Dòng sự kiện:
Xét xử phúc thẩm dàn cựu lãnh đạo UBND thị trấn Lim
02/08/2023 08:48:54
Tại phiên tòa phúc thẩm, các bị cáo vẫn khẳng định mọi việc đã thực hiện đều nhằm mục đích đẩy nhanh tiến độ dự án, không có ý đồ tư lợi cá nhân.

Ngày 1/8, TAND tỉnh Bắc Ninh mở phiên tòa phúc thẩm vụ án Lợi dụng chức vụ khi thi hành công vụ xảy ra tại UBND thị trấn Lim (huyện Tiên Du), xem xét đơn kháng cáo của 4 bị cáo.

Trong đó, bị cáo Nguyễn Trọng Hoàng (cựu Chủ tịch UBND thị trấn Lim) và Nguyễn Trung Tín (cựu cán bộ địa chính UBND thị trấn Lim) kêu oan, kháng toàn bộ bản án sơ thẩm, còn bị cáo Nguyễn Hữu Nhuệ (cựu Chủ tịch UBND thị trấn Lim) và bị cáo Bạch Công Thưởng (cựu Phó Chủ tịch UBND thị trấn Lim) kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.

Tại phiên tòa, trước đề nghị được tác nghiệp của một số cơ quan báo chí, chủ tọa phiên tòa chỉ cho phép các nhà báo, phóng viên được đưa tin, chụp ảnh toàn cảnh và không cho phép ghi âm, ghi hình.

Theo cáo buộc của VKS, năm 2005, UBND thị trấn Lim lập tờ trình xin UBND huyện Tiên Du về chủ trương đề nghị UBND tỉnh Bắc Ninh cho phép thực hiện dự án cấp đất cho người dân tại thôn Lũng Giang và thôn Lũng Sơn.

Cuối năm 2005, Sở Xây dựng Bắc Ninh phê duyệt quy hoạch chi tiết khu nhà ở dân cư dịch vụ thôn Lũng Giang và Lũng Sơn (gọi tắt là dự án 5,2ha). Hai năm sau, do có sự thay đổi quy định về đất đai, UBND thị trấn Lim chỉnh sửa, điều chỉnh hồ sơ dự án thành đấu giá quyền sử dụng đất.

Cơ quan công tố cáo buộc, quá trình triển khai thực hiện dự án, 4 bị cáo trên đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn để thỏa thuận hoán đổi đất nông nghiệp thành đất ở đối với 2 hộ ông Nguyễn Thế Pha và ông Nguyễn Hữu Dụng trái với phương án đã được phê duyệt.

Theo cáo trạng, hành vi của các bị cáo đã gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 11 tỷ đồng, cho 2 bị hại là ông Pha, ông Dụng hơn 1,1 tỷ đồng.

Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Ninh (Ảnh: Ngày mới Online).

Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo Hoàng giữ nguyên quan điểm bị oan. Cựu Chủ tịch UBND thị trấn Lim trình bày, quyết định hoán đổi đất nông nghiệp thành đất ở đối với 2 hộ dân bắt nguồn từ áp lực của UBND huyện. Khi đó, huyện Tiên Du chỉ đạo cần phải đẩy nhanh việc thực hiện dự án và bản thân bị cáo cũng cảm thấy dự án bị đình trệ quá lâu.

Sau nhiều cuộc họp dân, phương án thỏa thuận hoán đổi đất do bị cáo Tín đề xuất được bị cáo Hoàng nhận định là biện pháp duy nhất để dự án có thể triển khai.

Tại bục khai báo, bị cáo Hoàng cũng đề cập tới một dự án khác được thực hiện cùng thời điểm dự án 5,2 ha. Theo bị cáo, khi đó, người dân và các bị cáo so sánh 2 dự án, thấy thực tế giá bồi thường chênh lệch quá nhiều. Dự án 5,2 ha bồi thường 69 triệu đồng/sào, còn dự án kia bồi thường 158 triệu đồng/sào. Vì vậy, bị cáo đã đưa ra giải pháp là trích lại 10% đất sạch cho người dân.

Nội dung này được bị cáo Hoàng nhắc lại nhiều lần tại phiên tòa và bị HĐXX yêu cầu ngừng so sánh.

Trước câu hỏi của HĐXX về việc có hay không văn bản, quyết định nào của UBND huyện Tiên Du đồng ý trích lại 10% đất sạch cho người dân?, bị cáo Hoàng trả lời không có văn bản nào nhưng tại một cuộc họp đã có "chỉ đạo miệng" của lãnh đạo huyện.

Để chứng minh về "chỉ đạo miệng" này, bị cáo Hoàng nói về 2 quyển sổ tay của bị cáo và của bị cáo Tín. Theo Hoàng, trong sổ ghi chép các cuộc họp có sự tham gia của lãnh đạo UBND huyện.

Những ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo huyện đối với UBND thị trấn về việc thực hiện dự án đều được bị cáo Hoàng và Tín ghi chép lại trong sổ. Trong đó có chỉ đạo về việc đồng ý trích trả 10% đất sạch và cho đấu giá nội bộ trong các cuộc họp dân.

Trong khi đó, bị cáo Tín cho rằng mọi ý kiến tư vấn, tham mưu của bị cáo với lãnh đạo UBND thị trấn thời điểm thực hiện dự án là hoàn toàn đúng với quy định của pháp luật, làm lợi cho người dân có đất bị thu hồi.

Tại phiên tòa phúc thẩm, các bị cáo khai nhận việc thực hiện dự án dựa theo Quyết định 637/2008 của UBND tỉnh Bắc Ninh. Bản thân các bị cáo không biết có Quyết định thành lập Hội đồng bồi thường, hỗ trợ... cho việc thực hiện dự án hay không.

Trước tòa, các bị cáo khẳng định mọi việc đã thực hiện đều nhằm mục đích đẩy nhanh tiến độ dự án, không có ý đồ tư lợi cá nhân.

Công bố bản luận tội, đại diện VKSND tỉnh Bắc Ninh đề nghị HĐXX bác kháng cáo của bị cáo Hoàng và bị cáo Tín, giữ nguyên quan điểm truy tố. Đối với 2 bị cáo còn lại, VKS đề nghị tòa phúc thẩm chấp nhận kháng cáo giảm nhẹ hình phạt, tuyên các bị cáo 5-6 năm tù về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn khi thi hành công vụ.

Tại bản án sơ thẩm, TAND huyện Tiên Du nhận định bị cáo Bạch Trung Tín vì muốn dự án được thực hiện để chứng tỏ năng lực, hiệu quả trong công tác, cũng như muốn có được uy tín với cấp trên và người dân, nên bị cáo biết sai mà vẫn cố tình thực hiện.

Đối với bị cáo Hoàng, tòa sơ thẩm cho rằng bị cáo biết phương án đổi đất nông nghiệp lấy đất ở và không chi trả tiền bồi thường cho các hộ dân là không đúng pháp luật. Tuy nhiên, để đạt được mục đích phải thực hiện bằng được dự án mà bị cáo đã nhất trí chỉ đạo thực hiện.

"Các bị cáo tự ngụy biện cho rằng "đó là cách duy nhất để thực hiện dự án", đây chính là động cơ cá nhân khác của các bị cáo", bản án sơ thẩm nêu.

Vì vậy, HĐXX TAND huyện Tiên Du tuyên phạt Nguyễn Trọng Hoàng và Bạch Trung cùng 12 năm tù về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn khi thi hành công vụ; Bạch Công Thưởng 10 năm 6 tháng tù cùng về tội danh trên.

Tác giả: Chi An

Theo: Dân Trí
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến