Dòng sự kiện:
Vụ 15 lô đất cấp cho nhiều cán bộ ở Huế: Người dân mong công an vào cuộc
13/12/2018 12:54:27
Người dân mong muốn cơ quan công an vào cuộc để làm rõ có hay không chuyện 'giả mạo giấy tờ' nhằm hợp thức hóa hồ sơ cấp đất rừng cho nhiều cán bộ ở Thừa Thiên - Huế.

Liên quan đến những thông tin về sự bất thường trong việc giao, cấp 15 lô đất rừng cho nhiều cán bộ ở xã Lộc Vĩnh, huyện Phú Lộc (Thừa Thiên - Huế), ông Huỳnh Đăng Truyền (SN 1957), trú ở thôn Cảnh Dương, xã Lộc Vĩnh, người dân phản ánh sự việc đã có những chia sẻ mới nhất với PV.

Theo đó, với những bất thường trong việc giao, cấp đất như: Nhiều cá nhân không thuộc đối tượng giao đất theo thông tư 06 hay sự "siêu tốc" trong ban hành các Quyết định và sự không đồng nhất về thể thức văn bản…, ông Truyền có nguyện vọng Cơ quan cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế vào cuộc giám định hồ sơ gốc để làm rõ có hay không việc "giả mạo giấy tờ", nhằm hợp thức hóa hồ sơ liên quan.

Một số cơ quan chức năng tỉnh Thừa Thiên - Huế đã vào cuộc làm rõ việc cấp giao, đất rừng cho nhiều cán bộ ở xã Lộc Vĩnh.

Như ANTT đã đưa trước đó, diện tích đất mà ông Truyền từng "khai hoang", gắn bó và mong mỏi được cấp GCNQSD đất hiện đang đứng tên 2 người nguyên là cán bộ huyện Phú Lộc, trong đó có ông Phạm Viết Phong, nguyên là Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Phú Lộc; ông Nguyễn Kim Trường, nguyên là Phó Chủ tịch HĐND huyện Phú Lộc.

Sổ đỏ của thửa đất này cùng nằm trên bản đồ giải thửa và được cấp cùng với diện tích của 13 lô đất khác nằm dọc bãi biển Cảnh Dương, một điểm đến đầy những hứa hẹn với tương lai rộng mở.

Danh sách chủ 13 lô đất liền kề còn lại gồm các cá nhân sau: Nguyễn Mãi, Phạm Xuân Thư, Hồ Trọng Cầu, Lê Thị Kim, Nguyễn Kha, Lê Thị Xuân Mai, Nguyễn Văn Tiến, Trần Trai, Nguyễn Thị Xô, Trần Tuyết Lan, Dương Quang Kháng, Nguyễn Thị Nghị, Nguyễn Xê. Được biết, đây đều là những cán bộ, cựu cán bộ và người nhà cán bộ huyện này.

Thông tin với PV, phòng TN&MT huyện Phú Lộc cho biết, 15 lô đất này, UBND huyện đã có quyết định giao đất cho 15 cá nhân kể trên quản lý, bảo vệ sử dụng vào mục đích lâm nghiệp với diện tích đất 24.000m2 từ năm 1995 theo Nghị định 02-CP ngày 15/01/1994. Đến năm 2010, những chủ đất này được cấp GCNQSD đất.

Tuy nhiên, nếu rà soát theo Khoản 4 Thông tư số 06 – LN/KL Ngày 18/6/1994 của Bộ Lâm nghiệp hướng dẫn thi hành Nghị định số 02 – CP ngày 15/01/1994 của Chính phủ thì đối tượng được giao đất lâm nghiệp trong đó hộ gia đình và cá nhân phải thường trú hoặc tạm trú hợp pháp tại địa phương được UBND xã, phường thị trấn xác nhận. Thế nhưng, nhiều cá nhân đứng tên 15 lô đất kể trên, trong đó đơn cử trường hợp vợ chồng ông Hồ Trọng Cầu có hộ khẩu thường trú không ở xã Lộc Vĩnh…

Không chỉ vậy, theo điều tra của PV, vào ngày 31/12/1995, UBND huyện Phú Lộc đã ban hành Quyết định số 1030/QĐ-UBND về việc thu hồi diện tích đất lâm nghiệp này từ HTX Bình Dương với 24.000m2 và giao cho Hạt Kiểm lâm Phú Lộc tổ chức quản lý. Đồng thời, yêu cầu Hạt Kiểm lâm Phú Lộc có kế hoạch tham mưu UBND huyện quyết định giao lại đất cho các cá nhân hoặc tổ chức sử dụng theo đúng quy định hiện hành của nhà nước.

Điều lạ là, từ hồ sơ tiếp cận được, cũng trong ngày 31/12/1995, UBND huyện Phú Lộc nhanh chóng ban hành Quyết định số 1044/QĐ-UB về việc giao đất cho ông Hồ Trọng Cầu với diện tích 1.600m2 để sản xuất sử dụng vào mục đích lâm nghiệp trong thời hạn 50 năm.

Nghĩa là, quy trình các bước từ thu hồi đất lâm nghiệp do HTX Bình Dương phụ trách, rồi giao cho Hạt Kiểm lâm Phú Lộc trách nhiệm quản lý, đồng thời yêu cầu đơn vị này tiến hành lên kế hoạch tham mưu huyện giao đất cho ai, tổ chức nào xứng đáng sử dụng đúng mục đích và cuối cùng là giao cho trực tiếp cho từng cá nhân, UBND huyện Phú Lộc chỉ thực hiện nhanh gọn trong vòng… 1 ngày(!?).

2 văn bản cùng một đơn vị (1), ban hành cùng một ngày (2) và cùng một chữ ký (3) nhưng thể thức văn bản lại không đồng nhất.

Cũng cần nói thêm rằng, một cán bộ hưu trí ở huyện Phú Lộc sau khi nhìn thấy thể thức 2 văn bản là Quyết định thu hồi đất số 1030 và Biên bản giao đất số 1044 đã tỏ ra hoài nghi và chia sẻ với PV, giai đoạn năm 1995, các văn bản ở UBND huyện Phú Lộc đều được gõ bằng máy đánh chữ giống thể thức phong chữ như trong Quyết định số 1030.

"Giai đoạn ấy mà thể thức phong chữ được đánh bằng máy tính hiện đại như Biên bản giao đất số 1044 là rất kỳ lạ. Việc 2 văn bản trong cùng 1 ngày, của cùng 1 đơn vị, cùng 1 người ký mà hình thức văn bản không đồng nhất thì cũng đặt ra rất nhiều nghi vấn", cán bộ này nói.

Ở một diễn biến khác, theo nguồn tin của PV, trong chiều 13/12, Thanh tra tỉnh Thừa Thiên - Huế và Sở TN&MT tỉnh sẽ có cuộc họp với UBND huyện Phú Lộc để làm rõ những bất thường nêu trên.

Lê Kông

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến