Tin liên quan
Trong một báo cáo sáng nay, IMF viết rằng Ảrập Xêút cùng Bahrain và Oman đang đứng trước nguy cơ cạn kiệt dự trữ ngoại hối trong vòng 5 năm tới. Trong khi một số quốc gia khác như Kuwait, Qatar và UAE có thể trụ được tới 20 năm nhờ cơ cấu kinh tế đa dạng hơn.
Ảrập Xêút đang lên kế hoạch cắt giảm chi tiêu trong bối cảnh nhà xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới đang cố gắng giảm thâm hụt ngân sách. Giới chức nước này liên tục trấn an thế giới rằng nền kinh tế nước này đủ mạnh để chống lại giá dầu thấp trong dài hạn.
Tuy nhiên IMF lo ngại rằng các chính sách tài chính mà Ảrập Xêút đang cân nhắc thực hiện không đủ quyết liệt để cân bằng được cán cân thanh toán trong trung và dài hạn:
“Nếu không có những bước đột phá trong hệ thống chính sách kinh tế, Ảrập Xêút có thể cạn sạch dự trữ ngoại hối trong vòng 5 năm tới nếu giá dầu giữ ở mức hiện tại”.
Nền kinh tế Ảrập Xêút hiện phụ thuộc tới 80% vào xuất khẩu dầu mỏ. Do vậy, giá dầu giảm sâu đã khiến dự trữ ngoại hối của nước này rơi xuống mức thấp nhất hai năm qua trong tháng 8 vừa rồi. Chính phủ nước này đã quyết định hoãn triển khai các dự án khai thác mới, đồng thời bán trái phiếu lần đầu tiên kể từ năm 2007.
Ghawar, mỏ dầu lớn nhất thế giới tại miền Đông Ảrập Xêút.
Thâm hụt ngân sách
IMF dự báo thâm hụt ngân sách của Ảrập Xêút sẽ lên mức 20% trong năm nay và 19,4% trong năm 2016.
“Các quốc gia có nguồn dự trữ ngoại hối tốt như Ảrập Xêút hoàn toàn có thể sử dụng nó để hỗ trợ các chính sách kinh tế nhằm cân bằng cán cân thanh toán trong ngắn hạn. Tuy nhiên họ vẫn cần phải theo đuổi một chính sách tài chính ổn định và vững chắc trong trung và dài hạn bởi giá dầu được dự báo sẽ còn duy trì ở mức thấp trong nhiều năm tới.”, IMF viết.
Dự trự ngoại hối của Ảrập Xêút giảm tháng thứ 7 liên tiếp xuống 654,5 tỷ USD trong tháng 8. Chính phủ này đã bán ra 14,7 tỷ USD trái phiếu trong năm nay nhằm giảm phụ thuộc vào dự trữ ngoại hối.
Do tỉ lệ nợ trên GDP của Ảrập Xêút vẫn ở mức rất thấp, chỉ 2% trong năm 2014, giới quan sát cho rằng giới chức nước này sẽ tăng mạnh phát hành nợ trong những năm tới. IMF dự báo con số này sẽ tăng lên mức 17% trong năm sau.
Giới phân tích cho rằng Oman và Bahrain thậm chí còn đứng trước những nguy cơ lớn hơn gã hàng xóm giàu có của họ khi giá dầu liên tục giữ ở mức thấp. Thị phần bị thu hẹp và không có nguồn dự trữ ngoại hối dồi dào khiến hai quốc gia này chỉ có cách duy nhất là phát hành thêm nợ.
IMF dự báo thâm hụt ngân sách của Oman sẽ tăng lên 17,7% trong năm nay và 20% trong năm sau. Con số với Bahrain là lần lượt 14,2% và 13,9%.
Ảrập Xêút là quốc gia xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới, là thành viên lớn nhất trong Tổ chức Các nước Xuất khẩu dầu mỏ OPEC. Tổ chức này dưới sự lãnh đạo của Ảrập Xêút đã kiên quyết giữ nguyên sản lượng mặc dù dư cung ở mức cao đã kéo dài nhiều tháng qua, qua đó gây sức ép tới các nhà cung cấp ngoài OPEC, đặc biệt nhắm tới triệt hạ ngành công nghiệp dầu đá phiến Mỹ.
Chiến lược này của OPEC đã bước đầu thành công khi giá dầu thấp bắt buộc các công ty dầu lửa ở Mỹ phải đóng cửa hơn một nửa số lượng giàn khoan, qua đó khiến sản lượng của Mỹ giảm 500 nghìn thùng/ ngày từ mức đỉnh 9,61 triệu thùng/ ngày hồi tháng 6.
Nghi Điền
Nên đọc
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy