Dòng sự kiện:
Bán hàng giảm giá thành công, chủ đất lãi nhanh 2 tỷ đồng
20/02/2023 15:32:06
Lúc bán đất, chủ đất rao giá theo kiểu "cắt lỗ, cần tiền gấp, giảm giá sâu". Nhưng thực tế, bán với giá này, họ đã "chốt lãi" thành công.

Rao bán giảm giá, nhưng vẫn lãi cao

Ấp ủ kế hoạch đầu tư một chuỗi khu nghỉ dưỡng nhỏ ven đô, từ đầu năm, nhóm đầu tư của anh Nguyễn Đức Mạnh (ở Hà Nội) liên tục đi "săn" các mảnh đất vùng ven của Hà Nội và một số huyện của Hòa Bình. Theo anh, hiện nay, nhu cầu bán ra loại đất này trên thị trường khá lớn, nhưng giá thì cũng không hề giảm sâu so với thời điểm 1-2 năm trước.

Khoảng thời gian dịch Covid-19 bùng phát (năm 2020-2021), việc tìm kiếm các mảnh đất diện tích lớn (đa số là đất trồng cây lâu năm hoặc đất rừng sản xuất và chỉ có một ít đất thổ cư) có vị trí đẹp thường rất khó và giá cũng rất cao. Còn hiện tại, thị trường tràn ngập thông tin rao bán loại đất này. Tuy nhiên, những mảnh đất có vị trí đẹp, thích hợp làm nghỉ dưỡng thì giá vẫn rất cao.

"Một mảnh đất rộng gần 1.200m2 chỉ có 180m2 đất thổ cư tại huyện Chương Mỹ (Hà Nội) nhưng có vị trí bám hồ đang được chủ đất rao bán 9,6 tỷ đồng, tương đương khoảng 8 triệu đồng/m2. Họ khẳng định đang giảm giá rất sâu. Nhưng khi tìm hiểu, tôi được biết, mảnh đất này được chuyển nhượng cho chủ đất hiện tại năm 2020 với giá 6 tỷ đồng", anh Mạnh chia sẻ và khẳng định, nếu chỉ mất 2 năm mà chủ đất đã lãi hơn 2 tỷ đồng là "siêu" lợi nhuận.

Đất nền có vị trí phù hợp làm khu nghỉ dưỡng vẫn giữ mức cao, không hề giảm sâu như thông tin rao bán (Ảnh minh họa: Hà Phong).

Anh Mạnh cũng cho biết thêm, giá đất nền diện tích lớn tại một số huyện của Hòa Bình cũng không giảm so với đầu năm 2022. Đất tại một số huyện Tân Lạc, Kim Bôi, Lạc Thủy có giá dao động từ vài trăm nghìn đồng đến 2 triệu đồng/m2, tùy vào vị trí. Riêng đất ở huyện Lương Sơn có giá cao vượt trội, từ 1-5 triệu đồng/m2.

Theo anh Trần Quang Huy - một môi giới nhà đất ở Hòa Bình, thời điểm dịch bệnh bùng phát, trung bình mỗi tuần, anh dẫn tới 3-5 đoàn khách đi xem đất. Thời điểm tốt, có tháng, môi giới này thực hiện 10 giao dịch mua - bán thành công.

"Nhu cầu lớn khiến giá đất ở Hòa Bình cũng tăng nhanh, cá biệt cả đất rừng sản xuất cũng tăng theo. Đối với đất nền có thổ cư, giá đất sẽ cao hơn và tăng giá cũng nhanh hơn", anh Huy cho biết.

Tuy nhiên, theo anh Huy, từ khoảng tháng 4 năm ngoái, thị trường đất nền ở Hòa Bình rơi vào trầm lắng, rất ít giao dịch. Nhưng giá thì chỉ giảm ở một số mảnh mà chủ đất khó khăn về tài chính. Còn đất có vị trí đẹp vẫn giữ giá và nhiều chủ đất vẫn rao bán gồm cả một khoản lãi trong thời điểm này.

Theo khảo sát của Dân trí, hiện giá đất nền diện tích lớn gồm đất ở, đất trồng cây lâu năm hoặc có cả đất rừng sản xuất đang được rao bán nhiều trên thị trường. Do diện tích lớn, giá các mảnh đất nền này cũng dao động từ vài tỷ đồng đến hàng chục tỷ đồng.

Tại Hà Nội, đất nền diện tích từ 500m2 đến vài nghìn m2 tại một số vùng ven như Ba Vì, Quốc Oai, Chương Mỹ, Sóc Sơn…, đang có giá bán 1-7 triệu đồng/m2. Giá của đa số các mảnh đất này có sự đi ngang, có khi còn cao hơn so với thời điểm đầu năm 2022, chỉ một số ít là giảm do vị trí xấu và giá mua trước đó quá cao.

Thận trọng pháp lý

Theo ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, thời gian qua, khi xảy ra "sốt đất", ở nhiều địa phương đã xuất hiện hiện tượng rao bán đất không phù hợp với quy định pháp luật như: Đất rừng, đất ruộng, vườn... Nhiều môi giới, thậm chí là người dân đã tự phát rao bán đất rừng, đất vườn có sổ đỏ hoặc không sổ đỏ.


Không ít mảnh đất diện tích lớn đang được rao bán gồm cả đất rừng sản xuất, đất nông nghiệp (Ảnh minh họa: Hà Phong).

Nhiều mảnh đất rừng ăn theo "sốt đất" cũng tăng giá để bẫy những nhà đầu tư non kinh nghiệm. Theo ông Đính, việc rao bán đất rừng tràn lan dẫn đến rất nhiều các hệ lụy như "sốt đất" ảo, xây dựng trái phép, lừa đảo người dân khiến thị trường phát triển thiếu bền vững.

"Nếu người dân tự ý phân lô đất nông nghiệp, đất rừng để xây dựng trái phép các cơ sở lưu trú du lịch và hoạt động kinh doanh du lịch mà chưa được phê duyệt dự án, chưa chuyển đổi mục đích sử dụng đất thành đất thương mại, dịch vụ, thì Nhà nước cần phải xử lý kịp thời, tránh hệ lụy mất đất rừng, xẻ núi như những bài học đã diễn ra trước đó", ông Đính cho hay.

Còn theo luật sư Nguyễn Thanh Tùng (đoàn luật sư TP Hà Nội), dù ở thời điểm nào, khi tham gia vào giao dịch bất động sản, việc đầu tiên cần làm vẫn là xem xét cơ sở pháp lý của sản phẩm và giao dịch đó. Nếu nhà đầu tư chủ quan bỏ qua yếu tố pháp lý thì rất dễ mất trắng, cho dù khu đất đó thực sự có tiềm năng nhưng nếu là tài sản vi phạm thì nó cũng không thuộc về người mua.

Tác giả: Hà Phong

Theo: Dân Trí
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến