Công trình kè sông Lam đoạn qua xã Lưu Sơn dài 300m với số vốn gần 10 tỷ đang tạm dừng thi công vì thiếu đất đắp
Sắt thép vùi đất, xi măng phơi mưa nắng
9h40 sáng một ngày giữa tháng 6/2020, PV có mặt tại Công trình Kè chống sạt lở bờ sông Lam đoạn qua xóm Lưu Quang, xã Lưu Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An.
Đập vào mắt PV là một công trình xây dựng có quy mô lớn đang thi công dang dở, vật liệu và một vài máy móc nằm ngổn ngang khắp nơi. Mặc dù thời tiết không quá nắng nóng nhưng không một bóng công nhân hay máy móc nào làm việc.
Dọc công trình dài khoảng 300m, sắt thép vứt vương vãi khắp nơi, trong đó có nhiều sắt thép đã được đan thành kết cấu kiện. Do phải nằm lâu ngày ngoài trời không được che đậy khiến cho nhiều sắt thép đã bị gỉ sét, hư hỏng.
Chưa hết, nhiều bao xi măng chưa thi công đến cũng được che đậy qua loa rồi ném ngoài trời, mặc mưa gió không đảm bảo cho thi công sau này.
Ngay ở lối vào công trình, một tấm thép đã được đan thành kết cấu nằm phơi mưa nắng đã gỉ sét
Anh Quân, sống ngay trước mặt công trình cho biết: Công trình đã tạm dừng thi công khoảng hơn 1 tháng nay. Theo các công nhân là do thiếu đất đổ nên công nhân phải tạm dừng thi công.
Theo tìm hiểu của PV, công trình này do UBND huyện Đô Lương làm chủ đầu tư, với số vốn lên đến gần 10 tỷ đồng. Công trình do Công ty TNHH Đầu tư xây dựng Tân An Bình (có trụ sở ở huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An) được thành lập ngày 22/03/2017 thi công với thời gian 2 năm.
Hoạt động duy nhất tại đây là sự ăn mòn của sắt thép và sự phát triển của cỏ dại
“Non” kinh nghiệm nên dựa vào nhà thầu chính
Trao đổi với PV, một cán bộ Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Đô Lương cho biết: Công trình kè này và công trình đường dọc sông Lam đoạn qua huyện Đô Lương dài 2km thuộc một gói thầu. Gói thầu này do UBND huyện làm chủ đầu tư với tổng số vốn lên đến 20 tỷ đồng vốn ngân sách do liên doanh 2 nhà thầu thi công. Trong đó, Công ty Bảo Duy thi công phần đường, còn Công ty Tân An Bình thi công phần kè.
Riêng công trình kè có tiến độ thi công là 2 năm nhưng sau 6 tháng triển khai, đến nay công trình đã hoàn thành được khoảng 50% khối lượng, đặc biệt là phần kè dưới mép nước sông đã cơ bản xong.
Nhìn sắt thép vùi đất, PV không khỏi xót xa trước số phận của một công trình kè sông Lam có số vốn lên đến 10 tỷ đồng
Nói về nguyên nhân công trình kè tạm dừng thi công, vị cán bộ này cho biết là chưa có đất đắp. “Vừa rồi huyện có xin lấy đất ở xã Nam Sơn để đắp cho công trình, hiện các thủ tục đã hoàn thành tuy nhiên phải mở rộng đường vào khu lấy đất, chắc chỉ một thời gian ngắn nữa sẽ thi công trở lại”, vị cán bộ này cho biết.
Về việc sắt thép và xi măng bỏ ngoài trời mặc mưa nắng, vị cán bộ này cho biết, Ban sẽ kiểm tra và chỉ đạo đơn vị thi công thu gom và bảo quản đúng quy định ngay.
Liệu khi thi công trở lại, những tấm sắt thép này có đảm bảo chất lượng cho công trình
Có cùng quan điểm, một lãnh đạo Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Đô Lương cho biết thêm: Giám đốc đơn vị thi công vốn là cán bộ của Ban trước đây, sau này ra ngoài lập công ty riêng.
Khi PV thắc mắc sao công ty này mới thành lập được hơn 2 năm mà đã trúng gói thầu trị giá hơn 10 tỷ, vị lãnh đạo này nói: Theo quy định dự thầu, đơn vị thi công phải có chứng chỉ hành nghề, báo cáo tài chính có xác nhận của thuế, 3 năm kinh nghiệm trở lên…
“Công ty Tân An Bình tuy mới thành lập nhưng chuyên làm kè đập; trước đó công ty này cũng đã liên doanh thi công một số công trình trên địa bàn huyện và làm tốt”, vị lãnh đạo này nói.
Dư luận đặt câu hỏi tại sao một công ty mới thành lập chưa đầy 3 năm đã được thi công một công trình có số vốn lớn như thế này?
Trao đổi qua điện thoại, ông Nguyễn Tất Danh - Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư xây dựng Tân An cũng cho biết: Công trình đấu thầu từ vào hồi tháng 9/2019 và bắt đầu thi công vào tháng 10/2019. Hiện công nhân đã tạm nghỉ thi công khoảng 1 tháng nay nhưng do quên lên kiểm tra nên xảy ra tình trạng sắt thép để vương vãi khắp nơi. Ban quản lý dự án cũng vừa điện thoại nhắc nhở nhà thầu, tôi đã giao anh em lên kiểm tra và thu gom và đưa vào trong kho gọn gàng.
Những đoạn thép chờ bắt đầu dỉ sét, hư hỏng
Trả lời câu hỏi tại sao công ty mới thành lập chưa đầy 3 năm đã trúng gói thầu lớn như vậy, ông Danh nói: Đoạn 300m là do công ty làm, tuy nhiên trong gói thầu này còn có một đoạn khác do một công ty Bảo Duy làm nhà thấu chính nữa. Đơn vị có “non” hơn một tý nên cũng phải dựa vào Bảo Duy để làm nhà thầu phụ.
Một số hình ảnh PV ghi lại được tại hiện trường vào một ngày giữa tháng 6:
Xi măng chưa thi công đến cũng để ngoài trời và che đậy qua loa
Ngay trên mặt kè vừa mới hoàn thành là ngổn ngang sắt thép đã đan thành kết cấu gỉ sét đen sì
Liệu khi thi công trở lại, những thanh thép này có còn đủ tiêu chuẩn để thi công?
Dư luận đặt câu hỏi do sự thờ ơ hay thực chất là thiếu năng lực của đơn vị thi công
Không chỉ bị gỉ sét, nhiều tấm thép đã đan thành kết cấu bị hư hỏng vứt chỏng chơ trên mặt kè
Để xảy ra thực trạng này, ai phải chịu trách nhiệm?
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy