4 kịch bản tồi tệ của kinh tế Trung Quốc 2016
01/01/2016 09:27:57
ANTT.VN – Những khó khăn trong năm 2015 chỉ là hệ quả tất yếu từ nhiều thập kỉ tăng trưởng “lấy lượng bù chất” của Bắc Kinh, báo hiệu một năm 2016 đầy khó khăn đối với Chính phủ của Chủ tịch Tập Cận Bình.

Tin liên quan

Năm 2015 liệu có phải là mốc mở đầu cho một thời kì đi xuống của kinh tế Trung Quốc? Ảnh: Bloomberg

Trong lúc này, giới lãnh đạo Bắc Kinh đang cố gắng tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng tiêu dùng và dịch vụ, giảm bớt phụ thuộc vào đầu tư như trước.

Nghe có vẻ đơn giản, tuy nhiên những nỗ lực này, nếu không được thực hiện đúng cách, hoàn toàn có thể châm ngòi cho một cú trượt dài trong năm 2016 của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Hãng tin Bloomberg đưa ra 4 nguy cơ lớn nhất đối với kinh tế Trung Quốc trong năm 2016, dựa trên ý kiến của các chuyên gia hàng đầu thế giới:

Bất ổn thị trường tiền tệ

“Đồng USD mạnh sẽ là ẩn số lớn nhất trong năm 2016 đối với kinh tế Trung Quốc. Bởi nó sẽ đẩy ngược dòng chảy vốn ra khỏi Trung Quốc, tăng áp lực giảm phát, ảnh hưởng tiêu cực tới thu nhập doanh nghiệp và qua đó kìm hãm tốc độ tăng trưởng chung của nền kinh tế”, Larry Hu, chuyên gia phân tích cao cấp tại Macquarie Securities, nhận định.

Đồng bạc xanh mạnh lên có nghĩa rằng các công ty gánh trên lưng những khoản nợ lớn bằng đồng USD sẽ phải đối mặt với áp lực trả nợ lớn hơn, trong khi đó PBOC (Ngân hàng Trung ương Trung Quốc) cũng sẽ phải nắm giữ nhiều ngoại tệ hơn để phục vụ các mục đích ổn định đồng Nhân dân tệ, khiến nguồn cung tiền trở nên hạn chế.

Dòng vốn chảy ngược

Dòng tiền chảy vào thị trường vốn Trung Quốc đã ở mức âm kể từ đầu năm 2015. Nguồn: Bloomberg

“Thách thức lớn nhất đối với Bắc Kinh trong năm tới chính là dòng vốn không chỉ đang chảy ngược ra ngoài mà còn với tốc độ tăng dần”, Pauline Loong, giám đốc Asia-Analytica Research tại Hồng Kông, cho biết.

“Điều này đồng nghĩa với việc Chính phủ của ông Tập sẽ phải tìm ra cách thức xử lý nguy cơ này, đồng thời không được làm xáo động thị trường tài chính, như cái cách họ đã giải cứu thị trường chứng khoán hồi giữa năm.

Theo Bloomberg, lượng vốn chảy ngược ra khỏi thị trường tài chính Trung Quốc đã lên tới 500 tỉ USD chỉ trong 4 tháng qua.

Trong lúc này, giới chức Bắc Kinh dường như đang không có nhiều lựa chọn.

‘Nếu PBOC hạ lãi suất để kích thích nền kinh tế, tài sản được định giá bằng USD (như kim loại quý, hay trái phiếu Mỹ) sẽ trở nên hấp dẫn hơn. Nếu họ can thiệp thị trường tiền tệ để “chống lưng” cho NDT, xuất khẩu sẽ bị ảnh hưởng. Nếu họ thắt chặt kiểm soát thị trường vốn, tâm lý trong giới đầu tư sẽ càng dao động, dẫn tới dòng vốn chảy ngược thậm chí còn nhanh hơn, đe dọa sụp đổ thị trường vốn”, vị chuyên gia nói.

Thị trường bất động sản tiếp tục đi xuống

Bất động sản đã từng là lực đẩy của kinh tế Trung Quốc trong những năm đầu thập niên 2000. Ảnh: Reuters

“Nguy cơ lớn nhất đối với nền kinh tế Trung Quốc trong năm tới là khủng hoảng dư cung trong bất động sản. Nếu thực trạng này kéo dài, một hiệu ứng dây chuyền có thể lan sang khu vực đầu tư và sản lượng công nghiệp”, Wang Tao, nhà kinh tế học Trung Quốc tại UBS Group AG, nhận định.

“Bên cạnh đó, hệ thống chính sách chưa hoàn thiện cũng sẽ khiến mọi nỗ lực giải cứu của Chính phủ Bắc Kinh trở nên tồi tệ hơn”.

Khủng hoảng hệ thống ngân hàng

“Bức tranh tổng thể của thị trường tài chính Trung Quốc 2016 sẽ chỉ xoay quanh hệ thống ngân hàng của nước này”, Bloomberg dẫn lời Andrew Polk, nhà kinh tế học tại Conference Board tại Bắc Kinh.

“Sẽ không quá bất ngờ nếu hệ thống ngân hàng Trung Quốc chứng kiến một cuộc khủng hoảng trong năm 2016. Bởi áp lực đè lên khu vực tư nhân của nền kinh tế này đang rất lớn, đe dọa dẫn tới vỡ nợ hoặc mất khả năng thanh toán của các doanh nghiệp. Lợi nhuận trong khu vực công nghiệp sẽ tiếp tục đi xuống, trong bối cảnh thua lỗ ngày càng lan rộng”.

Nghi Điền

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến