Dòng sự kiện:
Vimedimex 'gán' tòa nhà vay ngân hàng để nhập khẩu vắc-xin phòng Covid-19
05/11/2021 14:44:15
Để có tiền nhập khẩu vắc-xin phòng Covid-19, Vimedimex phải đi vay ngân hàng 360 tỷ đồng và thế chấp bằng tòa nhà Vimedimex tại Q.1, Tp.HCM.

Công ty cổ phần Y Dược phẩm Vimedimex (MCK: VMD) vừa công bố báo cáo tài chính quý III/2021 với doanh thu đạt 2.175 tỷ đồng, giảm một nửa so với cùng kỳ. Trong đó, doanh thu bán hàng tại Công ty TNHH MTV Vimedimex Bình Dương đem về 2.093 tỷ đồng, chiếm 97% tổng doanh thu.

Doanh thu tài chính tăng mạnh gần 5 lần lên mức 62 tỷ đồng nhờ khoản lãi chênh lệch tỷ giá phát sinh trong năm liên quan đến hoạt động nhập khẩu thuốc, trang thiết bị y tế.

Sau khi khấu trừ các loại chi phí, Vimedimex báo lãi sau thuế 9 tỷ đồng, giảm 10% so với mức lãi thực hiện năm trước.

9 tháng đầu năm, doanh nghiệp ngành dược ghi nhận doanh thu và lợi nhuận sau thuế đạt 9.897 tỷ đồng và 28 tỷ đồng, giảm lần lượt 24% và 2% so với cùng kỳ.

Nợ phải trả cao gấp 14 lần vốn chủ sở hữu

Về tình hình tài chính của VMD, tại ngày 30/9/2021, nợ phải trả của Vimedimex giảm hơn 2.200 tỷ đồng xuống còn 5.781 tỷ đồng. Mặc dù giảm mạnh nhưng nợ phải trả so với tổng cộng nguồn vốn chiếm gần 93%, và gấp 14 lần vốn chủ sở hữu.

Trong cơ cấu nợ phải trả, chủ yếu là khoản phải trả người bán ngắn hạn đạt 4.578 tỷ đồng (giảm 38% so với hồi đầu năm); khoản phải trả dài hạn khác ở mức 17 tỷ đồng (giảm 26%) còn nợ vay tài chính ngắn hạn tăng hơn 2 lần so với hồi đầu năm.

Cụ thể, Vimedimex vay tài chính ngắn hạn thêm gần 430 tỷ đồng lên mức 774 tỷ đồng. Khoản vay này gồm 360 tỷ đồng vay ngân hàng nhằm thanh toán các chi phí thực hiện nhập khẩu vắc-xin Hayat - Vax và Sputnik-V phòng Covid-19 và được thế chấp bằng bất động sản là toà nhà Vimedimex tại địa chỉ 246 Cống Quỳnh, Phạm Ngũ Lão, Q.1, Tp.HCM. Doanh nghiệp cũng có khoản vay gần 414 tỷ đồng nhằm tài trợ cho nhu cầu về vốn lưu động của Công ty TNHH MTV Vimedimex Bình Dương.

Cuối quý III, phần lớn tài sản của Vimedimex là các khoản phải thu ngắn hạn khác (2.162 tỷ); hàng tồn kho (3.316 tỷ).

Theo báo cáo lưu chuyển tiền tệ, dòng tiền kinh doanh của Dược phẩm Vimedimex 9 tháng đầu năm 2021 âm 538 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái ghi nhận 337 tỷ đồng. Tương tự, dòng tiền đầu tư cũng âm 16 tỷ đồng, cùng kỳ năm ngoái âm 28 tỷ đồng.

Ai đang chi phối VMD?

Dược phẩm Vimedimex tiền thân là công ty xuất nhập khẩu đầu tiên của Bộ Y tế được thành lập năm 1984. Đến năm 2006, Vimedimex cổ phần hóa, khi ấy vốn điều lệ của là 25 tỷ đồng, trong đó tỉ lệ cổ phần của cổ đông Nhà nước chiếm 51% vốn điều lệ.

Sau khi cổ phần hóa, VMD đã trải qua nhiều lần tăng vốn dẫn đến hiện tượng pha loãng, tỉ lệ sở hữu của Nhà nước giảm từ 51% xuống còn 10,2% (tính đến 30/9/2021).

Cụ thể, lần 1, VMD tăng vốn từ 25 tỷ lên 49,4 tỷ thông qua phát hành trái phiếu chuyển đổi, tỉ lệ sở hữu của Nhà nước giảm từ 51% xuống còn 25,8%.

Lần 2, VMD tăng vốn điều lệ từ 49,4 tỷ lên 65,4 tỷ đồng thông qua phát hành 1,6 triệu cổ phiếu phổ thông theo hình thức phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư chiến lược là Công ty Cổ phần Chứng khoán Hòa Bình (doanh nghiệp do bà Nguyễn Thị Loan và ông Trần Văn Kỳ sáng lập) với giá 22.000 đồng/cổ phần, nhằm huy động vốn nộp tiền sử dụng đất đầu tư dự án xây dựng cao ốc văn phòng và siêu thị thuốc tại địa chỉ số 246 Cống Quỳnh, Q.1, Tp.HCM.

Lần thứ 3, sau hơn 1 năm, VMD lại phát hành 1,6 triệu cổ phiếu ra công chúng, tăng vốn điều lệ từ 65,4 tỷ đồng lên 81,4 tỷ đồng (tháng 4/2010).

Lần thứ 4, VMD tiếp tục tăng vốn lên 84,4 tỷ đồng năm 2012 qua phát hành gần 300.000 cổ phần cho cổ đông hiện hữu.

Lần thứ 5, VMD phát hành riêng lẻ 7 triệu cổ phần cho cổ đông chiến lược CTCP Dược phẩm Vimedimex 2, tăng vốn lên 154,4 tỷ đồng và ổn định tới hiện nay.

Trong 5 lần tăng vốn, cổ đông nhà nước là Tổng công ty Dược Việt Nam không góp thêm vốn, tỉ lệ sở hữu giảm từ mức chi phối 51% sau cổ phần hoá về 19,49% cuối năm 2008, và từ năm 2017 đến nay về còn 10,2%.

Hiện tại, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm người đại diện theo pháp luật của Dược phẩm Vimedimex là bà Nguyễn Thị Loan.

Về cơ cấu cổ đông VMD, CTCP Dược phẩm Vimedimex 2 là cổ đông lớn nhất sở hữu 45,4% vốn; tiếp theo là Tổng công ty Dược Việt Nam (doanh nghiệp do Bộ Y tế sở hữu 65% vốn) nắm 10,2%; ông Lê Xuân Tùng (con trai bà Nguyễn Thị Loan - hiện giữ chức vụ Phó Tổng giám đốc VMD) sở hữu 7,4%; ông Trần Kiên Cường nắm giữ 7,1%; bà Trần Thị Đoan Trang sở hữu 5% và 24,7% vốn thuộc các cổ đông khác .

Cụ thể, về cổ đông lớn nhất của VMD - Vimedimex 2 được thành lập ngày 24/3/2014 và cũng do bà Nguyễn Thị Loan làm Chủ tịch HĐQT kiêm người đại diện pháp luật, có trụ sở tại Khu công nghiệp Tiên Sơn, xã Nội Duệ, huyện Tiên Du, Bắc Ninh.

Trên thị trường chứng khoán, mã VMD gây sốt với chuỗi tăng giá ấn tượng từ ngày 9/8 đến ngày 1/9, tức 18 phiên liên tiếp. Trong đó, VMD tăng trần 16/18 phiên, từ mức giá 26.400 đồng tăng lên mức 82.400 đồng/cp, tương đương với mức tăng 212%.

Sau chuỗi tăng ấn tượng, thị giá VMD giảm dần, phiên ngày 4/11 đứng ở mức 37.850 đồng/cp.

Cổ phiếu VMD có sự tăng trưởng “dậy sóng” là do thông tin Vimedimex được cấp phép nhập khẩu vắc-xin Sputnik V về Việt Nam.

Trước đó, hồi đầu tháng 6, VMD cũng từng chứng kiến chuỗi 5 phiên liên tiếp tăng kịch trần khi Vimedimex nằm trong danh sách 36 đơn vị được cấp giấy phép chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh phạm vi nhập khẩu vắc-xin, kinh doanh dịch vụ bảo quản vắc-xin được Bộ Y Tế công bố.

Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến