Hiện nay, Bộ này đang đề xuất cắt giảm 41,3% tổng số ĐKKD. Điều mong mỏi của DN là việc cắt giảm cần thực chất.
Lấy một trường hợp cụ thể như cấp phép thầu cho nhà thầu nước ngoài theo Thông tư số 14/2016/TT-BXD (ban hành vào tháng 7/2016) của Bộ Xây dựng dựa trên Nghị định số 59/2014/NĐ-CP. Đại diện một nhà thầu nước ngoài đặt vấn đề: Nếu nhà thầu đã đáp ứng bước chọn thầu của chủ đầu tư rồi thì có cần một cơ quan khác cấp phép với những nội dung xem xét lặp lại?
Thắc mắc cấp phép thầu ngoại
Nhà thầu này cũng băn khoăn là dù nhà thầu có đáp ứng năng lực hay không là bước xem xét của chủ đầu tư, thì việc cấp phép nhà thầu ngoại liệu chỉ là một thủ tục xem lại về năng lực, kinh nghiệm của nhà thầu?
Mới đây, khi đóng góp ý kiến về việc xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản (BĐS), Luật Quy hoạch đô thị, Bộ KH&ĐT cũng lưu ý về vấn đề cấp phép với nhà thầu nước ngoài.
Theo đề nghị của Bộ KH&ĐT, nên bỏ quy định tại Khoản 2 Điều 148 Luật Xây dựng quy định nhà thầu là tổ chức, cá nhân nước ngoài hoạt động xây dựng tại Việt Nam phải được cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng cấp giấy phép hoạt động.
Bởi lẽ, khi nhà thầu nước ngoài tham dự thầu gói thầu sử dụng vốn nhà nước tại Việt Nam và được công nhận trúng thầu thì đã được đánh giá đáp ứng yêu cầu về tư cách hợp lệ, năng lực, kinh nghiệm, kỹ thuật.
Thông qua việc đánh giá của tổ chuyên gia và quá trình thẩm định, phê duyệt của chủ đầu tư thì nhà thầu trúng thầu hoàn toàn có đủ điều kiện để thi công gói thầu.
Cũng theo Bộ KH&ĐT, sau khi được công nhận trúng thầu và ký kết hợp đồng với chủ đầu tư, nhà thầu có trách nhiệm thi công công trình theo hợp đồng đã ký kết. Do đó, việc cấp phép cho nhà thầu nước ngoài trong trường hợp này là không cần thiết, làm phát sinh thủ tục hành chính, gây khó khăn cho nhà thầu.
Hơn nữa, việc cấp phép thầu đơn thuần chỉ mang tính chất thủ tục hành chính, làm phát sinh chi phí, dễ dẫn đến cơ chế “xin – cho” và nhà thầu sẽ phân bổ các chi phí này vào giá dự thầu, làm giá dự thầu tăng, gây lãng phí.
Ngoài ra, việc cấp phép thầu chỉ mang tính hình thức, vì sau khi ký hợp đồng, nếu nhà thầu không vi phạm các thỏa thuận trong hợp đồng thì việc không cho nhà thầu thực hiện hợp đồng thông qua việc không cấp phép là không phù hợp.
Tổ chức, cá nhân nước ngoài hoạt động xây dựng tại Việt Nam phải được cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng cấp giấy phép hoạt động
Luật cần thống nhất
Trong khi đó, sau khi tiếp thu đề nghị này, theo lý lẽ của Bộ Xây dựng, việc cấp phép đối với nhà thầu nước ngoài là phù hợp với thông lệ quốc tế. Mỗi nước có những quy định khác nhau đối với công tác quản lý nhà thầu nước ngoài, nhưng đều có quy định chung là khi nhà thầu nước ngoài tham gia hoạt động xây dựng đều phải đăng ký để được xét cấp giấy phép hoặc chứng nhận thầu.
Cũng có ý kiến bảo vệ quan điểm cấp phép nhà thầu ngoại vì đó là điều kiện cần để bảo vệ thị trường xây dựng trong nước, đảm bảo việc làm cho các DN trong nước, hạn chế dòng tiền chảy ra nước ngoài, mà các nước đều có quy định, nhất là khi mỗi năm có khoảng 150 lượt nhà thầu ngoại vào Việt Nam thực hiện các công trình xây dựng.
Trong số đó, khoảng 10% số nhà thầu thực hiện các gói thầu có vốn nhà nước theo hình thức đấu thầu quốc tế, mà chủ yếu là các dự án sử dụng vốn vay (ODA). Còn khoảng 90% số nhà thầu ngoại thực hiện các công trình vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và các công trình không phải vốn nhà nước.
Từ đó, có thể thấy đề xuất bỏ cấp phép nhà thầu ngoại vẫn còn chưa ngã ngũ, dù mới đây, Bộ Xây dựng đề xuất xây dựng một “siêu Nghị định” nhằm bãi bỏ 41,3% tổng số ĐKKD, đơn giản hóa 43,7% ĐKKD và giữ nguyên 15% ĐKKD.
Tuy nhiên, Bộ này cũng nhìn nhận ở một số quy định trong ngành xây dựng chưa có sự thống nhất với Luật Đầu tư và Luật DN. Chẳng hạn, Luật Đầu tư năm 2014 và Luật DN năm 2014 không còn quy định về vốn pháp định của DN khi thành lập. Trong khi đó, Luật Kinh doanh BĐS lại quy định về vốn pháp định. Điều này rõ ràng là chưa phù hợp với hai luật trên.
Hoặc như quy định tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ môi giới BĐS phải thành lập DN và phải có ít nhất 2 người có chứng chỉ hành nghề môi giới BĐS (khoản 1 Điều 62 Luật Kinh doanh BĐS).
Trong khi đó, Luật DN năm 2014 quy định khi thành lập DN thì chưa cần phải có yêu cầu về điều kiện kinh doanh, chỉ khi DN hoạt động kinh doanh trong các ngành nghề có điều kiện thì mới cần phải có điều kiện kinh doanh cụ thể.
Được biết, hiện nay, Bộ KH&ĐT đang lấy ý kiến xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư, Luật DN, trong đó có nội dung sửa đổi danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.
Do đó, Bộ này đề nghị Bộ Xây dựng không quy định nội dung sửa đổi, bổ sung một số điều tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của của Luật Xây dựng, mà sẽ quy định tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư, Luật DN.
Phía Bộ Xây dựng tiếp thu đề nghị này nhưng cũng lưu ý là cần thống nhất thời điểm có hiệu lực của hai luật (Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư, Luật DN) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh BĐS, Luật Quy hoạch đô thị.
Theo Thời báo Kinh Doanh
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy