Người đàn bà khai phá “kho báu” bị bỏ quên ở miền Tây xứ Nghệ
30/10/2014 11:03:51
ANTT.VN - Về lại miền Tây xứ Nghệ, ngắn ngày thôi nhưng chúng tôi đã dừng lại Nghĩa Đàn để tận nghe, tận thấy những đổi thay chóng mặt ở đất này.

Tin liên quan

Trước đây, dù đường Hồ Chí Minh vun vút, nhiều lần qua Nghĩa Đàn- Nghệ An, tôi đã cố ngó qua cửa xe để thấy sự đổi thay của vùng đất lam sơn chướng khí này khi dự án bò sữa khổng lồ mang tên TH true Milk dầm dập đổ về. Và, tuy vèo qua mắt nhưng đã thấy vùng đất này thực sự khoác lên mình bộ cánh mới, lộng lẫy hơn, sung túc hơn. 

Lần này, về lại miền Tây xứ Nghệ, ngắn ngày thôi nhưng chúng tôi đã dừng lại Nghĩa Đàn để tận nghe, tận thấy những đổi thay chóng mặt ở đất này. 

Ám ảnh khôn nguôi

Nghĩa Đàn, thủ phủ của TH true Milk giờ là điểm đến của mọi người, đặc biệt là các chuyên gia về nông nghiệp không chỉ của Việt Nam mà cả thế giới. Chứng kiến sự đổi thay khó tin ở đây, mọi người mới gật gù nhận ra rằng, bà Thái Hương, Chủ tịch Tập đoàn TH quả là có con mắt “thần diệu” bởi đã nhìn thấy cả một “kho báu” đang bị lãng quên, đang bị chôn vùi.

Những cánh đồng cỏ của TH được chăm sóc và thu hoạch bằng các thiết bị hiện đại.

“Kho báu” ấy ở Nghĩa Đàn là đất đỏ bazan. Câu nói “Nam Đắc Lắc, Bắc Phủ Quỳ” của người xưa đã ca ngợi sự quý và tiềm năng của loại đất này. Phủ Quỳ giờ là 3 đơn vị hành chính, huyện Nghĩa Đàn, Quỳ Hợp và thị xã Thái Hòa. Ngay sau khi xâm lược nước ta, năm 1913, Pháp đã nhắm ngay đến “kho báu” này và mở một loạt đồn điền tạo ra thương hiệu “cà phê Phủ Quỳ” trứ danh thiên hạ. Khi Pháp rút đi, suốt một thời kỳ dài, Phủ Quỳ cũng nổi danh với những nông trường luôn là lá cờ đầu trong phong trào kinh tế tập thể. Nhưng rồi lề lối làm ăn lạc hậu, phương thức quản lý xa rời thực tế đã khiến những nông trường ấy lụi tàn rồi ẩn vào tiềm thức. 

Trước khi Tập đoàn TH tìm về Nghĩa Đàn thì nơi đây tiêu điều lắm! Những nông trường chỉ còn cái xác, thua lỗ triền miên. Đất đai chia cho nông dân theo kiểu phát canh thu tô, đồng được đồng mất. Nông dân có đất cũng chẳng sung sướng gì. Kỹ thuật không có, đầu tư càng không nên nghèo khó bao đời bám riết. Nhiều lần vào Nghĩa Đàn, thấy tài nguyên đất hoang phí, là con dân xứ Nghệ, bà Thái Hương thấy lòng mình xa xót. Bây giờ là thời đại của nông sản sạch, đi nhiều nước bà Thái Hương thấy rõ điều đó. Việt Nam là nước nông nghiệp với rừng vàng biển bạc, đồng ruộng phì nhiêu mà sao vẫn khó, vẫn nghèo? Câu hỏi đó ám ảnh bà ngay cả trong những giấc ngủ chập chờn. Và rồi, đến chừng giữa năm 2008, bà chủ của Ngân hàng Bắc Á ấy đã quyết tìm lời giải cho câu hỏi bấy lâu chởn vởn ấy. 

Ngày ấy, năm 2008, cơn bão “sữa độc” melamine khiến người dân Việt Nam điên đảo. Một lần, xem ti-vi, biết tận gốc rễ sự thật trên, bà thấy tim mình quặn thắt. Con số 92% lượng sữa người Việt đang sử dụng là được nhập từ nước ngoài, chủ yếu từ Trung Quốc là… không thể chấp nhận! Người Việt bắt đầu có thói quen dùng sữa, nhưng về mặt hàng này thì mù tịt thông tin. Ai cũng tưởng cứ sữa là bổ, cứ sữa là phát triển chiều cao, tăng cường trí tuệ. Họ, những người tiêu dùng đang quay cuồng giữa ma trận sữa nhập ngoại ấy đâu biết rằng mình đang bị lợi dụng, thậm chí là đầu độc bởi những sản phẩm sữa chỉ thấy hay hay ở những dòng quảng cáo. Nghĩ đến những cánh đồng bỏ hoang, đặc biệt là sức khỏe của người tiêu dùng, bà Thái Hương đã đi đến một quyết định mà nhiều người khi đó cho là liều lĩnh: Đầu tư làm sữa sạch! Lỗ lãi thế nào thì cứ tính sau nhưng trước mắt là phải cứu người dân, nhất là trẻ em, thế hệ tương lai của đất nước, bà chủ Tập đoàn TH khi đó nghĩ vậy.

Bắt đất khó nở hoa

Với nông nghiệp, đặc biệt là với ngành sữa khi đó bà Thái Hương là người “ngoại đạo”. Tuy nhiên, chẳng chút e dè, đắn đo, bà hiên ngang bước vào “thế giới lạ” ấy với vũ khí lợi hại là tư duy “nếu mình không giỏi, hãy tìm người giỏi nhất”. Từ trước đến nay, mọi người vẫn nghĩ bò sữa đỏng đảnh, khó nuôi như người ốm nghén. Tìm hiểu, bà Thái Hương cho đó là sai. Bò sữa khó nuôi là do mình không biết cách, đơn giản chỉ có vậy. Tìm hiểu về công nghệ chăn nuôi bò sữa, bà đã dừng chân ở đất nước Israel xa xôi. Mảnh đất quê hương của người Do Thái ấy còn khó khăn, khắc nghiệt hơn Việt Nam gấp bội. Thế nhưng, bấy lâu nay, đất nước bán hoang mạc này lại là nơi xuất khẩu sữa hàng đầu thế giới. Và, khách hàng của họ là Mỹ, là các nước Châu Âu khó tính. Vậy là ngay lập tức các chuyên gia hàng đầu về bò sữa của Israel đã được bà trải thảm đỏ mời về. 

Bò vào lấy sữa kỷ luật nghiêm như chiến binh.

Sang Việt Nam, thăm vùng đất Nghĩa Đàn, những chuyên gia ấy cứ gật đầu rùm rụp. Họ bảo, điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng ở đây quá tốt, quá phù hợp với việc phát triển nghề chăn nuôi bò sữa. Cụ thể hơn, nếu điều kiện thiên nhiên ở nước họ là 5, 6 điểm thì ở đây phải là điểm 10. Vậy là công nghệ chăn nuôi bò sữa của Israel được “chấm” và một ngày cuối tháng 2-2010, miền Tây xứ Nghệ như có hội khi đón “cô bò sữa” đầu tiên tên Mộc được nhập khẩu từ NewZealand về. Và, cũng chỉ một thời gian ngắn sau sự kiện này, hàng loạt những chuyến tàu chở theo hàng nghìn con bò sữa từ các nước có ngành chăn nuôi bò sữa tốt nhất thế giới cũng liên tiếp cập cảng Cửa Lò. Trước đó, với sự trợ giúp của các chuyên gia hàng đầu về chăn nuôi bò sữa của Israel, hàng loạt chuồng trại, nhà máy chế biến thức ăn hiện đại đã được xây dựng để đón tiếp những “nhân vật chính” cho cuộc cách mạng sữa ở Việt Nam này. 

Bà Thái Hương từng bị hiểu lầm, từng bị cho là ngạo mạn khi phát biểu “tôi không có đối thủ” trong ngành chế biến sữa sạch. Tìm hiểu cách làm sữa của TH thì ngộ ra rằng, bà Thái Hương nói vậy cũng chẳng sai. Bà đã chọn con đường riêng cho mình khi làm sữa sạch. Hướng tới đích là sức khỏe của người tiêu dùng nên con đường ấy lắm chông gai và nhiều gian khó. Bởi thế, đường ấy hiện mỗi bà đi. 

Thiên đường của những… bà hoàng

Có đến thăm trang trại bò của TH mới thấy làm sữa sạch là một kỳ công. Và kỳ công đó khó cho “hoa thơm, trái ngọt”, khó cho những mẻ sữa “thực sự thiên nhiên” nếu không có trợ thủ đắc lực là khoa học công nghệ. Có người đã nói, bò sữa ở đây được chăm sóc hệt như những bà hoàng. Câu ví ấy chẳng sai, bắt đầu từ thức ăn. Bò sữa được lên khẩu phần ăn cho mỗi chu kỳ và thường mỗi bữa ăn có đến mười mấy món khác nhau. Thức ăn trước khi được đưa vào chế biến đều được kiểm tra kỹ càng hệt như ngày trước đám thái giám phải nếm thức ăn trước khi dâng lên vua chúa. Chỉ những sản phẩm không chứa độc tố, không biến đổi gien mới được các chuyên gia nước ngoài đưa vào chế biến. Bởi cầu kỳ vậy nên theo ông Hanan Saggi, chuyên gia Israel, thức ăn cho bò đã ngốn tới 70% chi phí. “Nhiệm vụ của bò là cho dòng sữa sạch nhất, nhiệm vụ của chúng tôi là lên thực đơn để bò hài lòng nhất”, ông Hanan Saggi, đã nói vui với chúng tôi như vậy.

Bà Thái Hương đang chia sẻ với phóng viên về hành trình làm sữa sạch.

Không chỉ được ăn ngon, đời sống tinh thần của các “nàng bò” của TH cũng vô cùng phong phú. Các “nàng” còn được nghe nhạc giao hưởng mỗi ngày, được chăm sóc sức khỏe bằng những công nghệ tối tân và được sống trong những trang trại sạch, xanh, đẹp. Dẫn chúng tôi đi thăm trang trại mà mình đang quản lý, anh Lê Hoài Nam, Trại trưởng Trại 3, nơi đang nuôi dưỡng 5000 bò sữa khoe, anh và các cộng sự đang phấn đấu để rinh giải thưởng “trang trại xanh, sạch, đẹp” mà tập đoàn tổ chức hằng năm. Đúng như lời kỹ sư nông nghiệp trẻ này nói, nếu không có tấm biển trước cổng trang trại thì chúng tôi cứ ngỡ mình đang đến thăm một công viên với hoa lá sặc sỡ. Trò chuyện với chúng tôi, anh Nam bảo, làm sữa sạch nên tiêu chí đầu tiên của “công viên- trại bò” là phải sạch. Trước khi lấy sữa, bò được lùa qua nhiều cửa và ở mỗi cửa ấy đều có hệ thống xả nước tự động để bò tắm táp. Tắm sạch sẽ xong, cũng bằng hệ thống điều khiển tự động, bò ngoan ngoãn nối đuôi nhau vào nơi vắt sữa. Chỉ tay qua khung cửa kính từ trên cao, anh Nam bảo, công nghệ hiện đại đã khiến đàn bò sữa “làm trọn bổn phận” hệt như những chiến binh tôn thờ kỷ luật.

Trại bò đẹp như công viên.

Bây giờ Nghĩa Đàn đã thực sự thay da đổi thịt. Người dân ở đây biết ơn TH, biết ơn bà Thái Hương, người đã “khơi dòng sữa sạch”, người đã biến đất khó cho trái ngọt, hoa thơm. Còn riêng chúng tôi, với những điều tận thấy thì bà Thái Hương còn làm được nhiều hơn thế. Với dòng sữa “thực sự thiên nhiên”, bà đã khiến người tiêu dùng hiểu được giá trị đúng của sữa sạch. Và, chắc chắn, tương lai gần, muốn tồn tại, nhiều người làm sữa cũng phải chọn con đường mà bà đã từng đi. 

Đào Thanh Tuy

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến