Dòng sự kiện:
Việt Nam góp phần 'tạo dựng nền tảng vững chắc' cho tương lai châu Á
26/05/2022 07:10:40
Tại FOA 2022, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh sẽ đưa ra các đề xuất nhằm phát huy vị thế và vai trò của châu Á, từ đó đóng góp vào phục hồi và phát triển, thịnh vượng chung toàn cầu.

Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Vũ Hồng Nam. (Ảnh: Đào Thanh Tùng/TTXVN)

Nhân dịp Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam có chuyến thăm làm việc tại Nhật Bản từ ngày 25-28/5, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam tại Nhật Bản đã phỏng vấn Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Vũ Hồng Nam về sự kiện này. Sau đây là nội dung cuộc phỏng vấn:

- Xin Đại sứ cho biết mục đích và nội dung của chuyến thăm làm việc tại Nhật Bản lần này của Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh?

Đại sứ Vũ Hồng Nam: Nhận lời mời của Tập đoàn Nikkei, từ ngày 25-28/5, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự Hội nghị Quốc tế về Tương lai châu Á (FOA) và thăm làm việc tại Nhật Bản.

FOA là một hội nghị quốc tế thường niên có uy tín ở châu Á, thu hút sự tham gia của các chính khách, học giả và giới doanh nhân từ nhiều nước châu Á. Việc Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh tham dự FOA 2022 không chỉ thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Việt Nam đối với hội nghị, mà còn thể hiện tầm quan trọng của FOA nói chung trong chính sách đối ngoại của Việt Nam.

Bên cạnh đó, thông qua việc tham dự FOA 2022, chúng ta cũng muốn gửi gắm thông điệp rằng Việt Nam là đối tác tin cậy và thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, sẵn sàng cùng chung tay với các nước để thảo luận, tìm ra hướng giải quyết đối với các thách thức cấp bách, mang tính toàn cầu hiện nay, đóng góp cho hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực và trên thế giới.

Cùng với việc tham dự FOA 2022, trong thời gian ở Tokyo, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh sẽ có các cuộc gặp gỡ, làm việc với các lãnh đạo chính phủ, quốc hội, các địa phương và bộ/ngành liên quan của Nhật Bản để trao đổi về các biện pháp hiện thực hóa các cam kết của lãnh đạo cấp cao hai nước trong các chuyến thăm vừa qua, đưa quan hệ đối tác chiến lược Việt-Nhật bước vào giai đoạn phát triển mới trên tinh thần "tình cảm, chân thành, tin cậy, thực chất, hiệu quả."

- Kể từ lần đầu tham dự FOA vào năm 2009 đến nay, Việt Nam đã tích cực tham gia và có nhiều đóng góp cho thành công của hội nghị này. Đại sứ có thể cho biết những đóng góp nổi bật của Việt Nam cho FOA thời gian qua?

Đại sứ Vũ Hồng Nam: Việt Nam bắt đầu tham dự FOA từ năm 2009. Kể từ đó đến nay, chúng ta liên tục cử các đoàn cấp cao tham dự hội nghị này. Trong tổng số 13 lần tham dự, bao gồm cả FOA 2022, Việt Nam đã có ba lần tham dự ở cấp Thủ tướng Chính phủ, 10 lần còn lại đều ở cấp Phó Chủ tịch nước hoặc Phó Thủ tướng.

Sự tham dự tích cực ở cấp cao của đoàn Việt Nam tại các FOA châu Á trong 13 năm qua được Ban tổ chức, các đại biểu tham dự cũng như phía Nhật Bản đánh giá cao.

Việt Nam không chỉ tham gia đóng góp vào nội dung hội nghị với những đánh giá, nhận định về tình hình thế giới và khu vực, phân tích các cơ hội cũng như các thách thức cấp bách mà các nước cần tập trung giải quyết, trên cơ sở đó đề ra các sáng kiến, cùng tìm kiếm giải pháp cho các khó khăn, thách thức chung, củng cố lòng tin để tạo dựng nền tảng vững chắc cho tương lai.

Bên cạnh đó, các lãnh đạo Chính phủ/Nhà nước Việt Nam cũng khẳng định cam kết của Việt Nam góp phần xây dựng một thế giới hòa bình, thịnh vượng và phát triển bền vững, thúc đẩy đối thoại và hợp tác.

Cùng với các nước ASEAN, Việt Nam nỗ lực tăng cường vai trò trung tâm của khối trong duy trì hòa bình, an ninh và thịnh vượng tại Đông Nam Á cũng như châu Á-Thái Bình Dương. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)

Tại FOA 2022, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh sẽ có bài phát biểu quan trọng. Tôi cho rằng trong bài phát biểu của mình, Phó Thủ tướng sẽ đề cập tới tình hình thế giới và khu vực hiện nay, đồng thời đưa ra các đề xuất nhằm phát huy vị thế và vai trò của châu Á cho một thế giới tốt đẹp hơn, từ đó đóng góp vào phục hồi và phát triển, thịnh vượng chung toàn cầu.

- FOA 2022 có chủ đề "Tái định hình vai trò của châu Á trong một thế giới bị chia rẽ." Đại sứ đánh giá như thế nào về chủ đề này?

Đại sứ Vũ Hồng Nam: Tôi cho rằng đây là một chủ đề rất thiết thực, phù hợp với thực tế và sẽ nhận được nhiều sự quan tâm rộng rãi. Thế giới năm 2022, sau đại dịch, khủng hoảng Ukraine, sự vươn lên của các quốc gia, khu vực châu Á, sự chuyển hướng chiến lược của các nước lớn ngoài khu vực đang tạo nên những chuyển đổi to lớn của cục diện thế giới và khu vực do tác động của các xu hướng địa-chính trị, địa kinh tế, cũng như những tác động của dịch COVID-19.

Châu Á là một khu vực với những giá trị đa dạng và nhiều năm qua luôn là một động lực cho sự tăng trưởng và phục hồi kinh tế thế giới. Tuy nhiên, đại dịch đã làm cho châu Á rung động, chuỗi cung ứng đứt gãy, kinh tế suy thoái... Điều đó chứng tỏ những nền tảng của châu Á tưởng vững chắc nhưng vẫn còn khá mong manh, dễ vỡ.

Đã có lúc châu Á được đánh giá là động lực của nền kinh tế toàn cầu. Và bây giờ, FOA 2022 mạnh dạn đưa ra một mục tiêu rộng lớn hơn về việc châu Á phải có vai trò lớn trong an ninh, chính trị toàn cầu.

Đó là mục tiêu đầy tham vọng nhưng có cơ sở khi các nước châu Á đã nhận thấy tầm quan trọng chiến lược của khu vực và yêu cầu khách quan của việc phải hành động, phải cùng nhau đoàn kết, đóng góp nỗ lực chung để xây dựng lại châu Á sau đại dịch và ứng phó với những thách thức mới, thách thức không chỉ ở châu Á và tham gia xử lý cả những thách thức toàn cầu.

- Trong bối cảnh thế giới đang đối mặt với nhiều thách thức và biến động như hiện nay, Đại sứ có thể cho biết Việt Nam đã và đang đóng góp như thế nào cho hòa bình, ổn định và thịnh vượng tại châu Á và trên thế giới?

Đại sứ Vũ Hồng Nam: Giải quyết các bất đồng, tranh chấp bằng các biện pháp hoà bình, trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc là chủ trương xuyên suốt, thể hiện đường lối đối ngoại hòa bình của Việt Nam.

Lịch sử dân tộc Việt Nam từ bao đời nay cũng cho thấy rõ truyền thống của dân tộc ta là “đem đại nghĩa để thắng hung tàn, lấy chí nhân để thay cường bạo,” hòa bình luôn là phương pháp được ưu tiên hàng đầu trong các phương pháp được Việt Nam lựa chọn.

Việt Nam chủ động tham gia và phát huy vai trò tại các cơ chế đa phương, nhất là ASEAN, Liên hợp quốc, các cơ chế hợp tác khu vực, liên khu vực và Tiểu vùng Mekong, phù hợp với yêu cầu, khả năng và điều kiện cụ thể... qua đó thể hiện hình ảnh một Việt Nam trách nhiệm, đề cao luật pháp quốc tế, nỗ lực xây dựng đồng thuận, tìm kiếm giải pháp thỏa đáng cho các tranh chấp, xung đột...

Cùng với các nước ASEAN, Việt Nam nỗ lực tăng cường vai trò trung tâm của khối trong duy trì hòa bình, an ninh và thịnh vượng tại Đông Nam Á cũng như châu Á-Thái Bình Dương.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio tại hội thảo hợp tác đổi mới công nghệ và chuyển đổi số, tại Hà Nội ngày 1/5/2022. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Liên quan đến việc giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông, Việt Nam luôn khẳng định lập trường rõ ràng và nhất quán, ủng hộ giải quyết tranh chấp bằng các giải pháp, biện pháp hòa bình, thông qua các tiến trình ngoại giao và pháp lý, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, tuân thủ Hiến chương Liên hợp quốc và Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982, duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không và trật tự ở Biển Đông dựa trên luật pháp quốc tế.

Đặc biệt, Việt Nam tích cực tham gia vào các cơ chế đa phương như phát huy vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (nhiệm kỳ 2020-2021), đóng góp chủ động và có trách nhiệm vào các vấn đề chung vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển của khu vực và thế giới.

Từ năm 2014, Việt Nam đã tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc trong lĩnh vực quân y, công binh... Dù tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc muộn hơn so với các nước khác, nhưng Việt Nam được Liên hợp quốc và các nước đánh giá cao bởi cam kết chính trị mạnh mẽ và đóng góp tích cực cho sứ mệnh chung.

Sự hiện diện của các sỹ quan quân đội nhân dân Việt Nam đã có mặt tại các phái bộ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc ở Nam Sudan, Cộng hòa Trung Phi... là bằng chứng sinh động cho cam kết tham gia và đóng góp lâu dài cho hoạt động gìn giữ hòa bình của Việt Nam.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng tham gia đóng góp tích cực cho nỗ lực của cộng đồng quốc tế ứng phó các thách thức toàn cầu, đóng góp cho các hoạt động nhân đạo. Năm 2021, Việt Nam đóng góp tổng cộng 1 triệu USD cho Chương trình COVAX, thể hiện mạnh mẽ tình đoàn kết quốc tế và nỗ lực trách nhiệm của Việt Nam trong nỗ lực phòng chống đại dịch COVID-19. Vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã công bố hỗ trợ nhân đạo 500.000 USD cho Ukraine thông qua các tổ chức quốc tế.

Là một đất nước từng trải qua nhiều cuộc chiến tranh, người dân Việt Nam hiểu rất rõ giá trị của hòa bình. Việt Nam đã và đang nỗ lực hết mình cùng cộng đồng quốc tế phấn đầu vì hòa bình, ổn định, thịnh vượng và phát triển của mỗi quốc gia, của châu lục và trên thế giới.

- Xin cảm ơn Đại sứ!./.


Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio cùng các đại biểu chụp ảnh chung tại hội thảo hợp tác đổi mới công nghệ và chuyển đổi số, tại Hà Nội ngày 1/5/2022. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Tác giả: Thanh Tùng-Đức Thịnh

Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến