Dòng sự kiện:
Tiền có mua được hạnh phúc?
12/11/2014 11:11:55
ANTT.VN - Các nhà khoa học và tâm lý học trên thế giới đã tiến hành nhiều nghiên cứu để tìm ra đáp án cho câu hỏi muôn thuở: Tiền có mua được hạnh phúc?

Tin liên quan

Trong vài năm gần đây, các nghiên cứu mới đã cho chúng ta một cái nhìn sâu sắc hơn về mối quan hệ giữa chúng ta kiếm được gì và cảm thấy thế nào. Các nhà kinh tế đã rà soát mối liên hệ giữa thu nhập và hạnh phúc trên khắp các quốc gia. Các nhà tâm lý học tiến hành thăm dò cá nhân để tìm hiểu những gì thực sự làm cho chúng ta quan tâm khi nói đến tiền.

Và kết quả, nhìn một cách tổng quan có lẽ không có gì ngạc nhiên. "Có, những người có thu nhập cao hơn hạnh phúc hơn"

Nhưng nhìn sâu hơn một chút vào những phát hiện, có rất nhiều chi tiết đáng ngạc nhiên và đầy hữu ích.

Trong ngắn hạn, nghiên cứu mới nhất này cho thấy, giàu có thôi chưa đủ để cho bạn một cuộc sống hạnh phúc. Điều quan trọng hơn nhiều so với một mức thu nhập khủng là cách mà bạn sử dụng nó. Cụ thể như, cho đi sẽ làm bạn hạnh phúc hơn nhiều so với việc hoang phí trên bản thân mình. Và khi "tự thưởng" cho mình, bạn sẽ hạnh phúc hơn rất nhiều khi sử dụng nó vào những việc đem lại kinh nghiệm như đi du lịch hơn là mua sắm hàng hóa.

Theo đó, sau đây là những gì nghiên cứu mới nhất đã chỉ ra, làm thế nào để chúng ta có thể tiêu dùng một cách thông minh nhất và tối đa hóa mức độ hài lòng.

Kinh nghiệm có giá trị nhiều hơn bạn nghĩ

Rất nhiều nghiên cứu được tiến hành trong 10 năm qua đã chỉ ra rằng kinh nghiệm sống cho chúng ta niềm vui lâu dài hơn so với những thứ vật chất. Nhưng mọi người lại thường phủ nhận điều này và dành ưu tiên cho việc mua sắm hàng hóa.

Vì vậy, Ryan Howell - giáo sư tâm lý tại Đại học bang San Francisco đã quyết định nghiên cứu về điều này. Trong một nghiên cứu được công bố đầu năm nay, ông thấy con người thường nghĩ rằng việc mua sắm hàng hóa sẽ mang lại giá trị cao hơn, bởi trải nghiệm sẽ qua nhanh, còn hàng hóa sẽ ở lại cùng ta lâu dài. Vì vậy, dù thi thoảng ta có thể chi tiền cho những chuyến du lịch hay buổi hòa nhạc lớn, nhưng mua sắm hàng hóa vẫn là lựa chọn thường xuyên và được ưu tiên hơn.

Tuy nhiên trên thực tế, Howell thấy rằng khi nhìn lại những gì mình có được, chúng ta nhận ra rằng kinh nghiệm thực sự đem lại giá trị tốt hơn.

"Mọi người nghĩ rằng kinh nghiệm sẽ chỉ đem hạnh phúc nhất thời, nhưng sự thật thì kinh nghiệm sẽ mang lại hạnh phúc và giá trị lâu dài hơn." Nhưng chúng ta vẫn tiếp tục mua sắm vật chất bởi chúng hữu hình và chúng ta nghĩ rằng mình có thể giữ sử dụng lâu dài.

Giáo sư tâm lý học Thomas Gilovich đại học Cornell cũng đã kết luận tương tự. "Mọi người thường đặt ra một so sánh: Với số tiền hạn chế của mình, tôi hoặc là có thể đi đến đó, hoặc là có được sản phẩm này," "Nếu tôi lựa chọn đi, đó sẽ là một điều tuyệt vời và mọi thứ sẽ kết thúc sau chuyến đi. Còn nếu tôi mua món hàng này, ít nhất nó sẽ ở lại cùng tôi.”

Một chiếc váy mới hay một chiếc siêu xe sẽ khiến chúng ta cảm thấy vui mừng, phấn khích ngay lập tức, tuy nhiên rồi chúng sẽ sớm được ta cất vào tủ, hay bán đi để tìm một niềm vui mới.

Kinh nghiệm, mặt khác lại có xu hướng đáp ứng nhu cầu tâm lý cơ bản của chúng ta nhiều hơn. Ông Gilovich phân tích thêm, chia sẻ với những người khác cho chúng ta một cảm giác vui vẻ, hòa nhập, kết nối hơn với cộng đồng. Nếu bạn đã chinh phục được dãy Himalaya, đó sẽ là những trải nghiệm bạn không bao giờ có thể quên, bạn có thể nhớ về nó với một niềm tự hào và đầy kỷ niệm, trong khi những chiếc váy, chiếc xe ngày nào giờ có thể đã trở thành phế thải.

Và, điều quan trọng là chúng ta ít có xu hướng so sánh kinh nghiệm của mình với những người khác. "Theo kịp với những trào lưu mới nhất, có được những sản phẩm thời thượng sẽ làm bạn được chú ý hơn so với có nhiều kinh nghiệm”. Nhưng "Hãy tưởng tượng bạn vừa mua được một máy tính mới mà bạn thực sự thích. Tôi xuất hiện và nói rằng cũng với số tiền đó, tôi đã có một chiếc máy với màn hình sáng hơn và bộ vi xử lý nhanh hơn. Điều đó sẽ ảnh hưởng đến tâm lý của bạn thế nào? "

Trong các thí nghiệm đã tiến hành, ông thấy tâm lý mọi người bị giảm sự thích thú rất nhiều. Nhưng khi được hỏi, tưởng tượng bạn đã có một kỳ nghỉ tại New Zealand và ai đó có một chuyến đi tốt hơn một chút. “ Điều đó cũng khiến ta có chút không thoải mái, nhưng bạn vẫn còn có sự trải nghiệm của riêng mình và những kỷ niệm đó là của riêng bạn, không ai có thể có được và do đó bạn ít khi bận lòng với những suy nghĩ về chuyến đi của người khác hơn.”

Không thích ứng với những gì bạn có

Một trong những lý do chính giải thích cho việc tại sao có nhiều thứ hơn chưa hẳn đã làm cho chúng ta luôn hạnh phúc là chúng ta rất nhanh thích ứng với nó. "Con người thích ứng khá tốt với những thay đổi trong cuộc sống, đặc biệt là những thay đổi tích cực", Sonja Lyubomirsky - giáo sư tâm lý tại Đại học California, Riverside cho biết. "Nếu bạn có một sự gia tăng trong thu nhập, bạn sẽ có điều kiện hơn, nhưng sau đó nhu cầu của bạn cũng sẽ tăng theo. Có thể bạn sẽ mua một căn nhà lớn hơn trong một khu phố mới. Đó là nơi bạn có những người hàng xóm giàu có hơn, và bạn bắt đầu muốn nhiều hơn. Chân bạn đã bước lên chiếc máy chạy “hưởng thụ”. Cố gắng để dừng hay chậm lại thực sự là một thách thức."

Theo bà, chúng ta cần có ý thức quý trọng và lòng biết ơn đối với những gì mình đang có. Bạn sẽ nhanh chóng thích ứng với món đồ mới mua, cho rằng việc mình có được là hoàn toàn hợp lý và cảm giác hạnh phúc không còn. Có thể làm chậm lại quá trình tâm lý này bằng cách nhắc nhở mình bạn đã cố gắng thế nào để có được và vì sao mình phải coi trọng nó.

Có thể đơn giản như dành một phần trong quỹ thời gian mỗi ngày để cầu nguyện, đọc những cuốn tạp chí hay hoặc bày tỏ lòng biết ơn của mình với người khác. Điều quan trọng là phải tìm cách để duy trì ý thức về tất cả mọi thứ bạn sở hữu và tránh chỉ đơn giản là thích ứng với việc có nó xung quanh.

Làm được điều đó không phải dễ dàng bởi ta đang đi ngược lại khuynh hướng tự nhiên của mình. Giáo sư Lyubomirsky thừa nhận rằng cảm xúc của lòng biết ơn và sự đánh giá cao có thể rất khó khăn để duy trì. Nếu cuốn tạp chí của bạn hoặc công việc hàng ngày trở thành chỉ là một thói quen cũ, nó sẽ không còn gây nhiều hứng thú.

Sự đa dạng, mới lạ hay gây ngạc nhiên có thể giúp bạn hài lòng hơn với những gì mình có. "Bạn sẽ thích ứng, coi đó là hiển nhiên khi mọi thứ không thay đổi."

Nếu bạn treo một bức tranh tại một vị trí trên tường trong một thời gian dài, bạn sẽ không còn để ý đến nó nữa. Tuy nhiên, đổi nó với một bức tranh từ phòng khác, bạn sẽ thấy mọi thứ trở nên tươi mới hơn và giá trị của bức tranh cũng được nâng cao thêm. Theo bà, hãy thử chia sẻ đồ của mình với những người khác và mở lòng hơn, bạn chắc chắn sẽ có những trải nghiệm thú vị!

Điều này thậm chí có nghĩa là lấy đi tài sản của mình trong một thời gian, có thể bằng cách cho mượn hoặc chia sẻ chúng với người khác. Elizabeth Dunn - phó giáo sư tâm lý học tại Đại học British Columbia và đồng tác giả cuốn sách "Happy Money" gần đây đã tiến hành một thí nghiệm. Bà gửi mọi người một chiếc túi lớn đầy sô cô la và một nhóm trong số đó được ăn nhiều nhất có thể. Trong khi một nhóm khác bị cấm không được ăn và nhóm còn lại có thể ăn theo nhu cầu.

Và kết quả là? Những người đã bị cấm ăn sô cô la thưởng thức thanh sô cô la tiếp theo một cách ngon miệng và hài lòng hơn nhiều so với những người đã ăn rất nhiều hay ăn theo nhu cầu bình thường. "Từ bỏ tạm thời một điều gì đó thực sự có thể giúp ta giữ được niềm thích thú với nó khi tận hưởng lại."

Sống là cho đi

Nghịch lý của đồng tiền là khi kiếm được nhiều tiền hơn, trở nên có điều kiện hưởng thụ hơn thì việc chia sẻ, cho đi sẽ khiến bạn hạnh phúc hơn là chỉ chi tiêu nó cho chính bản thân mình.

Đó là phát hiện sau một loạt các nghiên cứu của giáo sư Dunn. Bà bắt đầu bằng việc giao tiền cho các sinh viên và nói với một số hãy chi tiêu cho bản thân mình và số còn lại hãy học cách cho đi, chia sẻ với những người xung quanh. Kết quả cho thấy, những người trong nhóm chia sẻ hạnh phúc hơn so với những người chỉ tiêu cho bản thân mình.

Giáo sư Dunn đã lặp lại thí nghiệm này ở các nước khác trên toàn thế giới và mở rộng thí nghiệm hơn, xem liệu người dân vẫn hạnh phúc hay không khi cho đi bằng chính tiền của mình chứ không phải tiền nhận được từ giáo sư. Bà thấy rằng ở các nước khác nhau như Canada, Nam Phi và Uganda, cho đi luôn làm cho mọi người cảm thấy hạnh phúc hơn. Điều này đúng ngay cả khi họ đã cho đi bằng chính tiền của mình và thậm chí cả khi bản thân họ cũng không lấy gì làm khá giả.

Bà cũng đã làm việc với các nhà kinh tế học để phân tích số liệu điều tra từ 100 quốc gia trên thế giới và thấy rằng những người quyên góp tiền cho từ thiện đều hạnh phúc hơn, không phân biệt nước giàu hay nghèo.

"Kêt quả thực tế thu được tại các nước như Nam Phi và Uganda giống với kết quả thu được tại Canada thực sự là bất ngờ lớn nhất trong sự nghiệp của tôi”. "Rất nhiều người trong chúng ta nghĩ rằng mình sẽ làm từ thiện khi mình giàu có hơn, nhưng thực tế chúng ta đã thấy được lợi ích của việc cho đi, thậm chí với cả những người đang ngày đêm nỗ lực chỉ để đủ sống."

Điều giúp bạn hạnh phúc hơn không đánh giá bằng số tờ bạc xanh bạn cho đi mà quan trọng là tấm lòng của bạn. Nếu bạn thấy tiền của mình có thể giúp cho cuộc sống của một ai đó tốt hơn, thì dù chỉ là số lượng nhỏ thôi, nó cũng sẽ làm bạn cảm thấy hạnh phúc.

Hãy dùng tiền để "mua" thời gian

Việc xem xét những gì bạn mua ảnh hưởng thế nào đến cách bạn sử dụng thời gian của mình cũng rất quan trọng. Ngôi nhà lớn ở ngoại ô kia có vẻ như là một điều lý tưởng. Nhưng một nghiên cứu năm 2004 của Alois Stutzer và Bruno Frey của Đại học Zurich cho thấy cùng với điều kiện như nhau, những người phải di chuyển nhiều hơn lại ít hài lòng với cuộc sống hơn những người còn lại. Họ đã tính toán được rằng bạn sẽ cần tăng 40% lương để bù đắp cho một giờ làm thêm mệt nhọc.

"Hãy dùng tiền để “mua” cho mình những khoảng thời gian tốt đẹp hơn". Bà Dunn cũng chia sẻ thêm "Đừng mua một chiếc xe hơi sành điệu để phục vụ 2 giờ di chuyển mỗi ngày. Hãy mua một chỗ gần nơi làm việc. Như vậy bạn có thể dành những  giờ cuối ngày để vui đùa với lũ trẻ trong công viên. "

Một cách khác để “mua” thêm thời gian là sử dụng công nghệ cho những việc bạn không thích. Thay vì việc thuê một trợ lý cá nhân, giờ đây bạn có thể giải quyết một cách dễ dàng và với chi phí hợp lý hơn bằng cách thuê “trợ lý ảo trực tuyến” hay mua phần mềm để giúp bạn quản lý mọi việc tốt hơn.

Hiện tại bà đang nghiên cứu về cách mọi người sử dụng thời gian tiết kiệm được từ việc dùng công nghệ. Các kết quả sơ bộ cho thấy, hầu hết mọi người đều hạnh phúc hơn khi “mua” thêm thời gian cho bản thân, nhưng chỉ khi họ sử dụng thời gian một cách đúng đắn.

Trong một phần khác của nghiên cứu được tiến hành, giáo sư Dunn phát hiện ra rằng khi người ta coi thời gian như tiền, điều đó khiến họ ít dám dành thời gian – thâm chí là một ít thời gian thôi cho những việc không đem lại giá trị kinh tế. “Xem thời gian như tiền bạc lại có thể khiến chúng ta không tận hưởng hết được cuộc sống!”

Tiền chỉ đem lại hạnh phúc cho ta trong một thời điểm

Khi nhìn vào các kết quả của cuộc nghiên cứu, có một điều quan trọng cần ghi nhớ. Những người trong lĩnh vực này chia hạnh phúc thành hai phần và để thực sự hạnh phúc, bạn cần có cả hai. Nhưng chỉ một trong đó giúp bạn lưu giữ cảm xúc hạnh phúc lâu hơn. Trong khi phần còn lại sẽ chỉ dừng tại một thời điểm.

Thước đo đầu tiên cho hạnh phúc là "sự tự đánh giá." Giáo sư Lyubomirsky định nghĩa nó như là "một cảm giác rằng cuộc sống của bạn thật tuyệt - bạn hài lòng với cuộc sống của mình, cảm thấy mình đang dần tiến đến mục tiêu cuộc đời." Đó là biện pháp các nhà kinh tế Justin Wolfers và Betsey Stevenson, người đã tiến hành nghiên cứu sâu rộng việc so sánh dữ liệu kinh tế và khảo sát hạnh phúc trên thế giới sử dụng.

"Chúng tôi đã tìm thấy những bằng chứng rất rõ ràng với tất cả các nước trên thế giới, những người giàu có hạnh phúc hơn người nghèo", giáo sư Wolfers cho biết. "Và người dân ở các nước giàu có hạnh phúc hơn người dân ở các nước nghèo."

Phần khác của hạnh phúc chính là “trạng thái cảm xúc”. Giáo sư Lyubomirsky giải thích, hãy xem mức độ thường xuyên của việc bạn có những cảm xúc tích cực như vui vẻ, tình cảm và yên bình với những cảm xúc ngược lại. "Bạn có thể hài lòng với cuộc sống của bạn một cách tổng thể nhưng có thể bạn không thực sự hạnh phúc vào thời điểm đó". "Tất nhiên, người hạnh phúc cũng trải qua những cảm xúc tiêu cực, chỉ cần điều đó không phải là thường xuyên."

Daniel Kahneman và Angus Deaton của Đại học Princeton nhận thấy rằng khi họ đánh giá bằng "trạng thái cảm xúc", hạnh phúc không tăng lên sau khi một hộ gia đình đạt thu nhập hàng năm đến ngưỡng 75,000 đô.

Như vậy, khi bạn không có nhiều tiền, chặng đường sẽ trở nên xa hơn bởi bạn còn nhiều nhu cầu thiết yếu hơn cần thực hiện. Tuy nhiên, khi trở nên giàu có hơn, cũng không đơn giản để bạn có thể "mua" được hạnh phúc nhiều hơn.

Đừng quá lưu tâm vì những điều đó

Cuối cùng, mặc dù nhiều trong số những nghiên cứu này là về chi tiêu hơn là tiết kiệm, các nhà nghiên cứu vẫn đồng ý rằng chi tiêu nhiều hơn khả năng không thể đưa bạn đến một cuộc sống tốt đẹp. Hãy quan tâm đến những nhu cầu cơ bản đầu tiên, an toàn tài chính là rất quan trọng.

Giáo sư Gilovich cho biết, mặc dù nghiên cứu của ông cho thấy rằng kinh nghiệm sống cho ta hạnh phúc hơn của cải vật chất, con người tất nhiên vẫn cần mua những thứ thiết yếu trước. Phát hiện của ông vẫn đúng với các mức thu nhập và nhóm người khác nhau, nhưng không phải với người có thu nhập rất thấp. "Những người này không thực sự có nhiều sự lựa chọn với thu nhập bởi hầu hết trong số đó đã được dùng cho những vật phẩm thiết yếu.”

Một số nghiên cứu cũng chỉ ra rằng nợ có ảnh hưởng xấu tới hạnh phúc, trong khi tiết kiệm và an toàn tài chính có xu hướng thúc đẩy sự hạnh phúc hơn. Một cuộc khảo sát các hộ gia đình người Anh cho thấy những người nợ nhiều hơn cảm thấy ít hạnh phúc hơn và một phần nghiên cứu riêng trên các cặp vợ chồng cho thấy, những cặp vợ chồng nợ cao hơn có xung đột trong hôn nhân nhiều hơn.

"Tiết kiệm là tốt cho hạnh phúc; nợ có hại cho hạnh phúc. Nhưng nợ xấu có hại nhiều hơn so với cái tốt từ tiết kiệm ". Ông Dunn cũng cho biết thêm: "Từ góc độ hạnh phúc mà nói, thoát khỏi nợ là điều quan trọng hơn cố gắng tiết kiệm."

Vì vậy, trước khi bạn đi ra ngoài và dành tất cả tiền của bạn trên một kỳ nghỉ mơ ước, chắc chắn rằng bạn đã chăm sóc hết các nhu cầu thiết yếu, trả hết nợ, và có đủ tiền để trang trải cho những biến cố không may của cuộc sống.

"Điều đầu tiên bạn nên làm với tiền của mình là xây dựng một kế hoạch tài chính an toàn. Nếu đi vào nợ nần để mua cho mình những kinh nghiệm cuộc sống tuyệt vời, những căng thẳng khi nhận các hóa đơn thẻ tín dụng sẽ thổi bay những điều tốt đẹp mà kinh nghiệm đem lại. "

Thanh Hương (biên dịch)

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến