh tế Việt Nam.
Ngoài ra, tình hình địa chính trị phức tạp và thiên tai, lũ lụt cũng được dự báo ảnh hưởng tới khả năng phục hồi kinh tế toàn cầu, bao gồm cả Việt Nam.
Ba rủi ro bên ngoài kể trên cộng với rủi ro bất ổn tài chính toàn cầu có thể dẫn đến bong bóng tài sản tài chính là những thách thức lớn từ bên ngoài có thể ảnh hưởng tới quá trình phục hồi kinh tế Việt Nam trong năm 2021 và những năm tiếp theo.
Các chuyên gia cho rằng Việt Nam cũng cần lưu ý tới rủi ro bất ổn tài chính toàn cầu có thể dẫn đến bong bóng tài sản tài chính. Nguồn: Coindesk.
Theo tiến sĩ Cấn Văn Lực và nhóm chuyên gia, hoạt động thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) năm 2020 giảm mạnh cũng là vấn đề cần lưu ý với dự báo tăng trưởng kinh tế năm sau.
Lũy kế đến hết ngày 20/12/2020, tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam ước đạt 28,5 tỷ USD, giảm 25% so với năm 2019. Trong đó, số vốn giải ngân ước đạt gần 20 tỷ USD, cũng giảm 2%. Dù đã cải thiện trong nửa cuối năm, nhìn chung thu hút FDI cả năm 2020 của Việt Nam cũng nằm trong xu hướng suy giảm toàn cầu (dòng vốn FDI toàn cầu giảm 25-30% theo UNCTAD).
Theo các chuyên gia, nguyên nhân khiến dòng vốn FDI vào Việt Nam giảm trong bối cảnh dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu có thể do nhà đầu tư còn cân nhắc hoặc mới dịch chuyển một phần chuỗi cung ứng.
Cùng với đó, việc hạn chế đi lại bằng đường hàng không do dịch bệnh khiến việc thực địa, khảo sát, đàm phán của nhà đầu tư bị gián đoạn và tác động tiêu cực của dịch bệnh cũng khiến nhiều nhà đầu tư khó khăn về tài chính nên chưa thể mở rộng đầu tư.
Cũng trong năm 2020, hoạt động doanh nghiệp chịu tác động nặng nề do dịch bệnh cũng gây khó khăn cho việc phục hồi kinh tế các năm tiếp theo.
Cụ thể, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới năm vừa qua đã giảm 2,3% và là năm giảm duy nhất trong giai đoạn 2016-2020. Dù số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng gần 12%, nhưng số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn cũng tăng tới 62% so với năm trước (trên 46.600 doanh nghiệp), cao nhất giai đoạn 2016-2020.
“Điều này cho thấy dịch Covid-19 ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến tình hình hoạt động của doanh nghiệp trong năm 2020”, nhóm chuyên gia nhấn mạnh.
Nợ xấu có thể tăng trong năm 2021
Một trong những thách thức với nền kinh tế Việt Nam được các chuyên gia dự báo chính là rủi ro nợ xấu, thâm hụt ngân sách và nghĩa vụ trả nợ gia tăng.
Theo đó, tính đến cuối năm 2020, tỷ lệ nợ xấu đã vượt mức 2% tổng dư nợ cho vay nền kinh tế. Hoạt động của doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn khiến nợ xấu có xu hướng tăng lên và tín dụng tăng chậm hơn (tăng 10,14% đến ngày 21/12/2020), thấp hơn mức 13,6% của năm 2019.
Theo dự báo của NHNN, tăng trưởng tín dụng cả năm 2020 vào khoảng 11%, cũng là mức thấp nhất giai đoạn 2016-2020. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng đây là mức tăng trưởng chấp nhận được trong bối cảnh cầu tín dụng còn yếu và không thể hạ chuẩn cho vay.
Nợ xấu của hệ thống tài chính có thể tăng trong năm 2021 khi Thông tư 01/NHNN hết hiệu lực. Ảnh: Hoàng Hà.
Tuy nhiên, khi Thông tư 01 sửa đổi hết hiệu lực, nợ xấu nội bảng dự báo sẽ tăng lên đến 3-3,5% và nợ xấu gộp có thể lên đến 4,5-5% năm 2021. Cùng với đó, thâm hụt ngân sách tăng từ mức 3,4% GDP năm 2019 lên 4,2% GDP năm 2020. Nghĩa vụ trả nợ so với thu ngân sách Nhà nước ước tính năm 2020 là 23% và năm 2021 có thể vượt ngưỡng 25% của Quốc hội nếu mặt bằng lãi suất vay nợ tăng lên.
Ngoài ra, hoạt động tái cơ cấu nền kinh tế chậm cũng là thách thức với đà phục hồi sau dịch.
Theo phân tích, quá trình cơ cấu lại kinh tế giai đoạn 2016-2020 đã đạt kết quả tích cực hơn so với giai đoạn trước, nhưng vẫn chưa đạt kỳ vọng.
Trong đó, quá trình cổ phần hóa và thoái vốn doanh nghiệp Nhà nước giai đoạn 2016-2020 vẫn chậm hơn so với kế hoạch, với 178 doanh nghiệp được phê duyệt phương án cổ phần hóa. Tổng số tiền thoái vốn đạt 25.749 tỷ đồng, thu về 173.103 tỷ đồng.
Như vậy, giá trị cổ phần Nhà nước bán được mới đạt 11%, nhưng vẫn cao hơn so với giai đoạn 2011-2015 (8%).
Việc cơ cấu lại các tổ chức tín dụng yếu kém và xử lý nợ xấu (nhất là xử lý tài sản đảm bảo) vẫn còn khó khăn, chủ yếu do khâu phối kết hợp và yếu tố thị trường không mấy khả quan cũng tác động kém tích cực tới hoạt động chung của ngành.
Thách thức cuối cùng với nền kinh tế trong nước là tính bền vững và năng lực chống chịu của nền kinh tế với các cú sốc bên ngoài còn mỏng.
Theo đó, xuất khẩu của Việt Nam năm 2020 là đáng ghi nhận (kim ngạch tăng 6,5%), nhưng chủ yếu lại do khối doanh nghiệp FDI dẫn dắt, với mức tăng 9,7% và chiếm 72,2%. Trong khi đó, khu vực kinh tế trong nước đã giảm 1,1% và chiếm 27,8%.
Điều này chứng tỏ doanh nghiệp FDI chịu đựng cú sốc tốt hơn và đang khai thác hiệu quả các FTA tốt hơn doanh nghiệp nội.
Theo các chuyên gia, dự trữ ngoại hối của Việt Nam dù tăng nhanh và đạt gần 100 tỷ USD cũng chỉ tương đương 3,7 tháng nhập khẩu, thấp hơn nhiều so với mức 7,5 tháng của ASEAN-4 và 14 tháng của Trung Quốc… Điều này cho thấy nhu cầu tăng dự trữ ngoại hối của Việt Nam vẫn còn nhưng việc Mỹ gắn mác “thao túng tiền tệ” sẽ ảnh hưởng nhất định đến tiến trình tăng dự trữ ngoại hối này.
Trong năm 2021, tiến sĩ Cấn Văn Lực và nhóm chuyên gia dự báo các hoạt động kinh tế - xã hội sẽ phục hồi mạnh hơn nhưng tuy còn phụ thuộc vào một số yếu tố như kiểm soát dịch bệnh, các gói hỗ trợ và hợp tác quốc tế…
Tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2021 được dự báo có thể đạt 6,5-7%, tương đồng với dự báo của các tổ chức quốc tế. Trong đó, động lực tăng trưởng chính vẫn là ngành công nghiệp chế biến – chế tạo (dự báo tăng 10-11%), ngành xây dựng (tăng 8-9%) và ngành dịch vụ (tăng khoảng 6-7%).
Tác giả: Quang Thăng
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy