Dòng sự kiện:
Vụ kiện tướng Ước - LS Triển: Gia Lộc Phát chi trăm tỷ mua cổ phần Rạng Đông
19/05/2016 11:15:18
ANTT.VN - Dự án đáng chú ý nhất với Gia Lộc Phát - từng là đối tác đang dính lùm xùm trong việc tranh cãi giữa tướng Hữu Ước và luật sư Trần Đình Triển - là khu đô thị Ngòi- Cầu Trại có diện tích 13ha tại phường Trung Văn (Nam Từ Liêm) và Mỗ Lao (Hà Đông) Hà Nội. Tuy vậy, dự án này gần như “án binh bất động” kể từ khi được phê duyệt năm 2006 tới nay.

Tin liên quan

Ngày 18/5, trao đổi với PV ANTT.VN, Trung tướng Hữu Ước, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Chính trị CAND, nguyên Tổng biên tập báo CAND cho biết, ông đã có đơn gửi Bộ Công an, Công an Hà Nội đề nghị điều tra việc LS Trần Đình Triển vu khống, bôi nhọ ông trên Facebook.

Trung tướng Hữu Ước khẳng định Báo CAND không phối hợp với Gia Lộc Phát thực hiện dự án xây nhà cho cán bộ

Trước đó, trên trang facebook cá nhân của LS Trần Đình Triển -  Trưởng Văn phòng luật sư Vì Dân đã có bài viết: “Ông Hữu Ước phù phép biến hơn 28 nghìn mét đất của cán bộ chiến sỹ báo Công an Nhân dân đi đâu?”.

Trong bài viết của mình, ông Triển đề cập trách nhiệm của Trung tướng Hữu Ước liên quan đến 2 dự án xin đất làm trụ sở và làm nhà ở cho cán bộ, chiến sỹ Báo Công an Nhân dân. Dự án thứ nhất có diện tích hơn 5.000m2, tại Khu chợ tạm Tân Xuân, xã Xuân Đỉnh, huyện Từ Liêm (nay là Bắc Từ Liêm).

Dự án thứ hai có liên quan đến khu đất khác tại Xuân Đỉnh hơn 23 nghìn mét đất để xây nhà ở cho cán bộ chiến sỹ của Báo; Báo CAND chấp thuận về nguyên tắc với Công ty CP Gia Lộc Phát để đầu tư xây dựng. “Công ty này mang khu đất đó bán cho Công ty khác, và cứ thế bán nơi này sang nơi khác với tổng giao dịch hơn 200 tỷ đồng. Vụ việc người khóc kẻ cười, anh em cán bộ chiến sỹ ao ước chờ mong để có nhà ở bị vụt tắt, người được giao bỏ toàn bộ chi phí giao dịch xin đất bị mất trắng và đang bị đe dọa khởi tố…”.

Từ tháng 4 năm 2011, thông tin "Bán chung cư cao cấp cán bộ, chiến sĩ Báo Công an nhân dân - South Thang Long Dominium" do Báo Công an nhân dân và Công ty Gia Lộc Phát cùng với Công ty Megastar làm chủ đầu tư tại các lô G8 - CT3 và G5 - CT2 thuộc Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 Khu vực Bắc Cổ Nhuế - Chèm, xã Xuân Đỉnh, huyện Từ Liêm, TP Hà Nội được nhiều người quan tâm. Nhưng Báo Công an nhân dân khi đó đã khẳng định: “Báo Công an nhân dân không phối hợp với Công ty cổ phần Gia Lộc Phát thực hiện dự án trên. Mọi việc mua, bán lợi dụng danh nghĩa Báo CAND là vi phạm pháp luật”.

“Tuy nhiên khi dự án chưa được triển khai thì phía Gia Lộc Phát đã đăng tin rao bán tràn lan. Thấy tình hình phức tạp nên ban biên tập quyết định trả lại dự án cho thành phố và đăng tin trên báo Công An khẳng định không phối hợp với Gia Lộc Phát thực hiện dự án này” – Trung tướng Hữu Ước chia sẻ.

Gia Lộc Phát là một công ty có vốn điều lệ 500 tỉ đồng, hoạt động trong lĩnh vực tư vấn quản lý dự án, đầu tư xây dựng công trình dân dụng, hạ tầng kỹ thuật khu đô thị...

Hoạt động của Gia Lộc Phát khá kín kẽ và không có quá nhiều thông tin. Dự án đáng chú ý nhất với Gia Lộc Phát là khu đô thị Ngòi - Cầu Trại có diện tích 13ha tại phường Trung Văn (Nam Từ Liêm) và Mỗ Lao (Hà Đông) Hà Nội. Tuy vậy, dự án này gần như “án binh bất động” kể từ khi được phê duyệt năm 2006 tới nay.

Hồi tháng 9/2015, thị trường cũng được một phen bất ngờ đối với cái tên Gia Lộc Phát này nhờ thương vụ âm thầm gom cổ phiếu CTCP Bóng đèn phích nước Rạng đông (mã RAL) sau khi SCIC thoái vốn tại đây, trở thành cổ đông lớn thứ hai sau Công đoàn Rạng đông.

Hai chị em Chủ tịch CTCP Gia Lộc Phát chi 114 tỷ mua cổ phần của CTCP Bóng đèn phích nước Rạng Đông

Khi SCIC thông báo bán 2,36 triệu cổ phiếu RAL - tương đương 20,56% vốn của RAL, Công đoàn Rạng Đông đã bày tỏ quan điểm sẵn sàng mua lại toàn bộ lô cổ phần này để nâng tỷ lệ sở hữu lên 60%, nắm quyền chi phối công ty.

Tuy nhiên, sự kiện bất ngờ đã xảy ra khi hai chị em ruột bà Lê Thị Kim Yến và ông Lê Đình Hưng – chủ tịch HĐQT Gia Lộc Phát (khi đó mới sở hữu chưa đầy 1% vốn của RAL) đã nhận chuyển nhượng toàn bộ cổ phần RAL từ SCIC với tỷ lệ lần lượt là 15,15% và 9,26% vốn của Rạng Đông.

Giao dịch giữa SCIC và nhóm cổ đông này được diễn ra vào ngày 7/9/2015 qua phương thức thỏa thuận với tổng giá trị hơn 114 tỷ đồng - một con số không hề nhỏ với nhà đầu tư cá nhân. Giá mỗi cổ phiếu giao dịch khi đó là 48.300 đồng/cổ phiếu, cao hơn 5,6% so với thị giá của RAL thời điểm chuyển giao.

Tổng số cổ phần 2 cổ đông này nắm giữ tại Rạng Đông hiện tại đã lên tới 24,41% và chỉ kém so với mức 40% của Công đoàn Rạng Đông.

Chỉ một tuần sau khi âm thầm gom hàng triệu cổ phiếu RAL, bà Lê Thị Kim Yến đã chính thức trở thành thành viên HĐQT của Rạng Đông thay thế vị trí của ông Phạm Văn Chung – người của SCIC với tham vọng tham gia sâu hơn vào hoạt động của Rạng Đông từ ngày 15/09/2015.

Hoa Liên

 
 

 

 

 
Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến