Quyết tử cho tổ quốc quyết sinh
Hồi tưởng lại ngày đại thắng 30/4/1975, Đại tá Bùi Sáu (SN 1944), ở xã Xuân Trường, huyện Thọ Xuân (Thanh Hóa), người từng thuộc Sư đoàn 3 Sao Vàng không khỏi bồi hồi, xúc động.
“Những ngày này lại nhớ đồng đội vô cùng, nhớ những người đã hy sinh, nhớ cả những người còn sống giờ vẫn mang trong mình vết thương của chiến tranh…”, giọng ông run lên, đôi mắt ngấn lệ.
Đại tá Bùi Sáu có cuộc sống bình yên an hưởng tuổi già bên vợ
Mùa hè năm 1962, chàng trai 18 tuổi Bùi Sáu theo tiếng gọi của Tổ quốc lên đường nhập ngũ. Sau một thời gian đóng quân trong đơn vị pháo ở huyện Tiền Hải (Thái Bình), đến năm 1964, ông được cử đi học sỹ quan pháo binh ở Sơn Tây (Hà Nội).
Tháng 9/1965, ông chính thức lên đường vào chiến trường miền Nam chiến đấu. Giai đoạn 1965-1973, chiến tranh diễn ra ác liệt, ông chiến đấu ở chiến trường B5, Bình Trị Thiên, sư đoàn 325.
Ông không khỏi xúc động khi nhớ về các đồng đội, những người đã hi sinh và bị thương trong cuộc chiên
Trong giai đoạn này, với ông, đáng nhớ nhất có lẽ là chiến dịch Mậu Thân 1968. “Đó là chiến dịch ác liệt nhất, quá nhiều mất mát và hi sinh không thể nào kể hết. Mặc dù ngày Tết, nhưng lính tráng không có gạo ăn, vì hậu phương không kịp tiếp tế. Những người đồng đội mới hôm qua đang còn chia nhau nắm cơm, sẻ nhau hạt muối, mới phút trước đang còn động viên nhau vững tâm chờ đến ngày toàn thắng, thế nhưng giờ đây họ đã lần lượt ngã xuống dưới làn bom đạn của kẻ thù”, ông ngậm ngùi nhớ.
Gác lại nỗi đau mất mát, những người lính can trường biến nỗi đau thành động lực, tiếp tục cầm súng để bước vào trận chiến vì một mục tiêu lớn của cả dân tộc, đó là hòa bình và thống nhất.
Sau Hiệp định Paris 1973, Mỹ rút quân khỏi miền Nam Việt Nam, lúc này, quân ta đánh với quân Ngụy, thế trận ngày càng ác liệt, hi sinh đổ máu rất nhiều.
Sau khi giải phóng Đà Nẵng, ông Sáu tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh, trong đội hình của trung đoàn, tấn công từ cánh Đông Bắc, lấy dinh Độc Lập làm mục tiêu. Sau 48 năm, giờ đây, cái ngày lịch sử 30/4/1975 ấy vẫn còn in đậm trong tâm trí ông. Trong đoàn xe cơ giới tiến về Sài Gòn hôm ấy, đoàn quân vẫn gặp nhiều sự kháng cự của địch. Quân Ngụy dùng xe tăng và pháo chặn đường. Với khẩu hiệu “Thần tốc, táo bạo, quyết thắng”, với khí thế hừng hực của đoàn quân đang trên đà chiến thắng, từng chốt chặn của địch đều bị ta đánh tan tác. Dù vậy, vẫn còn rất nhiều người ngã xuống, máu vẫn nhuộm đỏ dòng chữ “quyết tử cho tổ quốc quyết sinh” trên ngực áo của người lính khi tiến quân vào Sài Gòn.
“Khi chúng tôi vào thành phố, ban đầu, đường phố im ắng vì người dân đóng cửa do lo sợ. Tuy nhiên, khi biết quân Giải phóng, họ ùa ra đường, mang đồ ăn, thức uống, thậm chí cả hoa tung lên các đoàn xe cho bộ đội. Tuy nhiên, vì nguyên tắc của quân đội từ trước đó, chúng tôi ném trả lại chứ không dám nhận”, đó là một kỷ niệm vui khó quên của ông Sáu khi lần đầu tiến vào thành phố.
Cho đến khi xe tăng của ta húc đổ cổng dinh Độc Lập, Tổng thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng vô điều kiện, thì tất cả quân và dân đều vỡ òa trong niềm vui thống nhất.
“Chúng tôi ôm choàng nhau òa khóc, khóc cho chiến thắng, khóc cho cả những người vừa nằm xuống. Tôi may mắn hơn những đồng đội đã hi sinh của mình vì được chứng chiến thời khắc thiêng liêng của lịch sử dân tộc. Lúc đó, tôi chỉ có một suy nghĩ, đó là được ngủ một giấc thật dài, được trở về quê thăm mẹ, thăm vợ con, cùng nhau hưởng trọn niềm vui hòa bình”, ông Sáu nói.
Sau năm 1975, ông Sáu vẫn tiếp tục phục vụ trong quân ngũ. Với những cống hiến của mình trong hơn 10 năm trận mạc, vào sinh ra tử, ông nhiều lần được trao tặng huân chương chiến công: hạng nhất, hạng nhì, hạng ba…cùng nhiều bằng khen, huân, huy chương khác.
Vỡ òa ngày đại thắng
Cũng là chiến sỹ thuộc Sư đoàn 3 Sao Vàng, người lính Nguyễn Xuân Phúc (SN 1954, xã Xuân Giang, huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa) là người trực tiếp cầm súng chiến đấu từ năm 1973. Ông đã cùng đồng đội làm nên những cuộc chiến thắng ở cửa ngõ Sài Gòn, tạo bàn đạp cho các cánh quân tiến vào giải phóng miển Nam thống nhất đất nước.
Người cựu binh Nguyễn Xuân Phúc bồi hồi khi nhớ đến ngày 30/4/1975
Quân giải phóng càng đánh càng hăng, dù ban ngày là của địch nhưng ban đêm lại là của ta. Ban ngày địch cắm cờ, đêm ta lại nhổ cờ địch, cắm cờ giải phóng, giành giật từng chút một. Đặc biệt, vào đầu năm 1975 thì những trận đánh càng quyết liệt hơn.
Ông Phúc cùng đồng đội được lệnh tạo thế bất ngờ, đánh nhanh thắng nhanh khiến địch trở tay không kịp. Cụ thể, tháng 3/1975, ta mở chiến dịch tiến công tổng hợp trên hai hướng trọng điểm: Từ Nam Phù Cát đến Bình Khê, An Nhơn và hướng phối hợp Hoài Nhơn, Phù Mỹ, Vân Canh, nhằm kéo hút Sư đoàn 22 Quân đội Sài Gòn, khống chế Đường 19 (Bình Định lên Pleiku), sân bay Phù Cát... không cho chúng cơ động, ứng cứu Tây Nguyên….
Để chia cắt địch, lúc 5h30 ngày 4/3/1975, bộ đội Tiểu đoàn 19 Công binh đánh sập cầu 12 (Cầu Dài), tạo thế cho Sư đoàn 3 nổ súng đánh chiếm các chốt điểm, chặt đứt Đường 19 (đoạn từ lăng Mai Xuân Thưởng lên đèo Thượng Giang). Ở hướng Phù Cát, Đông An Nhơn, ta giải phóng 5 xã, cắt đứt Đường 1, bẻ gãy các đợt phản kích của địch.
Đến ngày 24/3/1975, Tây Nguyên hoàn toàn giải phóng và toàn bộ cánh quân địch rút chạy trên Đường số 7 bị tiêu diệt. Ngày 31/3/1975, thị xã Quy Nhơn và tỉnh Bình Định hoàn toàn giải phóng. Ngày 16/4/1975 ta đập tan “lá chắn thép” Phan Rang, bắt sống 2 tướng ngụy là Nguyễn Vĩnh Nghi, Phạm Ngọc Sang.
"Sau khi giành chính quyền ở Phan Rang, anh em chúng tôi tiếp tục tiến xuống Bà Rịa – Vũng Tàu làm cuộc tổng tiến công. Đến ngày 28/4 thì giải phóng Vũng Tàu. Tiểu đoàn của tôi chiến đấu đến đây thì được lệnh dừng lại để làm công tác kêu gọi tù binh, ổn định tình hình còn các cánh quân khác làm nhiệm vụ giải phóng Côn Đảo và tiến vào giải phóng Sài Gòn.
Tôi nhớ có một trận đánh ở địa điểm Dông cây xanh, giáp ranh 3 huyện Phù Mỹ, Hoài Ân, Hoài Nhơn. Địch chi viện rất nhiều máy bay hỏa lực, ta dùng hai tiểu đoàn. Trận đánh diễn ra ác liệt, kết thúc chiến thắng về phía ta nhưng thương vong lớn quá. Toàn bộ tiểu đội có 35 tay súng thì bị thương và hy sinh hết.
Anh em chúng tôi khi bước vào cuộc chiến thì xác định không sợ chết, không sợ khổ thế nhưng khi nhìn thấy đồng đội ngã xuống, chúng tôi đau lòng lắm, rồi cũng vẫn phải dặn lòng không được lung lay ý chí. Đến lúc nghe đài thông báo chúng ta giành được chính quyền mà anh em ôm nhau khóc. Chúng tôi đã làm được vậy mà thời khắc giành được chính quyền vẫn thấy bất ngờ…", người lính Nguyễn Xuân Phúc nhớ lại.
Ông Sáu cũng như ông Phúc và rất nhiều người lính năm xưa khi trở về đã mang trong mình vết thương chiến tranh. Người lính Nguyễn Xuân Phúc cũng ngậm ngùi khi nhắc về con số 223 đồng đội trong tổng số hơn 600 người là quê hương Thọ Xuân (Thanh Hóa) của ông hy sinh trong cuộc chiến chống quân Mỹ ngụy, đóng góp công sức, viết nên bản hùng ca trong Đại thắng mùa Xuân năm 1975.
Lương Diễn
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy