Dòng sự kiện:
Vụ truy thu thuế Sabeco, Unilever: Cục Thuế TP HCM 'cầu cứu' chỉ đạo
13/01/2019 06:00:00
Với lý do 'ngoài tầm của cục', Cục Thuế TP HCM phải kiến nghị Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế chỉ đạo vụ truy thu thuế đối với hai 'ông lớn' là Sabeco và Unilever.

Tại Hội nghị Tổng kết nhiệm vụ triển khai công tác thuế năm 2019 ngày 10/1, ông Trần Ngọc Tâm, Cục trưởng Cục Thuế TP HCM, cho biết năm 2018, cơ quan thuế thành phố đã ban hành 45.986 quyết định cưỡng chế thuế. Tuy nhiên, số nợ thuế đến cuối năm là 8.486 tỷ đồng.

Năm 2018, cơ quan này cũng đã truy thu được 4.915 tỷ đồng tiền thuế. Tính đến 31/12/2018, số nợ đã thu chiếm 3,33% dự toán ngân sách giao.

Cũng tại hội nghị, vị lãnh đạo Cục Thuế TP HCM đã phải “cầu cứu” lãnh đạo Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế về vụ xử lý truy thu thuế đối với Tổng công ty cổ phần Bia rượu nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) và Unilever Việt Nam.

Theo ông Tâm, hiện Cục Thuế TP HCM đang khá lúng túng với nợ thuế và công tác truy thu thuế tại Sabeco và Unilever và cho rằng việc này đã “ngoài tầm của cơ quan Thuế”. 

Cục Thuế TP HCM xin chỉ đạo vụ truy thu thuế với Sabeco

Trước đó, Cục Thuế TP HCM đã thông báo về số tiền chậm nộp thuế và tiền nộp vi phạm hành chính của Sabeco là hơn 3.140 tỷ đồng, bao gồm tiền chậm nộp thuế tiêu thụ đặc biệt từ năm 2007 đến 2015 hơn 2.645 tỷ đồng, tiền phạt vi phạm hành chính hơn 494 tỷ đồng.

Do Sabeco không nộp thuế theo thông báo nên Cục Thuế TP HCM đã ra quyết định cưỡng chế nộp phạt những ngày cuối tháng 12/2018. Tuy vậy sau đó, Thủ tướng giao Bộ Tài chính và UBND TP HCM chỉ đạo Cục Thuế chưa thực hiện cưỡng chế. Trên cơ sở này, Cục Thuế TP HCM đã ra quyết định dừng thực hiện cưỡng chế thuế đối với Sabeco.

Unilever Việt Nam bị truy thu lên đến hơn 575 tỷ đồng

Còn trường hợp của Unilever Việt Nam, trước đó, ngày 7/12, Cục Thuế TPHCM đã có công văn gửi Unilever thông báo kết luận của Kiểm toán Nhà nước kiến nghị truy thu thuế của doanh nghiệp này do đầu tư mở rộng giai đoạn 2009 - 2013. Số tiền truy thu lên đến hơn 575 tỷ đồng.

Cơ quan thuế yêu cầu Unilever nộp ngay số tiền trên vào tài khoản của Cục mở tại Kho bạc Nhà nước. Nếu doanh nghiệp không chấp hành thì sẽ có những biện pháp cưỡng chế về thuế theo quy định của pháp luật.

Đến 12/12, cơ quan thuế tiếp tục gửi văn bản yêu cầu Unilever cung cấp thông tin về toàn khoản để thực hiện cưỡng chế bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản và phong toả tài khoản theo quy định.

Sau đó, phía Unilever đã có văn bản kiến nghị gửi lên Thủ tướng xin không thực hiện cưỡng chế doanh nghiệp để chờ kết luận của Chính phủ.

Doanh nghiệp này cho rằng vấn đề thuế thu nhập doanh nghiệp mà Unilever đang gặp phải là do có sự khác nhau giữa Luật Đầu tư và Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp giai đoạn trước năm 2014 là vấn đề chung nhiều công ty đang kiến nghị Thủ tướng giải quyết, nhận được sự quan tâm của cộng đồng doanh nghiệp đầu tư nước ngoài và giới ngoại giao.

Khánh Linh (T/h)

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến