Dòng sự kiện:
Bài toán hóc búa về cổ tức khi lợi nhuận ngân hàng 'sụt giảm'
27/09/2017 08:18:15
Trong buổi trao đổi trao đổi với PV, Nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Cao Sĩ Kiêm đã đưa ra những quan điểm của về tình hình cổ tức ngân hàng trong thời điểm hiện nay.

Mùa ĐHCĐ sắp diễn ra và một trong những câu chuyện vẫn luôn được cổ đông quan tâm là cổ tức. Không chỉ các doanh nghiệp mà ngân hàng cũng rục tịch lên kế hoạch cho bài toán chia cổ tức. 

Hiện nay, lợi nhuận của hệ thống ngân hàng tại Việt Nam là thấp. Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), đến hết quý III/2016, tỷ lệ lợi nhuận trên tổng tài sản của cả hệ thống là 0,45% và tỷ lệ lợi nhuận trên vốn tự có  là 5,66%, khá thấp so với chuẩn mực thông thường thế giới, tương ứng là 1% và 10%. Với thực tế đó, việc chia cổ tức cho các cổ đông là bài toán hóc búa.

Nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước – Chuyên gia kinh tế Cao Sĩ Kiêm đã đưa ra đánh giá, tình hình cổ đông, cổ tức của các ngân hàng hiện nay so với thời điểm trước đây có sự giảm sút. Chỉ còn 1 vài ngân hàng còn giữ được sự phát triển vì nắm bắt được các khách hàng và giữ được nguồn vốn tốt. Việc các ngân hàng làm ăn không phát triển lợi nhuận cũng kéo theo sự giảm sút cổ tức của các nhà đầu tư.

“Một số ngân hàng lợi nhuận kém hoặc thua lỗ thì sẽ chia cổ tức rất thấp hoặc chia cổ tức bằng cổ phiếu chứ không có nhiều tiền mặt, đó là thực trạng chung của tình hình cổ tức các ngân hàng”.

Nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Cao Sĩ Kiêm đã nhận định về tình hình cổ tức

Chuyên gia Kiêm cũng phân tích vai trò của Ngân hàng Nhà nước trong giai đoạn Đại hội cổ đông, NHNN thể hiện chức năng quản lý khống chế các ngân hàng làm ít lợi nhuận nhưng chi nhiều vì điều đó sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi cổ đông.

“Việc làm ít, chi nhiều sẽ tạo ra việc ngân hàng thua lỗ lâu dài và sẽ bị ảnh hưởng đến những năm tiếp theo. Khi nhà nước khống chế mức “trả nợ tức” sẽ đảm bảo an toàn cho hệ thống ngân hàng và an toàn cho người gửi tiền, ở đây chính là các cổ đông. Đây là hành động mang ý nghĩa tích cực" – chuyên gia Kiêm nói.

Đánh giá về xu hướng đầu tư cổ đông vào lĩnh vực ngân hàng trong thời gian tới, chuyên gia Kiêm cho rằng, trong thời điểm hiện tại những nhà đầu tư cần tỉnh táo để đầu tư vào những ngân hàng mà có hiệu quả kinh doanh, lâu dài và chất lượng thực sự. Ngoài ra, quan trọng nhất là kiểm soát được việc cho vay chặt chẽ thì sẽ tránh được rủi ro, cổ tức sẽ luôn ở mức ổn định.

“Cần nâng cao vai trò quản lý nhà nước trên cơ sở là kết quả kinh doanh, tăng cường theo dõi những quá trình yếu kém, không đồng đều tạo nhiều rủi ro như hiện nay. Bên cạnh đó các cổ đông cần giám sát trong các ban kiểm soát trong ĐHCĐ hàng năm. Nếu nhận thấy ngân hàng không phù hợp thì có thể rút nguồn vốn và đầu tư vào kênh tài chính khác.”

Cũng nêu quan điểm về vấn đề trên, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, việc chia cổ tức cho các cổ đông là bài toán hóc búa. Thông thường, ngân hàng chia một nửa lợi nhuận hằng năm cho cổ đông, còn lại một nửa thì dùng để bổ sung vốn tự có. Nhưng nếu lợi nhuận thấp và cổ tức tính trên mỗi cổ phần đã thấp thì phải lấy cả lợi nhuận để trả cổ tức, khi đó thì lấy đâu ra tiền để bổ sung vốn tự có.

Ngược lại, nếu dùng số lợi nhuận ít ỏi để bổ sung vốn tự có thì đương nhiên khoản cổ tức đó đành phải “chờ đến năm sau”. Được biết, tình trạng cổ đông ngân hàng bị “treo” cổ tức kéo dài là không hiếm. Có một thực tế là tỷ lệ sinh lời của hệ thống ngân hàng tại Việt Nam quá thấp để trả cổ tức, thậm chí có ngân hàng còn lỗ, nên việc trả cổ tức là điều không thể. 

Theo báo cáo, sau 6 tháng đầu năm, 3 ngân hàng là BIDV, Vietcombank và  VietinBank có tổng tài sản vượt trên 1 triệu tỷ đồng. Tốc độ tăng tài sản nhanh đồng nghĩa với việc phải tăng vốn tự có nhanh để đảm bảo CAR không giảm dưới ngưỡng an toàn.

Tại Đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) 2017, một trong những mục tiêu quan trọng được đề ra trong năm của BIDV là tăng vốn điều lệ thêm 13%, từ mức 34.187 tỷ đồng lên 38.632 tỷ đồng. Phương án tăng vốn dự kiến gồm 3 đợt, trong đó, ngân hàng này sẽ phát hành cổ phiếu trả cổ tức 2016 khoảng 2.393 tỷ đồng, tương ứng tỷ lệ chi trả 7%. Ngoài ra, BIDV dự kiến phát hành cổ phiếu cho người lao động (ESOP) là 1.026 tỷ đồng và phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư 1.026 tỷ đồng với thời gian hạn chế chuyển nhượng cùng là 1 năm.

Cũng tại ĐHCĐ năm 2017, Vietcombank đã trình cổ đông về việc tăng vốn điều lệ năm 2017 thêm gần 3.600 tỷ đồng thông qua phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư chiến lược hoặc chào bán cổ phần ra công chúng, tương đương 10% vốn điều lệ hiện hành (35.977 tỷ đồng).

Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, vẫn chưa có thông tin gì thêm về việc tăng vốn của các ngân hàng này, ngoài việc công bố trả cổ tức năm 2016 bằng tiền mặt. Việc tìm kiếm nguồn vốn bổ sung của ngân hàng đang gặp khó, đặc biệt trong bối cảnh các nhà đầu tư nước ngoài không quá mặn mà góp vốn kinh doanh chung với các ngân hàng Việt, khi mà họ có thể tự kinh doanh dưới hình thức chi nhánh hoặc ngân hàng con 100% vốn.

Hải Đăng

 

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến