Việt Nam đang “ khát” doanh nghiệp vừa
09/12/2014 13:37:02
ANTT.VN – Trong số các doanh nghiệp hoạt động tại VN, có 95 – 96% là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, trong đó còn nhiều doanh nghiệp chưa đủ năng lực canh tranh sang thị phần xuất khẩu nước ngoài hoặc tham gia vào mạng lưới toàn cầu.

Tin liên quan

Việt Nam có 96% là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ

Theo báo cáo của Phòng Thương mại và Công nghiệp VN (VCCI) và Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), trong số các doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam, các doanh nghiệp có quy mô lớn chỉ chiếm 2% và tương ứng với con số này là doanh nghiệp có quy mô vừa, còn lại 95 – 96% là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Riêng doanh nghiệp siêu nhỏ (xét theo tiêu chí dưới 10 lao động) đã chiếm tới 66 – 67%.

Nếu tính cả các hộ kinh doanh cá thể đang hoạt động trong nền kinh tế thì tỷ lệ doanh nghiệp siêu nhỏ có thể chiếm tới 99%. Do quy mô nhỏ nên có nhiều doanh nghiệp trong nước chưa đủ năng lực cạnh tranh để xuất khẩu sang thị trương nước ngoài hoặc tham gia vào mạng lưới sản xuất toàn cầu. Khu vực kinh tế phi chính thức (kinh tế hộ) được ước tính là đóng góp tới 20% GDP, tỷ lệ phụ nữ làm chủ khá lớn họ thường tự giao dịch với nhau và rất hiếm khi tiếp cận để hợp tác kinh doanh với doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp khu vực chính thức hoặc chuỗi cung ứng trong khu vực.

Ảnh minh họa

Cũng theo bản báo cáo này, xu hướng VN thiếu các doanh nghiệp có quy mô vừa vẫn tiếp tục gia tăng xét cả theo tiêu chí lao động và vốn. Cụ thể, trong giai đoạn 2007 – 2012 lao động bình quân trong doanh nghiệp đã giảm từ 47 xuống còn 32 người, tương ứng với quy mô doanh nghiệp nhỏ, trong đó, khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước cũng có xu hướng giảm từ 27 xuống còn 21, khu vực doanh nghiệp nhà nước cũng có xu hướng giảm từ 505 xuống còn 443, khu vực FDI đã giảm từ 340 lao động năm 2007 xuống còn 288 lao động năm 2011 rồi tăng lên 309 lao động năm 2012.

Trong năm 2012, lần đầu tiên quy mô vốn bình quân của doanh nghiệp giảm trong vòng 10 năm trở lại đây. So với năm 2011, quy mô vốn doanh nghiệp nhà nước đã giảm 26,1% từ mức hơn 1.584 tỷ xuống còn 1.171 tỷ, doanh nghiệp nhà nước giảm 3,6% từ mức 25 tỷ xuống 24 tỷ, trong khi quy mô vốn bình quân của doanh nghiệp FDI tăng từ 270 tỷ lên 307 tỷ, điều này chứng tỏ các doanh nghiệp FDI vẫn phát triển tốt và không chịu tác động nhiều của bối cảnh chung  của kinh tế ở VN. Điều này phổ biến ở tất cả các ngành quan trọng cho thấy rõ một xu hướng là các doanh nghiệp nhỏ trong nước không thể lớn lên thành doanh nghiệp quy mô vừa.

VCCI và Ngân hàng ADB đánh giá, nếu Việt Nam không bị thiếu những doanh nghiệp cỡ vừa thì sẽ hoạt động hiệu quả hơn trên thị trường xuất khẩu. Rủi ro ở đây có thể là các nhà đầu tư sẽ không đến VN và vấn đề này sẽ trở nên nghiêm trọng khi chi phí nhân công là yếu tố chính thu hút vốn đầu tư nước ngoài của VN đang tăng lên.

Không giống như các thị trường lớn như Trung Quốc hay Ấn Độ, thị trường nội địa của VN không đủ lớn để hấp dẫn nhiều nhà đầu tư, vì thế mục tiêu của VN là thu hút các doanh nghiệp đang tìm kiếm trung tâm sản xuất cho cả khu vực. Để có thể duy trì được năng lực cạnh tranh thì VN cần có các doanh nghiệp mạnh trong ngành công nghiệp hỗ trợ để thu hút các nhà đầu tư, trong bối cảnh phí tăng cao, các quy định về xuất nhập khẩu thay đổi thường xuyên cùng với sự biến động của các đồng tiền.

DNNVV tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu còn thấp

Chỉ có 36% doanh nghiệp VN tham gia vào mạng lưới sản xuất, trong khi những nền kinh tế phát triển hơn như Malaysia và Thái Lan có tỷ lệ doanh nghiệp tham gia vào các mạng lưới sản xuất cao hơn (gần 60% trong tổng số doanh nghiệp).

Doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm tỷ trọng lớn trong tổng số doanh nghiệp và việc làm ở VN nhưng lại chiếm tỷ trọng nhỏ trong thương mại quốc tế và tạo việc làm. Theo đó, chỉ có 21% doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu so với 30% của Thái Lan, 46% của Malaysia .

Báo cáo cũng chỉ ra rằng, doanh nghiệp nhỏ và vừa VN tạo ra 77% tổng số việc làm, đóng góp 40% vào tổng GDP nhưng chỉ đóng góp 20% vào tổng kim ngạch xuất khẩu. Doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng gặp bất lợi so với các doanh nghiệp lớn khi tham gia vào mạng lưới sản xuất, tỷ lệ xuất khẩu của doanh nghiệp nhỏ và vừa trong tổng kim ngạch xuất khẩu luôn thấp hơn so với doanh nghiệp lớn…

Bên cạnh đó, báo cáo cũng cho thấy các doanh nghiệp nhỏ phải đối mặt với hạn chế về các nguồn tài chính, thông tin, năng lực quản trị và trình độ công nghệ, sự bất lợi từ các rào cản bên ngoài do sự không hoàn hảo của thị trường và các quy định phức tạp. Chính vì thế, khả năng của doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia vào mạng lưới sản xuất là thấp hơn so với các doanh nghiệp lớn.

VCCI và Ngân hàng ADB cũng chỉ rõ, các nguyên nhân chính dẫn đến các hạn chế, yếu kém đối với doanh nghiệp VN trong việc tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.

Cụ thể, các thể chế hỗ trợ thị trường hoạt động kém hiệu quả; hệ thống các giải pháp chính sách để nâng cao năng lực cạnh tranh và hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, đặc biệt hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa còn tản mát, quy mô chưa đủ lớn, thiếu trọng tâm; vai trò của cụm công nghiệp trong kết nối kinh doanh rất hạn chế; các doanh nghiệp chưa tạo được độ tin cậy cao; chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu; trình độ công nghệ thấp, và nguyên nhân cuối cùng là tiếp cận nguồn vốn tín dụng dài hạn khó khăn, chi phí cao.

VCCI và Ngân hàng ADB cũng chỉ ra những ưu tiên hành động và đề xuất với nhà tài trợ một số vấn đề như: Đổi mới thể chế, tạo điều kiện phát triển doanh nghiệp tư nhân; phát triển công nghiệp hỗ trợ, cụm công nghiệp, khuyến khích doanh nghiệp lớn đầu tư cơ sở hạ tầng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa và tổ chức cung cấp dịch vụ phát triển kinh doanh cho ngành công nghiệp hỗ trợ; xây dựng năng lực và phát triển nguồn nhân lực; lựa chọn một số ngành có lợi thế cạnh tranh để ưu tiên phát triển, tập trung phát triển một số doanh nghiệp có hiệu quả kinh doanh, có quy mô cỡ trung bình trở lên, phát triển một số thương hiệu quốc gia.

Kiều Chinh

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến