Vietcombank: Cẩn thận quá hoá “thừa”
19/05/2015 18:29:55
ANTT.VN – Vietcombank đã chính thức công bố báo cáo tài chính quý I năm 2015, con số lợi nhuận trước thuế quý I năm 2015 đạt mức 1.455 tỷ đồng giảm 3% so với cùng kì năm trước. Ở một chiều hướng ngược lại mức nợ xấu từ 2,3% cuối năm 2014 đã tăng lên 2,6% trong 3 tháng đầu năm 2015.

Tin liên quan

Một điều đáng chú ý là tỷ số cho vay khách hàng trên tổng vốn huy động từ thị trường 1 (LDR) của Vietcombank chỉ đạt mức 75,8% thấp hơn rất nhiều so với các “anh em” ngân hàng thương mại Nhà nước khác như BIDV và Vietinbank. Ở BIDV tỷ lệ này đạt mức hơn 100% còn ở VietinBank con số này đạt 105%.

bao-cao-tai-chinh-quy-I2015-vietcombank

bao-cao-tai-chinh-quy-I-nam-2015-Vietcombank

Thông thường, theo lý thuyết về mặt quản trị, chỉ số LDR nên ở mức nhỏ hơn 1 để đảm bảo mức độ an toàn vốn, phòng tránh rủi ro. Tuy nhiên, trong bối cảnh nền kinh tế đang phục hồi một con số LDR trên 1 một chút hoàn toàn có thể chấp nhận được. Hơn nữa, hoạt động cho vay vốn là hoạt động sinh lời chủ yếu và cũng là hoạt động chính của ngân hàng, vì thế với mục tiêu tối đa hoá lợi nhuận, không có gì khó hiểu khi BIDV và Vietinbank duy trì chỉ số LDR như vậy.

Tuy nhiên, tại Vietcombank, chỉ số LDR chỉ đạt mức xấp xỉ 0,76 nghĩa là ngân hàng này chỉ sử dụng 3/4 “sức lực” để thực hiện “nhiệm vụ chủ chốt” của mình. Vậy tại sao Vietcombank lại không sử dụng hết nguồn lực từ nguồn huy động vốn của mình vào hoạt động cho vay như các ngân hàng khác? Có 2 nguyên nhân có thể giải thích cho điều này.

Thứ nhất, nhìn vào bảng kết quả hoạt động kinh doanh, lãi thu được từ hoạt động kinh doanh ngoại hối của Vietcombank đạt mức 471 tỷ VND cao hơn nhiều so với BIDV  (21 tỷ VND) và Vietinbank (37 tỷ VND). Điều này được lý giải một cách đơn giản là Vietcombank đã tập trung nhiều nguồn lực hơn để thực hiện hoạt động kinh doanh ngoại hối vốn là thế mạnh của ngân hàng này. Tỷ lệ tiền gửi bằng ngoại tệ của ngân hàng này cũng cao hơn hẳn 2 ngân hàng còn lại, chiếm tỷ trọng 21,2% tổng tiền gửi trong khi đó con số này tại BIDV và Vietinbank lần lượt là 7,57% và 8,17%.

Thứ hai, Vietcombank rất dè chừng trong hoạt động cho vay vì lo ngại nợ xấu? Tuy nhiên, báo cáo quí I năm 2015 của Vietcombank chỉ ra rằng, mặc dù con số dành cho hoạt động cho vay thấp nhất trong 3 ngân hàng thương mại cổ phần vốn nhà nước nhưng con số nợ xấu của Vietcombank lại cao nhất! Cụ thể, tỷ lệ nợ xấu của BIDV là 2,23% trên tổng dư nợ 465.174 tỷ VND, con số này ở Vietinbank là 1,79% trên tổng dự nợ 450.056 tỷ VND. Ở Vietcombank, mặc dù tổng dư nợ chỉ đạt mức 330.781 tỷ VND nhưng con số nợ xấu của ngân hàng này là 2,6% tức khoảng 8.800 tỷ VND trong đó nợ nhóm 5 chiếm tỷ trọng 54,5% tức khoảng 4.800 tỷ VND. Vì thế, con số trích lập dự phòng rủi ro của ngân hàng này tăng từ 7.043 tỷ VND cuối năm 2014 lên 8.291 tỷ VND tức hơn 1.200 tỷ trong quý I.

Một điều bất cập là cho dù vốn huy động từ hoạt động tiền gửi gần như nhau, nợ xấu lại cao hơn so với 2 ngân hàng còn lại nhưng lợi nhuận quý I năm 2015 của Vietcombank lại thấp hơn 2 ngân hàng bạn rất nhiều. Cụ thể, lợi nhuận quý I của Vietcombank đạt mức 1.455 tỷ VND trong khi con số này ở Vietinbank và BIDV lần lượt là 1.563 và 2.273 tỷ VND. Điều này cho thấy, sự “cẩn thận” quá mức của Vietcombank không những không giúp họ giảm thiểu nợ xấu mà còn làm cho lợi nhuận bị suy giảm so với đối thủ.

Đôi khi cẩn thận quá lại không đem lại hiệu quả như mong muốn!

Sự an ủi duy nhất là với việc chỉ sử dụng hơn 75% dòng vốn huy động tiền gửi, “bức tường phòng thủ” trước nguy cơ nợ xấu của Vietcombank “dày” hơn so với 2 ông lớn còn lại rất nhiều. Trong trường hợp nợ xấu leo thang, Vietcombank hoàn toàn có thể tự xử lý khoản nợ bằng nội lực mà không cần đến sự trợ giúp từ bên ngoài.

N.M

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến