“Vinataba không có quyền sản xuất thuốc lá Jet và Hero tại Việt Nam”
11/03/2016 09:32:30
ANTT.VN – Đó là chia sẻ của luật sư Nguyễn Quang Ngọc - Giám đốc Trung tâm pháp luật – Hiệp hội Chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu Việt Nam, trước thông tin Tổng Công ty Thuốc lá Việt Nam (Vinataba) nộp đơn đăng ký các nhãn hiệu JET và HERO tại Việt Nam.
 

Tin liên quan

Doanh nghiệp khẳng định đúng luật

Ngày 10/3, Tổng công ty Thuốc lá VN (Vinataba) đã phát ra thông cáo chính thức khẳng định việc Vinataba sở hữu 2 thương hiệu Jet và Hero tại Việt Nam là đúng luật.

Thông cáo cho biết: Để bảo vệ lợi ích kinh tế quốc gia và người tiêu dùng tại Việt Nam, Vinataba đã tiến hành nộp đơn đăng ký các nhãn hiệu Jet và Hero (nhãn chữ và nhãn hình) tại Cục Sở hữu Trí tuệ Việt. 

Vinataba - một nhãn hiệu thuốc lá nội phổ biến ở Việt Nam hiện nay

Đồng thời, ngày 7-7-2015, Vinataba cũng đã nộp đơn yêu cầu Cục Sở hữu Trí tuệ Việt Nam đình chỉ (hủy bỏ) hiệu lực các đăng ký nhãn hiệu Jet và Hero đã cấp cho N.V. SUMATRA TOBACCO TRADING COMPANY (SUMATRA hoặc Cty STTC). Việc đăng ký và hủy bỏ này dựa theo các điều khoản của Luật Sở hữu Trí tuệ 2005, sửa đổi năm 2009 (“Luật Sở hữu Trí tuệ”), và phù hợp với các Công ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia

Đại diện lãnh đạo Vinataba cho biết: việc yêu cầu đình chỉ (hủy bỏ) hiệu lực nhãn hiệu Jet và Hero của SUMATRA, và nộp đơn đăng ký nhãn hiệu Jet và Hero dưới tên Vinataba nhằm mục đích:

Thứ nhất là hủy bỏ sự bảo hộ về pháp luật đã cấp trước đây cho SUMATRA liên quan đến các nhãn hiệu Jet và Hero tại Việt Nam, ngăn chặn việc SUMATRA lợi dụng sự bảo hộ pháp lý này để che giấu hoặc tiếp tay cho hành vi nhập lậu sản phẩm thuốc lá Jet và Hero vào Việt Nam (Sản phẩm Jet và Hero chiếm hơn 80% lượng thuốc lá nhập lậu, gây thất thu cho ngân sách Nhà nước hàng nghìn tỷ đồng/năm); 

80% thuốc lá lậu trên thị trường Việt Nam hiện nay là nhãn hiệu Jet và Hero

Thứ 2 là xác lập quyền nhãn hiệu đối với các nhãn hiệu Jet và Hero dưới tên của Vinataba nhằm kiểm soát nghiêm ngặt việc sử dụng các nhãn hiệu đó. Sau khi được Cục Sở hữu trí tuệ cấp đăng ký nhãn hiệu đối với các nhãn hiệu Jet và Hero tại Việt Nam, Vinataba mới tiến hành sản xuất, nộp thuế và tiêu thụ tại thị trường Việt Nam. 

Doanh nghiệp này cũng viện dẫn: Ngày 30/09/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 30/CT-TTg về đẩy mạnh công tác đấu tranh chống buôn lậu thuốc lá. Tại Hội nghị trực tuyến sơ kết 6 tháng thực hiện Chỉ thị 30/CT-TTg ngày 21/05/2015, Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia  đã đề xuất giải pháp “Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam và các đơn vị thành viên hàng năm phải dành ra một phần kinh phí nghiên cứu, điều tra thị trường, nghiên cứu sản xuất ra sản phẩm mới Hero, Jet hoặc tương đương đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng, từng bước kết hợp với các giải pháp khác nhằm giảm thị phần thuốc lá lậu”.

Hội Luật gia phản đối

Trong khi đó, trong văn bản gửi Bộ Công thương và Bộ Khoa học Công nghệ, Hội Luật gia Việt Nam kiến nghị: Không cho Vinataba sản xuất thuốc lá Jet, Hero.

Theo Hội Luật gia, công ty STTC đã có văn bản về việc này, cho rằng nhãn hiệu Jet, Hero thuộc sở hữu của STTC.

STTC khẳng định không nhập khẩu trái phép hay cho các doanh nghiệp khác nhập khẩu trái phép Jet và Hero vào VN, hiện tượng thuốc lá lậu tại VN không phải do đăng ký nhãn hiệu Jet, Hero cho STTC.

Hiện tại, Việt Nam và Indonesia đều là thành viên công ước Paris về bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp.

Từ đó, Hội Luật gia kiến nghị: Bộ Khoa học Công nghệ không cấp quyền sở hữu nhãn hiệu Jet và Hero cho Vinataba, Bộ Công thương chỉ đạo Vinataba dừng kế hoạch sản xuất thuốc Jet và Hero tại VN  “để tránh STTC kiện Vinataba ra tòa quốc tế, ảnh hưởng đến uy tín VN”.

Luật sư: “Vinataba không có quyền sản xuất thuốc lá Jet và Hero tại Việt Nam”

Để tìm hiểu vấn đề trên, ANTT.VN đã có cuộc trao đổi với luật sư Nguyễn Quang Ngọc - Giám đốc Công ty Luật Quốc Tế Thiên Việt (VIETSKY LAW FIRM), Giám đốc Trung tâm pháp luật – Hiệp hội Chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu Việt Nam, Thành viên Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội:

Thưa luật sư Nguyễn Quang Ngọc, xin ông cho biết đề nghị của Vinataba được đăng ký 2 nhãn hiệu thuốc lá Jet và Hero ở Việt Nam có đúng luật không? Luật pháp Việt Nam có điều khoản nào quy định tình huống này hay không?

Theo tôi, Vinataba không có quyền sản xuất thuốc lá mang nhãn hiệu Jet và Hero tại Việt Nam. Bởi vì 2 nhãn hiệu này đã được đăng ký bản quyền trên thế giới trước rồi, do đó khi Vinataba đăng ký 2 nhãn hiệu này chắc chắn sẽ bị từ chối.

Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ của Việt Nam (năm 2009) tại Điều 74 khoản C quy định rất chi tiết về vấn đề này.

Vậy theo ông, lý do Vinataba đưa ra để đề nghị Cục Sở hữu trí tuệ đình chỉ (hủy bỏ) hiệu lực nhãn hiệu Jet và Hero của Indonesia tại Việt Nam là do doanh nghiệp này đã không được sử dụng 5 năm liên tục tại Việt Nam thì có thuyết phục hay không?

Đó là một trong 3 lý do chính để hủy bỏ hiệu lực một nhãn hiệu nào đó, tuy nhiên trong trường hợp này thì không thuyết phục, bởi vì Jet và Hero không được sản xuất ở Việt Nam trong 5 năm qua nhưng hành vi thương mại của họ vẫn đang có ở Việt Nam thông qua hoạt động xuất nhập khẩu. Họ vẫn đang được phân phối một cách chính thống ở Việt Nam.

Nhưng Vinataba cũng nêu lý do việc hủy bỏ bảo hộ pháp lý đối với Sumatra là để ngăn chặn việc DN này lợi dụng sự bảo hộ này để che giấu hoặc tiếp tay cho hành vi nhập lậu sản phẩm thuốc lá Jet và Hero vào Việt Nam (80% thuốc lá lậu ở VN hiện nay là Jet và Hero)?

Đó chỉ là lý do của Vinataba thôi, thực tế chúng ta chưa có bằng chứng nào về việc thuốc lá nhập lậu của Việt Nam hiện nay có liên quan đến họ. Nếu căn cứ vào điều này để chấp thuận đề nghị của Vinataba, chúng ta sẽ vi phạm Luật cạnh tranh.

Thưa luật sư, được biết hiện Việt Nam và Indonesia đều đang tham gia Công ước Paris về bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp. Xin ông cho biết việc Vinataba đăng ký nhãn hiệu Jet, Hero với Cục Sở hữu trí tuệ và chuẩn bị tự sản xuất hai nhãn hiệu này tại VN có vi phạm Công ước này hay không?

Theo Công ước, mọi quốc gia đều có nghĩa vụ phải bảo vệ quyền sở hữu hợp pháp các nhãn hiệu của các quốc gia tham gia Công ước. Nếu đáp ứng yêu cầu của Vinataba thì không những vi phạm Luật Sở hữu trí tuệ trong nước mà còn vi phạm Công ước quốc tế Việt Nam đã ký, rất có thể sẽ bị kiện ra tòa án quốc tế.

Ngày 26/1/2016, Cục Sở hữu Trí tuệ đã ban hành 45 quyết định đình chỉ hiệu lực 45 nhãn hiệu Jet và Hero đơn yêu cầu của Vinataba với lý do các nhãn hiệu này không được sử dụng tại Việt Nam trong vòng 5 năm liên tục, ông đánh giá như thế nào về quyết định này?

Tôi cho rằng đó là quyết định vội vàng, mang nhiều yếu tố chủ quan.

Xin cảm ơn ông!

Diệp Chi 

 

 

 

 
Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến