Ảnh minh họa. (Nguồn: Vietnam+)
Sáng 18/5, tại Hà Nội, Ngân hàng Thế giới (WB) công bố Báo cáo cập nhật đánh giá quốc gia năm 2021 với chủ đề "Để Việt Nam tươi sắc đào xuân: Cải cách thể chế hướng tới thực thi hiệu quả."
Bà Carolyn Turk, Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam cho biết với thông điệp "Hiện đại hóa thể chế là chìa khóa để Việt Nam phát triển thành công trong tương lai," WB khuyến nghị Việt Nam tiếp tục cải cách với quy mô và tốc độ như từng được triển khai trong thời kỳ đổi mới của thập kỷ 1980 và như triển khai mở cửa thương mại trong 2 thập kỷ qua.
Bà Carolyn Turk mong rằng, mô hình cải cách mà WB khuyến nghị có thể sẽ giúp Việt Nam tiến nhanh hơn trên con đường gập ghềnh để trở thành quốc gia thu nhập cao vào năm 2045 như kỳ vọng của cộng đồng quốc tế cũng như Chính phủ và người dân.
Từ góc độ nghiên cứu, đại diện nhóm chuyên gia thực hiện báo cáo, ông Jacques Morisset, Chuyên gia Kinh tế trưởng của WB nhận định thể chế hiện đại là điều kiện cần để Việt Nam đạt được các mục tiêu phát triển.
Sau khi đạt được thành tựu là trở thành một trong những quốc gia chuyển đổi kinh tế thành công nhất trên thế giới trong suốt 25 năm qua, tới nay, thể chế của Việt Nam cần được hiện đại hóa theo Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội mới được thông qua tại Đại hội Đảng tháng 2/2021.
Ông Morisset nêu ví dụ, tại một hội nghị được tổ chức hồi tháng 4/2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chỉ ra rằng trong số 111 quy hoạch quốc gia, quy hoạch ngành, vùng và tỉnh được luật hóa từ khi ban hành Luật Quy hoạch hồi cuối năm 2017 thì tới nay mới chỉ có 7 quy hoạch được chính thức phê duyệt.
Điều đó cho thấy, kết quả thực thi cải cách của Việt Nam còn chưa đồng đều trên nhiều lĩnh vực và Việt Nam còn nhiều việc phải làm để tiến những bước xa hơn trên hành trình phát triển kinh tế tương xứng với các nước trong khu vực và trên thế giới.
Bà Carolyn Turk, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)
Theo đại diện của WB, hệ thống thể chế có tính thích ứng trong quá trình phát triển, dù có sự thống nhất về quan điểm trong lý thuyết kinh tế thế giới và Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội nhưng phạm vi và quy mô những cải cách thể chế cụ thể cần thực hiện. Do đó, cách tiếp cận cụ thể về cải cách thể chế cần phải dựa vào phương pháp luận 3 bước cơ bản nhưng trực quan. Đó là kết quả thực thi, các yếu tố mang tính quyết định đến thực thi và cải cách thể chế.
Bà Trần Thị Lan Hương, Chuyên gia quản trị cao cấp WB cho hay có 5 nhóm cải cách thể chế cần ưu tiên. Đó là, hình thành nền tảng thể chế vững chắc để biến ưu tiên phát triển thành hành động cụ thể; hài hòa quy trình thủ tục hành chính để nâng cao hiệu quả thực thi của chính quyền các cấp, các ngành; sử dụng các công cụ thị trường để tạo động lực trong khu vực Nhà nước và khu vực tư nhân; thực thi hiệu quả quy định và quy tắc nhằm nâng cao động lực, lòng tin và sự công bằng; áp dụng các quy trình có sự tham gia nhằm nâng cao sự minh bạch và trách nhiệm giải trình.
Theo bà Hương, để tiến tới trở thành một trong những quốc gia xuất khẩu thành công nhất trên thế giới, trước mắt cần hình thành Ban chỉ đạo quốc gia về Hội nhập Kinh tế Quốc tế, tăng cương vai trò là cơ quan chủ trì triển khai của Bộ Công Thương.
Song song đó, tạo cơ chế đặc thù cho các nhà đầu tư chiến lược, bao gồm về xuất khẩu và các khu công nghiệp; phân cấp các quy trình phê duyệt cho địa phương, hoàn thiện hệ thống thủ tục hải quan một cửa.
Ngoài ra, đẩy mạnh cạnh tranh bằng cách hạ thấp rào cản gia nhập, giảm thuế quan để thay đổi giá cả tương quan giữa hàng hóa giao dịch thương mại và không giao dịch thương mại, tham gia các hiệp định quan hệ đối tác thương mại đa phương, khu vực.
Cùng với đó, theo dõi chặt chẽ việc các doanh nghiệp xuất khẩu và đầu tư trực tiếp nước ngoài tuân thủ các quy định về môi trường, lao động và xã hội. Cuối cùng là công khai dữ liệu và tham vấn định kỳ với các bên liên quan chính, như các hiệp hội doanh nghiệp và người dân. Đồng thời, chia sẻ thông tin qua Cổng thông tin Thương mại và Cổng thông tin Hiệp định thương mại tự do Việt Nam.
Cũng tại sự kiện, các chuyên gia kinh tế cho rằng, việc cần làm lúc này là phải xây dựng mô hình thể chế cho mọi ưu tiên phát triển. Cụ thể có khung định chế vững chắc, thủ tục hành chính tinh giản, công cụ thị trường thông minh, tăng cường hiệu lực thực thi và quy trình có sự tham gia của đầy đủ các bên. Có như vậy cải cách thể chế mới thực sự có chất lượng và quyết định kết quả, hiệu quả thực thi trong thực tiễn./.
Tác giả: Ngọc Quỳnh
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy