Dòng sự kiện:
Ai chịu trách nhiệm khoản lỗ 17.000 tỷ đồng của DNNN?
27/07/2018 19:07:55
Báo cáo của CIEM khẳng định là hoạt động quản lý, giám sát của các cơ quan đại diện chủ sở hữu chưa đạt hiệu lực, hiệu quả, không ngăn ngừa, cảnh báo được các vụ việc kinh doanh thua lỗ.


Tỷ trọng DNNN thua lỗ vẫn lớn

Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương (CIEM) vừa công bố một nghiên cứu riêng cho thấy, trong giai đoạn 2011-2016, hiệu quả hoạt động của DN 100% vốn nhà nước còn chưa tương xứng với nguồn lực đang nắm giữ, chưa thực sự phát huy được vai trò chủ đạo trong nền kinh tế. Trong khi tổng tài sản tăng 45,8%, vốn chủ sở hữu tăng 92,2%, nhưng doanh thu, lợi nhuận trước thuế và nộp ngân sách nhà nước chỉ tăng 18%, bình quân tăng 3%/năm. Nợ nần cũng tăng nhanh, tăng tới 26% so với năm 2011 (từ 1.292.400 lên 1.628.649 tỷ đồng).

Tập đoàn Than – Khoáng sản là một ví dụ điển hình về đầu tư ngoài ngành gây thua lỗ lớn

Đặc biệt, tỷ trọng DNNN thua lỗ vẫn lớn. Báo cáo hợp nhất năm 2016 cho thấy 23/91 tập đoàn, tổng công ty, nhóm công ty mẹ-con lỗ lũy kế trên 17.000 tỷ đồng. Tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) và tổng tài sản (ROA) của DNNN cũng giảm lần lượt là 39% và 30%. Nhiều khoản đầu tư ngoài ngành lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng đến nay chưa thu hồi được và giá trị thực tế của nhiều dự án đang ở mức dưới giá trị đầu tư. Nhiều DNNN do quản trị rủi ro không tốt đã dẫn tới thua lỗ nặng nề và tạo ra gánh nặng nợ quốc gia, gây tâm lý bức xúc cho dư luận xã hội…

Báo cáo của CIEM khẳng định là hoạt động quản lý, giám sát của các cơ quan đại diện chủ sở hữu chưa đạt hiệu lực, hiệu quả, không ngăn ngừa, cảnh báo được các vụ việc kinh doanh thua lỗ.

Hiện nay theo quy định, DNNN phải chịu sự giám sát của Quốc hội, của Chính phủ, của các bộ chuyên ngành và của cơ quan đại diện chủ sở hữu (là các bộ hoặc UBND tỉnh, thành phố), giám sát nội bộ… Đơn cử như với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Bộ Công thương là cơ quan đại diện chủ sở hữu - chủ trì đầu mối thực hiện giám sát, kiểm tra, thanh tra của chủ sở hữu nhà nước. Các bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Lao động - Thương binh và Xã hội, Nội vụ phối hợp thực hiện chức năng giám sát đối với các lĩnh vực liên quan, như: giám sát tài chính; đầu tư; thực hiện chiến lược, mục tiêu; công tác cán bộ; cơ chế tuyển dụng, lương, thưởng…

Nhưng thực tế giám sát của cơ quan đại diện chủ sở hữu (hiện là các bộ hoặc UBND tỉnh/thành phố…) chưa thống nhất, chồng chéo với hoạt động thanh tra, kiểm tra của chức năng quản lý nhà nước. Các quy định hướng dẫn về cách thức, công cụ thực hiện giám sát chưa thực sự rõ ràng, dẫn tới những lúng túng về thực thi, ảnh hưởng không tốt tới hiệu quả giám sát.

Trong triển khai thực hiện trên thực tế, vẫn còn tình trạng phân tán về trách nhiệm giám sát. “Không cơ quan nào có đủ thẩm quyền và khả năng theo dõi, đánh giá DN một cách đầy đủ, hiệu quả và toàn diện. Các bộ chỉ giám sát theo chức năng quản lý nhà nước, nên mục tiêu, cách làm khác nhau, cơ chế phối hợp chưa rõ, nên giám sát DNNN không bảo đảm được yêu cầu về thường xuyên, liên tục. Nếu có phát hiện vấn đề gì cần cảnh báo cũng đã trễ”, ông Phạm Đức Trung - Trưởng ban Đổi mới DN (CIEM) và là người trực tiếp thực hiện nghiên cứu cho biết.

Cha chung… không ai khóc

Đồng tình với đánh giá này, bà Phạm Chi Lan - nguyên Phó chủ tịch VCCI cho rằng, DNNN lời ăn, lỗ nhà nước chịu, rủi ro càng không phải vấn đề với chủ sở hữu DNNN. Với cơ quan giám sát và thông thường chúng ta cứ nói cả hệ thống chính trị vào cuộc giám sát DNNN nhưng cũng chính vì thế nên chẳng ai giám sát và chịu trách nhiệm cả.

Các chuyên gia cũng cho rằng, vấn đề nổi cộm hiện nay là thiếu vắng một hệ thống đánh giá cập nhật cho chủ sở hữu tình hình thực tế của DN. Trong khi việc đánh giá hiệu quả chủ yếu dựa trên các báo cáo của DN, theo chu kỳ nửa năm và một năm; việc xếp loại DN dựa theo các tiêu chí đơn giản, dễ đạt được và không có so sánh, đối chứng với các DN tương tự trên thị trường. Cách phân công này đã và đang tạo ra gánh nặng cho cả DN lẫn các cơ quan giám sát. Ở góc độ của DN, họ phải chịu sức ép giám sát, thanh tra, kiểm tra của nhiều cơ quan. Ở góc độ cơ quan giám sát, việc thiếu phối hợp, chia sẻ thông tin giám sát dẫn đến sự quá tải công việc, làm giảm chất lượng và hiệu quả giám sát.

Tuy có nhiều cơ quan giám sát nhưng hầu như không có cơ quan nhà nước nào nắm được đầy đủ và kịp thời tình hình hoạt động của DN. Mỗi khi cần nắm bắt tình hình hoạt động của DN, cơ quan quản lý thu thập thông tin thông qua cơ chế báo cáo “đột xuất” hoặc đoàn công tác. Cách làm này vừa gây tốn kém thời gian chi phí và ảnh hưởng tới chức năng quản lý nhà nước của các bộ, ngành, địa phương; lại vừa không hiệu quả. Một số sai phạm của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước lớn không bị phát hiện cho đến khi Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước vào cuộc.

Theo bà Phạm Chi Lan, các vấn đề tồn tại, thậm chí gỡ khó các yếu kém của DNNN hiện nay bản thân người đứng đầu DN, chủ sở hữu đều biết và đều có thể giải quyết được. Nhưng quan trọng hơn cả họ không làm và không muốn làm vì liên quan đến lợi ích cá nhân. Xuất phát từ thực tế đó, bà Lan kiến nghị, cần trao quyền cho Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN giám sát các DNNN, thu hẹp các đầu mối giám sát bởi hiện nay quá nhiều bộ, ngành tham gia vào việc giám sát, trong khi hiệu quả lại không cao.

CIEM cũng đề nghị tiếp tục tập trung và chuyên nghiệp hóa hoạt động giám sát của cơ quan đại diện chủ sở hữu. “Các ông chủ sở hữu DN là các bộ vừa “ôm” cả chức năng quản lý ngành đó, vừa ra chính sách nên dung dưỡng cho lệch lạc và phát triển méo mó, không nhìn ra yếu kém của DNNN mà khắc phục ngay từ đầu”, TS. Nguyễn Đình Cung – Viện trưởng CIEM phát biểu. Ông cũng đang kỳ vọng vào hoạt động của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước trong DN.

Theo Thời báo ngân hàng

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến