Vòng luẩn quẩn giữa IJC và Becamex
07/06/2016 09:32:47
Năm 2011, Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp – TNHH MTV (Becamex) rót tiền giúp IJC tăng vốn lên gấp 4 lần để mua lại chính dự án của Becamex, để rồi 5 năm sau IJC bán lại một phần dự án cho Becamex và trả tiền lại cho Tổng Công ty này. Vòng luẩn quẩn giữa hai công ty mẹ - con liệu đã kết thúc sau quyết định giảm vốn chưa từng có tiền lệ của IJC?

Tin liên quan

Becamex rót tiền cho IJC tăng vốn để mua lại dự án của… Becamex

CTCP Phát triển Hạ tầng Kỹ thuật – Becamex IJC (HOSE: IJC) được thành lập từ phương án cổ phần hóa theo quyết định số 3736 ngày 21/08/2006 của UBND tỉnh Bình Dương về việc cổ phần hóa dự án Quốc lộ 13 thuộc Becamex; quyết định số 1131 ngày 01/03/2007 của UBND tỉnh Bình Dương về việc phê duyệt phương án và chuyển dự án Quốc lộ 13 trực thuộc Becamex thành IJC. Sau đó 4 năm, đến tháng 04/2010, gần 55 triệu cp IJC đã chính thức được niêm yết trên Sở GDCK TPHCM (HOSE).

Vừa chân ướt chân ráo lên sàn, đến tháng 9/2010, IJC được cổ đông thông qua phương án tăng vốn điều lệ khủng từ 548 tỷ lên 2,742 tỷ đồng bằng cách phát hành cho cổ đông hiện hữu (tỷ lệ thực hiện quyền 1:4) với giá bán 10,000 đồng/cp.

Khi đó, theo bản công bố thông tin trước phát hành của IJC, nhóm cổ đông trong nước nắm giữ 93.1% vốn bao gồm một số cổ đông lớn và quỹ đầu tư như: Becamex chiếm 75% vốn điều lệ, cùng nhóm các tổ chức tài chính là ngân hàng BIDV, CTCK Đệ Nhất, CTCP Đầu tư Tài chính BIDV. Trong khi, cổ đông nước ngoài nắm giữ 6.9% vốn bao gồm: Vietnam Dragon Fund và Temasia Captial Limited.

Toàn bộ số tiền thu được từ phương án phát hành theo kế hoạch sẽ được sử dụng để triển khai đầu tư dự án Khu đô thị IJC với tổng diện tích hơn 26.6 ha tại Bình Dương (tổng vốn đầu tư hơn 6,568 tỷ đồng). Trong đó, theo kế hoạch năm 2011, IJC sẽ thanh toán gần 2,200 tỷ đồng tiền chuyển nhượng dự án (trên tổng số gần 4,400 tỷ đồng), mà đối tác không ai xa lạ chính là… công ty mẹ Becamex. Mức giá chuyển nhượng khi đó được ấn định cũng cao bất thường đến 15 triệu đồng/m2, trong bối cảnh thị trường BĐS tại Bình Dương đang “đóng băng”.

Việc phát hành của IJC đã được hoàn tất và Công ty đã niêm yết số cp sau phát hành lên HOSE vào tháng 4/2011, cùng với đó IJC cũng hoàn tất thanh toán phần tiền chuyển nhượng đất cho Becamex. Theo BCTC soát xét 6 tháng đầu năm 2011, khoản mục chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang của IJC tăng đột biến từ 1,352 tỷ lên 2,443 tỷ đồng, trong khi khoản mục trả trước cho Becamex giảm từ 1,021.6 tỷ xuống chỉ còn gần 10 tỷ đồng.

Bỏ ra hơn 1,645 tỷ đồng mua cổ phần phát hành tăng vốn của IJC nhưng Becamex đã thu lại gần 2,200 tỷ đồng tiền chuyển nhượng đất chỉ trong năm 2011 liên quan đến dự án Khu đô thị IJC tại Bình Dương. Vừa giải quyết được dự án, mà tính ra Tổng Công ty này vẫn “lời” hơn 500 tỷ đồng!?

Tổng mức đầu tư dự kiến vào dự án Khu đô thị IJC

Nguồn: Bản cáo bạch phát hành năm 2010

Vòng luẩn quẩn tiếp tục sau 5 năm

5 năm sau quyết định tăng vốn để đầu tư dự án Khu đô thị IJC tại Bình Dương, những gì IJC nhận được từ dự án đáng ra phải hoàn thành nhiều năm trước, là con số chi phí xây dựng dở dang hàng ngàn tỷ đồng. Theo BCTC hợp nhất năm 2015 của IJC, chiếm tỷ lệ lớn nhất trong khoản mục tài sản là hàng tồn kho và phải thu khách hàng với giá trị lần lượt là 4,392 tỷ đồng và 1,742 tỷ đồng, chiếm tổng cộng gần 84%.

Chi phí dở dang chủ yếu của các công trình xây dựng nhà phố, khu thương mại, nhà biệt thự, nhà chung cư... Riêng Khu đô thị IJC có số dư tại ngày 31/12/2015 là 2,148.3 tỷ đồng, do công trình đang trong quá trình xây dựng nên phần lớn là phản ảnh chi phí chuyển quyền sử dụng đất (tương đương với số tiền IJC đã bỏ ra 5 năm trước để nhận chuyển nhượng từ Becamex). Ngoài ra, một số chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang với giá trị ghi số 2,322.4 tỷ đồng đã được dùng thế chấp để đảm bảo cho các khoản vay ngân hàng.

Cũng sau 5 năm từ khi tăng vốn, IJC bất ngờ thông báo quyết định giảm vốn điều lệ từ 2,742 tỷ đồng xuống còn 1,350 tỷ đồng. Quyết định này sau đó đã được ĐHĐCĐ thường niên năm 2016 thông qua, việc chưa từng có tiền lệ trước đó với một công ty niêm yết vẫn đang hoạt động có lãi.

Theo giải trình từ IJC, mục đích của việc xin giảm vốn điều lệ là do năm 2010, IJC thực hiện tăng vốn điều lệ từ 548 tỷ đồng lên 2,741 tỷ đồng nhằm bổ sung vốn cho các dự án BĐS lớn tại thành phố mới Bình Dương và chuẩn bị kế hoạch vốn đối ứng để đầu tư dự án BOT Quốc lộ 13 trên cao (vốn đầu tư 832 triệu USD). Tuy nhiên, do khủng hoảng kinh tế kéo dài trong các năm qua, UBND tỉnh Bình Dương đã thông qua chủ trương không thực hiện dự án Quốc lộ 13 trên cao mà chỉ mở rộng thêm 2 làn xe và cải tạo. Do vậy, IJC lên kế hoạch giảm vốn nhằm đảm bảo hiệu quả sử dụng vốn.

Theo phương án mới được công bố, IJC dự kiến sẽ bán một số tài sản và mua lại cổ phần theo tỷ lệ tương ứng từ các cổ đông với giá 10,000 đồng/cp. Đáng chú ý là quyết định bán một phần tài sản của IJC sẽ là chuyển nhượng quyền sử dụng đất đối với các lô đất J5, J6, J11, J8, J4 thuộc Khu đô thị IJC, có tổng diện tích 7.8ha, người mua không ai xa lạ chính là đơn vị đã chuyển nhượng quyền sử dụng đất cách đây 5 năm cho IJC – Công ty mẹ Becamex. Số tiền chuyển nhượng gần 1,392 tỷ đồng, bằng đúng số tiền IJC cần theo phương án giảm vốn điều lệ.

Diễn biến giá cổ phiếu IJC 6 tháng gần đây

Nguồn: VietstockFinance

Và cũng theo phương án này, tương tự như các cổ đông khác, Becamex - cổ đông lớn sở hữu gần 79% vốn sẽ được quyền bán lại 50.7% tổng số cổ phần đang sở hữu cho IJC để Công ty thực hiện giảm vốn điều lệ, tương đương số tiền nhận về với giá mua 10,000 đồng/cp là gần 1,100 tỷ đồng.

Tính ra, Becamex chỉ “hụt” gần 200 tỷ đồng nhưng nhận về 5 lô đất với tổng diện tích gần 7.8ha từ chính dự án đã sang tay cho IJC, ước tính giá mua chỉ hơn 2.5 triệu đồng/m2.

Trong khi đó, mặc dù giảm vốn điều lệ hơn 50% nhưng kế hoạch dự tính cho năm 2016 của IJC không những không giảm mà còn tăng so với trước. Doanh thu hợp nhất năm 2016 sau điều chỉnh vốn điều lệ là 1,043 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế là 193 tỷ đồng, tăng hơn 26% so với trước khi giảm vốn điều lệ.

Cũng do số lượng cổ phiếu đang lưu hành giảm, mức cổ tức chi trả năm 2016 cũng được đề xuất tăng gấp 3 lần so với trước, từ 10 - 12%. Với kế hoạch này, Becamex hẳn có thể “kê cao gối” bởi phần kết quả kinh doanh hợp nhất từ công ty con IJC không những không giảm mà còn tăng mạnh, trong khi cổ tức cũng có khả năng nhận cao hơn (số lượng cổ phiếu sở hữu giảm 1 nửa nhưng cổ tức tăng gấp 3).

Kết quả kinh doanh những năm gần đây của IJC (Đvt: Triệu đồng)

Nguồn: VietstockFinance

5 năm trước, Becamex vừa chuyển nhượng được dự án, vừa giúp công ty con tăng vốn lại có một khoản lãi từ việc chuyển nhượng, để rồi nay Becamex nhận về một phần dự án với khoản tiền bỏ ra thấp hơn rất nhiều trước đó. Nhận khá nhiều lợi ích nhưng liệu “vòng tròn” tăng vốn – giảm vốn, mua dự án – bán dự án giữa IJC và Becamex trong 5 năm qua đã kết thúc sau quyết định chưa có tiền lệ của IJC?

Theo Vietstock

 

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến