Sáng nay (29/9), bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết, số liệu trên vừa được cập nhật từ hải quan ngày 28/9. Theo đó, xuất siêu 9 tháng gấp đôi cùng kỳ năm 2019 (7,27 tỷ USD).
Trong bối cảnh Covid-19 diễn biến phức tạp trên thế giới làm đứt gãy thương mại quốc tế, hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam, theo cơ quan này, vẫn là điểm sáng, nổi lên vai trò của khu vực kinh tế trong nước.
Trong đó, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu trong tháng 9 ước tính đạt 27,5 tỷ USD, giảm 0,7% so với tháng trước. Hàng hóa nhập khẩu ước tính đạt 24 tỷ USD, tăng 5,6%.
Tính chung 9 tháng, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt 202,86 tỷ USD, tăng 4,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước tiếp tục là động lực tăng trưởng chính khi đạt 71,83 tỷ USD, tăng hơn 20%. Khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 131 tỷ USD, giảm 2,9%.
Ngược lại, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu 9 tháng ước tính đạt 185,87 tỷ USD, giảm 0,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước tăng 4,7%, còn khu vực có vốn đầu tư nước ngoài giảm 4,8%.
Ông Nguyễn Việt Phong, Vụ trưởng Thống kê thương mại và dịch vụ (Tổng cục Thống kê) cho biết, con số thặng dư là điểm sáng, do sự chênh lệch về tăng trưởng giữa xuất khẩu và nhập khẩu. Tuy nhiên, xét trong chu kỳ 9 tháng những năm gần đây, "xuất khẩu nói là tăng khá nhưng vẫn ở mức thấp".
Năm 2019, xuất khẩu 9 tháng tăng 8,4%, năm 2018 là 15,8%, còn năm 2017 là 20,6%. Trong khi đó, nhập khẩu giảm một phần do nhu cầu sử dụng và sản xuất bị ảnh hưởng do Covid-19. Xét theo cơ cấu, nhập khẩu máy móc, thiết bị, dụng cụ chỉ tăng 0,9%, còn nhập khẩu nguyên vật liệu giảm tới 3,1%.
"Chúng tôi đánh giá đây là điều kiện khách quan do Covid-19. Tuy nhiên, trong những tháng cuối năm và năm 2021, dịch bệnh được khống chế hoàn toàn, nhập khẩu có thể phục hồi và tăng trưởng trở lại", ông Phong nói.
Nhiều năm qua, số liệu về xuất nhập khẩu của Tổng cục Thống kê và Tổng cục Hải quan luôn có sự chênh lệch. Về vấn đề này, ông Phong cho biết, khác biệt là do số ước tính và sơ bộ.
Theo quy trình cũ, hải quan sẽ chuyển số liệu 15 ngày đầu tháng cho cơ quan thống kê, số liệu 15 ngày cuối tháng sẽ dùng phương pháp ước tính. Do đó, số này có thể khác so với số sơ bộ được Tổng cục Hải quan công bố ngày 13 của tháng tiếp theo.
Do sự chênh lệch, hai bên đã thay đổi cách trao đổi thông tin. Theo phương thức mới, Tổng cục Hải quan chuyển số liệu vào ngày 25 hàng tháng, sau đó tổ công tác liên bộ sẽ ước số liệu xuất nhập khẩu cho 30 ngày. Sáng ngày 28 hàng tháng, Tổng cục Hải quan tiếp tục chuyển số liệu một lần nữa và đến ngày 1 tháng sau, hai cơ quan cập nhật số liệu sơ bộ và sẽ điều chỉnh lại ước tính trước đó.
"Sự khác biệt chỉ do vấn đề thời điểm chuyển tiếp thông tin", bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Thống kê, cho biết.
Tác giả: Minh Sơn
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy