Vietcombank vẫn ngoài vùng làn sóng sáp nhập
24/04/2015 16:07:17
ANTT.VN - Sáng nay (24/04), Vietcombank đã tổ chức đại hội cổ đông thường niên 2015 thông qua kết quả kinh doanh và phân phối lợi nhuận 2014, dự kiến đạt lợi nhuận 5.900 tỷ đồng trong năm 2015. Bên cạnh đó, đáp lại những thắc mắc của cổ đông về phương án sáp nhập ngân hàng, Chủ tịch HĐQT Nghiêm Xuân Thành chưa đưa ra một cái tên cụ thể.

Tin liên quan

 

Dự kiến doanh thu tăng 10%, lợi nhuận tăng 0,4%

Theo báo cáo của Ban điều hành và HĐQT, năm 2014, ngân hàng đạt tổng tài sản gần 577 nghìn tỷ đồng, tăng 23% so với 2013; dư nợ tín dụng tăng 17,7% đạt 326 nghìn tỷ đồng; Tiền gửi khách hàng tăng 27% đạt 424 nghìn tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu ở mức 2,31% trên tổng dư nợ. Lợi nhuận trước thuế 5.876 tỷ đồng, tăng 2,3% so với 2013.

Tỷ suất lợi nhuận trên tổng tài sản (ROA) đạt 0,88%, tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) đạt 10,76%; hệ số an toàn vốn tối thiểu (CAR) đạt 11,61%.

Phương án phân phối lợi nhuận 2014 của Vietcombank được đại hội đồng cổ đông thông qua

Một trong những hạn chế của Vietcombank 2014, theo đánh giá của lãnh đạo nhà băng, chính là những bất hợp lý trong cân đối nguồn vốn VND và ngoại tệ. Báo cáo của ban điều hành cho biết tăng trưởng huy động vốn, sử dụng vốn VND và ngoại tệ đang có diễn biến trái chiều. Cụ thể, huy động vốn năm 2014 tăng chủ yếu ở VND (tăng 30,46%) trong khi huy động vốn ngoại tệ chỉ tăng 12,7%.

Dễ huy động VND nhưng nhà băng này lại tăng trưởng cho vay ngoại tệ nhiều hơn. Tín dụng ngoại tệ Vietcombank tăng 26,1% trong khi VND chỉ tăng 15,03%. Trong cơ cấu tín dụng, cho vay ngoại tệ chiếm hơn một phần tư tổng dư nợ. Hệ số cho vay trên huy động (LDR) với VND còn thấp trong khi ngoại tệ lại khá cao.

Bước sang năm 2015, ngân hàng đặt kế hoạch tăng 11,5% tổng tài sản lên 643 nghìn tỷ đồng; tín dụng tăng trưởng 13%; huy động vốn tăng 12%; tỷ lệ nợ xấu dưới 2,5%.

Cũng theo phương án này, Vietcombank phấn đấu đạt mức lợi nhuận trước thuế khoảng 5.900 tỷ đồng, chủ tịch HĐQT Vietcombank giải thích về vấn đề dự kiến doanh thu tăng 10% trong khi lợi nhuận chỉ tăng thêm 0,4% trong năm 2015, ngân hàng dự kiến trích lập dự phòng rủi ro tăng thêm 1.000 tỷ đồng so với năm 2014.

Về việc phân phối lợi nhuận 2014, ngân hàng có 4.475 tỷ đồng để phân phối. Sau khi trích lập các quỹ, ngân hàng sẽ chia cổ tức 10% bằng tiền mặt, tương đương dự chi khoảng 2.655 tỷ đồng.

Chưa chốt đối tác sáp nhập

Đại hội cổ đông thường niên 2015 của Vietcombank diễn ra khá ngắn gọn với các tờ trình của HĐQT, Ban kiểm soát. Đến phần thảo luận, các cổ đông hầu hết có câu hỏi liên quan đến kế hoạch sáp nhập của Vietcombank với ngân hàng khác? Có thông tin Vietcombank nhắm đến ngân hàng trong nhóm cần hỗ trợ như GPBank, OceanBank, SaiGonBank, thông tin thực hư ra sao?

Những câu hỏi này được đại diện phía ngân hàng là Chủ tịch HĐQT Nghiêm Xuân Thành cho biết : “Tại ĐHCĐ bất thường tháng 12 năm ngoái, ngân hàng đã xin ý kiến cổ đông cho chủ động tìm kiếm, hợp nhất, sáp nhập với TCTD khác khi có điều kiện. Đến thời điểm này, do phải tìm hiểu nên vẫn chưa có phương án nào cụ thể. Khi chính thức tìm được đối tác cụ thể thì sẽ thông báo cổ đông sau”.

Chủ tịch HĐQT Vietcombank Nghiêm Xuân Thành tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2015

Bên cạnh đó, hiện Vietcombank có tham gia cổ phần ở một số tổ chức tín dụng (5 tổ chức tín dụng). "Theo thông tư 36, một ngân hàng chỉ được góp vốn tối đa 2 tổ chức tín dụng khác và tỷ lệ vốn không quá 5%. Vietcombank đã trình đề án cho Thống đốc về việc thoái vốn và chắc chắn sẽ giảm dần sở hữu tại những nơi này, tiến tới không nắm vốn ở quá 2 ngân hàng", ông Thành nói.

Ngoài ra, Năm 2014, Vietcombank đã bán nợ xấu Vinalines cho Công ty mua bán tài sản doanh nghiệp (DATC). Trước thắc mắc của cổ đông về việc tại sao không không chờ thời điểm thị trường và Vinalines phục hồi để thu hồi giá trị cao, ông Thành cho rằng đây là phương án hiệu quả nhất. "Hiệu quả ở đây không có nghĩa là số tiền thu hồi cao nhất. Có thể thu hồi cao nhưng phải mất 3, 5 thậm chí 10 năm. Như vậy nếu tính giá trị dòng tiền thì lại không hiệu quả", vị này cho hay.

Ngoài ra, Vietcombank cũng không có ý định chuyển nợ Vinalines thành vốn góp bởi theo quy định, ngân hàng không được tham gia quá 11% vốn của doanh nghiệp. "Mặt khác, đánh giá thị trường có thể khởi sắc chỉ là một phía, có thể là ảo vọng, thiếu thực tế. Sau phân tích thực trạng như vậy, Vietcombank lựa chọn phương án bán nợ cho DATC", ông Thành lý giải.

Hoa Liên
Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến