Dòng sự kiện:
Bắc Kinh muốn gì ở Trung Đông?
02/02/2016 16:45:09
ANTT.VN – Nền kinh tế tăng trưởng nhanh chóng trong 2 thập kỉ qua yêu cầu Trung Quốc phải tìm kiếm những thị trường mới, đồng thời đảm bảo một nguồn cung năng lượng ổn định…

Tin liên quan

Lãnh tụ tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei tiếp đón Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Tehran, Iran, 23/01/2016. Ảnh: Reuters

Ngày 23/01, Chủ tịch Trung Quốc Tập  Cận Bình đặt chân tới Tehran, trở thành nguyên thủ quốc gia đầu tiên trên thế giới viếng thăm Iran kể từ sau khi nước này được dỡ bỏ lệnh cấm vận liên quan tới vấn đề hạt nhân.

Trong cuộc gặp thượng đỉnh giữa hai bên, ông Tập nói rằng Trung Quốc muốn mở ra một chương mới trong mối quan hệ với quốc gia Trung Đông. Ở chiều ngược lại, Lãnh tụ tối cao Iran khẳng định: “Tehran sẽ không bao giờ quên sự hợp tác với Bắc Kinh trong những năm bị cấm vận vừa qua”.

Giới lãnh đạo Trung Quốc vốn nổi tiếng với sự khôn ngoan trong chính sách ngoại giao của mình, bao gồm cả việc chọn thời điểm cho những chuyến công du. Lần này cũng vậy, khi mà Iran vừa được dỡ bỏ chính sách bao vây, và khi mà Mỹ cùng Nga đang ngày càng lún sâu vào cuộc tranh chấp ảnh hưởng không có hồi kết ở Syria, thì các quốc gia còn lại trong khu vực, đang hơn lúc nào hết, cần Trung Quốc.

Chuyến công du Trung Đông của ông Tập, bao gồm cả Ai Cập và Ảrập Xêút, nằm trong tham vọng mở rộng ảnh hưởng của Bắc Kinh tại Tây Á. Trung Quốc có thể không can dự nhiều vào địa cục chính trị tại khu vực này như các cường quốc khác, tuy nhiên ảnh hưởng ngày càng tăng lên của Bắc Kinh là không thể phủ nhận. Sau khi Nga đưa quân vào Syria, chuyến thăm Trung Đông lần này cho thấy Trung Quốcđã sẵn sàng thách thức vị thế số 1 của Mỹ tại khu vực, vốn tồn tại suốt hàng thập kỉ qua.

Có thể nói đây không thể là một thời điểm phù hợp hơn để Bắc Kinh bảy tỏ thiện chí của mình với các lãnh đạo Trung Đông.

Tham vọng của Bắc Kinh

Không mấy hứng thú với tranh giành ảnh hưởng địa chính trị như các cường quốc khác, mối quan tâm lớn nhất của Bắc Kinh tại Trung Đông là thương mại, đặc biệt là nguồn năng lượng vô tận ở khu vực này.

Trung Quốc chưa bao giờ bớt ảm ảnh thiếu hụt năng lượng trong suốt hơn hai thập kỉ phát triển với tốc độ chóng mặt qua. Nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới được dự đoán sẽ vượt Mỹ trở thành nhà tiêu thụ nhiên liệu số 1 vào năm 2030, với nhu cầu nhập khẩu dầu tăng từ 6 triệu thùng/ ngày hiện nay lên 13 triệu thùng/ ngày năm 2035. Trong chiến lược phát triển của Bắc Kinh, phần lớn số dầu này sẽ tới từ Trung Đông.

Chưa dừng lại ở đó, trong mắt Bắc Kinh, Trung Đông là một thị trường rộng lớn đầy tiềm năng đối với hàng hóa, vốn đầu tư và cả lao động Trung Quốc.

Bộ trưởng Ngoại giao Iran Mohammad Javad Zarif và người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị trong một cuộc họp báo tại Bắc Kinh, 15/09/2015. Ảnh: Reuters

Do vậy, trong số các thế lực can dự vào Trung Đông, Bắc Kinh hóa ra lại là bên mong muốn hòa bình nhất đến với khu vực này. Thứ trưởng Ngoại giao Zhang Ming đầu tuần khẳng định phát triển kinh kế là cách thức tối ưu để giải quyết các khác biệt trong khu vực.

“Bằng cách mở rộng trao đổi thương mại và đầu tư với các quốc gia Trung Đông, Bắc Kinh mong muốn sẽ dần xua tan nỗi ám ảnh xung đột trong khu vực”.

Đương nhiên sẽ chẳng đơn giản như vậy, nhất là khi mà xung đột ở Trung Đông hiện tại có sự tham gia, “giật dây” của những cường quốc hàng đầu thế giới, mà đối với họ, lợi ích kinh tế có chăng chỉ là thứ yếu.Ngoài ra, lời kêu gọi của Trung Quốc cũng bớt đi kha khá“trọng lượng”khi mà ngay trong lãnh thổ của mình - Tân Cương, khu vực được Bắc Kinh áp dụng chính sách tương tự, vẫn đầy rẫy bất ổn.

Trong lúc này, lợi ích quốc gia tăng lên bắt buộc Trung Quốc can dự ngày một sâu hơn hơn tới các vấn đề chính trị và quân sự trong khu vực.

Năm 2015, vai trò đáng kể của Trung Quốc trong tiến trình đàm phán về vấn đề hạt nhân với Iran có thể được giải thích rằng Bắc Kinh lo ngại một cuộc xung đột Mỹ - Iran hay Israel – Iran có thể đe dọa nguồn cung dầu qua eo biển Hormuz, khi có tới 52% lượng dầu nhập khẩu của Trung Quốc đi qua khu vực này.

Nhằm gia tăng ảnh hưởng, Bắc Kinh đã mở rộng hiện diện quân sự ở Trung Đông trong thời gian qua, từ triển khai khu trục hạm chống cướp biển cho tới tham dựtập trận chung với hải quân Nga ở Địa Trung Hải hồi tháng 5 năm ngoái. Trong cuộc diễn tập này, chiến đấu cơ Trung Quốc đã hạ cánh tiếp nhiên liệu ở Iran. Đây là đơn vị quân đội nước ngoài đầu tiên đặt chân xuống đất Iran kể từ Cách mạng Hồi giáo 1979.

Các cuộc xung đột ở Iraq, Libya hay Yemen cũng đang đe dọa hàng trăm nghìn lao động Trung Quốc làm việc trong khu vực. Năm 2011, Bắc Kinh đã phải sơ tán khẩn cấp 35.000 công dân khỏi Libya khi quốc gia Bắc Phi bị không kích bởi Mỹ và đồng minh, trong một chiến dịch phức tạp và tốn kém bậc nhất của Hải quân nước này kể từ khi được thành lập cách đây hơn nửa thế kỉ.

Đáng chú ý hơn cả phải kể tới kế hoạch thành lập căn cứ quân sự ở Djibouti, án ngữ luôn ngõ vào Biển Đỏ - con đường ngắn nhất nối Ấn Độ Dương và Đại Tây Dương, đây cũng sẽ là căn cứ quân sự ở nước ngoài đầu tiên của quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA).

Mặc dù “dính dáng” ngày một nhiều hơn tới khu vực, Trung Quốc lại luôn né tránh can thiệp vào các cuộc xung đột ở Trung Đông, cố gắng trung hòa sợi dây gắn kết với Israel, Iran cùng các quốc gia Ả rập khác.

Đối với các nước này, một mối quan hệ tốt đẹp với Bắc Kinh không chỉ đơn thuần mang tới lợi ích kinh tế, mà họ còn hi vọng tìm kiếm những hợp đồng mua bán vũ khí và chuyển giao công nghệ giá rẻ và không chịu ràng buộc về mặt chính trị (so với Mỹ và phương Tây). Cuối năm ngoái, khi Quốc hội Mỹ còn đang tranh cãi về việc có nên bán UAV có vũ trang cho Các Tiểu vương Quốc Ả rập Thống Nhất(UAE) hay không, thì Bắc Kinh đã nhanh chân đi trước một bước, chào hàng UAV Wing Long với giá “bèo” cho quốc gia Trung Á.

Vị trí chiến lược của Djibouti. Đồ họa: Britannica

Chọn ai, bỏ ai?

Tuy nhiên trong dài hạn, chiến lược “huề cả làng” của Bắc Kinh có thể sẽ phải thay đổi, nhất là trong bối cảnh Trung Đông ngày một phân hóa rõ rệt. Ngay thời điểm này, ông Tập cùng cộng sự có lẽ đang cảm thấy “khó thở” khi phải chứng kiến những đồng minh của mình đối đầu nhau. Bởi vậy, Bắc Kinh có lẽ sẽ phải sớm đưa ra những sự lựa chọn, cân nhắc thiệt hơn, mặc dù không phải là họ chưa từng làm trong quá khứ.

Năm 2011, nước này thông qua một nghị quyết của Liên Hiệp Quốc, chấp nhận không kích Lybia – được cho là thân Trung Quốc thời điểm đó, nhằm lấy lòng các nước Ả rập. Trong một động thái khác, Chủ tịch Tập năm ngoái đã hủy chuyến thăm cấp nhà nước đầu tiên tới Ảrập Xêút, sau khi Riyadh triển khai quân ở Yemen, với nỗi lo sợ sẽ làm mếch lòng Iran – kẻ thù không đội trời chung của Ảrập Xêút, mặc dù Trung Quốc khi đó rất muốn tăng cường quan hệ với nhà sản xuất dầu số 1 thế giới.

Với tình trạng phức tạp trong “bức tranh nhiều màu” tại Trung Đông hiện nay: Nội chiến Syria, thực chất là cuộc đối đầu giữa Nga - Iran và phương Tây; hay mối thù không đội trời chung giữa người Shiite và người Sunny, mà đại diện là Iran và Ảrập Xêút, lẽ dĩ nhiênlà Trung Quốc, không sớm thì muộn, sẽ phải gạch đi một vài cái tên trong danh sách “bạn bè Hồi giáo” của mình.

Câu hỏi đặt ra là nếu chỉ được chọn một đồng minh duy nhất trong khu vực, Bắc Kinh sẽ chọn ai?

Đáp án chỉ có thể là Tehran. So với các quốc gia khác, Iran có mối tương đồng về chiến lược đối ngoại lớn hơn cả, đồng thời cũng là bên có thể mang lại lợi ích kinh tế nhiều nhất cho Bắc Kinh. Quốc gia Tây Á có thể làm dịu nỗi ám ảnh năng lượng của Trung Quốc với trữ lượng dầu khổng lồ cùng vị thế ở eo biển Hormuz. Bên cạnh đó, trong trường hợp muốn giảm phụ thuộc vào nguồn cung nhiên liệu từ Nga, Trung Quốc hoàn toàn có thể xây dựng một đường ống dẫn khí nối hai nước qua Trung Á.

Ngoài ra, Tehran còn có thể giúp tăng cường ảnh hưởng của Bắc Kinh tại Trung Đông, bởi cả hai quốc gia đều có chung một mục tiêu chính trị là giảm bớt vị thế của Mỹ tại khu vực này. Trong bối cảnh như vậy, mặc dù Trung Quốc có thể được chào đón ở Ảrập Xêút hay Israel, thì cái mà những quốc gia này muốn lại không phải là một nước Mỹ yếu đi, họ cần Washington ở khu vực này để cân bằng với Iran và giờ đây là Nga.

Nói tóm lại, trong “ván bài” Trung Đông, Bắc Kinh gần như sẽ là kẻ chiến thắng (so với Nga và Mỹ). Tuy nhiên cái giá phải trả có thể sẽ không hề nhỏ, khi mà tất cả các “sợi dây” trong mối quan hệ chằng chéo của Trung Quốc với khu vực này đang căng hơn bao giờ hết. Bắc Kinh chọn ai, chịu mất ai ở Trung Đông có thể sẽ là diễn biến đáng quan tâm trong thời gian tới.

Dù sao thì các lãnh đạo Trung Đông vẫn nên nhớ câu nói này của người Trung Quốc: “Không có tình bạn vĩnh cửu, chỉ có lợi ích quốc gia là mãi mãi”.

Nghi Điền

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến