15 tháng, bầu Đức rót 2.300 tỷ vào Myanmar
30/10/2014 11:43:28
ANTT.VN -Đến hết 30/9/2014, chi phí đã lên đến 2.274 tỷ đồng, nâng tỷ lệ 18,5% tổng mức đầu tư xây dựng cơ bản dở dang toàn tập đoàn.

Tin liên quan

 
Từ một nhà máy gỗ được thành lập năm 1993, cho đến nay, sau 20 năm phát triển vững mạnh dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Đoàn Nguyên Đức, Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) đã trở thành tập đoàn đa ngành nhề với tổng tài sản đạt 35.000 tỷ đồng, vốn điều lệ 7.181 tỷ đồng, sổ hữu gần 40 công ty con, công ty liên kết hoạt động ở 2 lĩnh vực chính đem lại lợi nhuận cao là bất động sản và nông nghiệp.

Cuộc đổ bộ sang các nước ASEAN

Thời kì đỉnh cao của HAGL là giai đoạn 2003 - 2008, khi mà lợi nhuận từ đầu tư bất động sản tăng đột biến, các dự án Lê Văn Lương, Trần Xuân Soạn, New Sài Gòn đều bán được hết các căn hộ trong vòng vài tháng, kí ngay khi mới xây dựng xong phần móng. Nhưng sau đó, khi nhận định thì trường trong nước tiềm ẩn nhiều rủi ro, vị chủ tịch mà người ta hay gọi thân mật là bầu Đức của CLB bóng đá HAGL- Arsenal đã chuyển hướng kinh doanh đa ngành nghề, đầu tư vào thị trường tiềm năng ở các nước ASEAN kém phát triển khác.

Doan-nguyen-duc-myanmar 1

Bầu Đức trong lễ bàn giao làng Vận động viên SEA Games 25 cho Lào

Theo đó, HAGL đã có các cuộc đổ bộ sang Lào, Campuchia để tiến hành đầu tư nông nghiệp trồng cây cao su, khai thác khoáng sản được sự cấp phép của Chính phủ nước sở tại, khai thác mỏ sắt 20 triệu tấn tại Lào và 30 triệu tấn tại Campuchia. Đặc biệt phải kể đến dự án đầu tư mang tính chiến lược Hoàng Anh Gia Lai Myanmar Center trên diện tích 8ha tại vị trí đắc địa nhất cố đô Yagon, bầu Đức quyết tâm biến nơi đây thành miền đất hứa của các nhà đầu tư.

Mặc dù HAGL kiên trì theo đuổi chiến lược đầu tư vào các ngành mà tập đoàn có lợi thế cạnh tranh dựa vào đất đai và tài nguyên thiên nhiên nhưng chỉ thành công trong ngành Nông nghiệp. Các dự án Thủy điện đòi hỏi vốn lớn, chi phí cao mà không hiệu quả, ngành Khoáng sản vấp phải các rào cản luật pháp về môi trường, xuất khẩu hạn ngạch nên lợi nhuận không cao. Sau khi tiến hành tái cấu trúc toàn tập đoàn, HAGL chỉ giữ lại những dự án đầu tư có khả năng sinh lời cao của ngành Nông nghiệp và bất động sản.

Tháng 8/2013, HAGL bán 4 dự án thủy điện đang hoạt động và 2 dự án đang xây dựng, tách các dự án bất động sản không hiệu quả thành công ty riêng sau đó rao bán cổ phần ra công chúng. Nhưng riêng khu phức hợp HAGL Myanmar Center được đánh giá là dự án đầu tư chủ lực, được rót vốn hàng nghìn tỷ đồng để tiến hàng xây dựng. Theo đánh giá của HĐQT tập đoàn, Myanmar đang trải qua cơn sốt bất động sản sau khi nước này tuyên bố mở cửa và thông qua luật đầu tư nước ngoài với những quyết định thông thoáng.

Miền đất hứa Yangon

Sau khi tiến hành lễ khởi công dự án HAGL Myanmar Center tại khu vực đắc địa nhất Yangon, thành phố lớn nhất và là cửa ngõ quan trọng đón du khách quốc tế của Myanmar, HAGL không chỉ là nhà đầu tư Việt Nam đầu tiên đầu tư vào lĩnh vực khách sạn, du lịch tại đây mà còn là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất, chiếm 26% số vốn đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực tiềm năng này. Tham vọng của vị chủ tịch Đoàn Nguyên Đức không dừng lại ở quy mô là sự hợp tác giữa tập đoàn HAGL với chính phủ các nước ASEAN, mà đây là thương vụ đầu tư mang tầm vóc quốc gia, khi mà Việt Nam cũng có thể đầu tư phát triển kinh tế cá nước Đông Nam Á giống như Nhật Bản, Hàn Quốc hay Singapore.

doan-nguyen-duc-myanmar 2

Phối cảnh tổng thể khu phức hợp HAGL Myanmar Center

Đây được xem là dự án trọng điểm của Tập đoàn HAGL xây dựng trên diện tích đất 73.358 m2, có quy mô đầu tư lớn nhất, hoành tráng nhất của HAGL hiện nay. Dự án này cũng sẽ là trung tâm văn hóa – kinh tế của Việt Nam tại Myanmar với tổng mức đầu tư lên đến 440 triệu USD, được đầu tư theo hình thức BOT với thời gian 70 năm và chia thành 2 giai đoạn xây dựng. Dự kiến giai đoạn 1 sẽ bắt đầu đi vào hoạt động trong quý I/2015 với một trung tâm thương mại và hai tòa cao ốc cho thuê văn phòng hạng A cao 26 tầng, khách sạn 5 sao đạt tiêu chuẩn quốc tế với quy mô hơn 400 phòng.

Theo các báo cáo tài chính của HAGL, sau khi khởi công từ giữa năm 2013, HAGL đã rót 1.400 tỷ đồng vào dự án khu phức hợp HAGL Myanmar Center, chiếm 13,4% tổng mức đầu tư xây dựng cơ bản năm 2013. Đến hết 30/9/2014, chi phí đã lên đến 2.274 tỷ đồng, nâng tỷ lệ 18,5% tổng mức đầu tư xây dựng cơ bản dở dang toàn tập đoàn. Tổng tài sản hình thành trong tương lai từ dự án này đều được dùng làm tài sản đảm bảo cho khoản vay 1.480 tỷ đồng, với lãi suất Libor 3 tháng bằng USD tại thời điểm giải ngân từ 18/4/2013, 7,8 % /năm và 3 tháng điều chỉnh lãi suất 1 lần.

Lợi nhuận khổng lồ từ tiền thuê đất

Lợi thế của HAGL tại khu phức hợp này, khoản phải trả cho mua quyền sử dụng đất chỉ có 406,887 tỷ đồng, cho gần 8ha đất, tính ra chỉ mất khoảng 25USD/m2 được sử dụng trong vòng 70 năm. Bầu Đức đã có lần chia sẻ, năm 2010 ông sang Myanmar khảo sát và tiến hành mua lô 8ha này nhưng chưa trình bày trước HĐQT do tình hình BĐS trong nước còn khó khăn. Trước năm 2013, khoản tiền mua 8ha đất từ chính phủ Myanmar là tiền túi của vị chủ tịch sở hữu 43,39% cổ phiếu HAGL, chưa hề xuất hiện trên các báo cáo tài chính của tập đoàn này. Đến năm 2013, giá đất đã lên đến 80-100 USD/m2 (tăng 4, 5 lần so với ban đầu) thì riêng khoản lợi nhuận từ mua quyền sử dụng đất đã là một con số khổng lồ, khi đề xuất phương án đầu tư vào miền đất hứa này, HĐQT  liền gật đầu đồng ý rót vốn.

doan-nguyen-duc-myanmar 3

Thương vụ đầu tư khôn ngoan của bầu Đức vào Myanmar

Tình hình sản xuất kinh doanh của HAGL thời gian qua cũng gặp không ít khó khăn do tiến hành tái cấu trúc toàn tập đoàn nhưng các chỉ số an toàn tài chính đều đạt mức khả quan. Doanh thu năm 2013 chỉ đạt 2.771 tỷ đồng, chỉ đạt 63,6% năm 2012, đạt 76,5 % kế hoạch đề ra. Do công tác kiểm soát chi phí tốt, lợi nhuận đạt 999 tỷ đồng, tăng 90% so với năm 2012. Hết quý III/2014, doanh thu, lợi nhuận đều tăng so với cùng kì năm ngoái, các con số ngày càng chứng tỏ bước đi đúng đắn trong quyết định “đại phẫu thuật” toàn tập đoàn.

Dù phương châm của bầu Đức đưa ra “HAGL là tập đoàn đa ngành nghề, cái gì có lãi là làm, miễn rằng nằm trong khuôn khổ pháp luật” nhưng khi nhanh nhạy nhận định thị trường đồng thời khắc phục ngay, HAGL ngày càng phát triển vững mạnh. Dự án tầm cỡ quốc gia đầu tư vào Myanmar, chắc chắn sẽ đem lại lợi nhuận cao, đồng thời thể hiện sự hợp tác lâu dài giữa 2 nước Việt Nam- Myanmar, xa hơn nữa là cuộc tiến quân của các nhà đầu tư vào các nước trong khu vực ngày càng mạnh mẽ.

Hoa Liên
 
 
Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến