Dòng sự kiện:
Ban quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế không quá 4 phó ban
03/12/2014 10:10:21
ANTT.VN – Liên Bộ Kế hoạch và Đầu tư – Bộ Nội vụ vừa đưa ra dự thảo thông tư liên tịch hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức Ban quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế.

Tin liên quan

Theo đó, về cơ cấu tổ chức và biên chế, Ban quản lý có trưởng ban và không quá 3 phó trưởng ban; đối với Ban quản lý được xếp hạng I theo quy định tại thông tư số 36/2005/TT-BNV ngày 6/4/2005 của Bộ Nội vụ, số lượng phó trưởng ban không quá 4.

Trong kỳ họp QH vừa qua Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình thừa nhận: bổ nhiệm nhiều cấp phó gây lãng phí cho ngân sách

Trường hợp Ban quản lý được thành lập trên cơ sở sáp nhập Ban quản lý khu công nghiệp với Ban quản lý khu kinh tế và một số trường hợp đặc thù khác, UBND cấp tỉnh xin ý kiến Bộ Nội vụ về số lượng phó trưởng ban.

Trưởng Ban quản lý là người đứng đầu Ban quản lý, chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh và trước pháp luật về toàn bộ hoạt động của Ban quản lý, chịu trách nhiệm báo cáo công tác trước Hội đồng nhân dân tỉnh, UBND tỉnh và Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Phó trưởng Ban quản lý là người giúp trưởng ban, chịu trách nhiệm trước trưởng ban và trước pháp luật về các nhiệm vụ được phân công; khi trưởng ban vắng mặt, một phó trưởng ban được trưởng ban ủy quyền điều hành các hoạt động của Ban quản lý.

Việc bổ nhiệm, bổ nhiệm lại trưởng ban và phó trưởng an do Chủ tịch UBND tỉnh quyết định theo quy định của pháp luật.

Việc điều động, luân chuyển, khen thưởng, kỷ luật, miễn nhiệm, cho từ chức, nghỉ hưu và thực hiện các chế độ chính sách khác đối với trưởng ban, phó trưởng ban do Chủ tịch UBND tỉnh quyết định theo quy định của pháp luật.

Về cơ cấu tổ chức, liên Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra 2 phương án. Theo đó, phương án 1, dự thảo đề xuất gồm: Các phòng chuyên môn nghiệp vụ; phòng chức năng tổng hợp; văn phòng; các đơn vị trực thuộc bao gồm: Công ty phát triển hạ tầng khu công nghiệp, Trung tâm hỗ trợ, đầu tư cung cấp dịch vụ, các đơn vị sự nghiệp khác theo yêu cầu quản lý nhà nước về khu công nghiệp, khu kinh tế.

Căn cứ vào tính chất, đặc điểm và yêu cầu quản lý nhà nước đối với khu công nghiệp, khu kinh tế trên địa bàn, trưởng ban quản lý chủ trì, phối hợp với giám đốc Sở Nội vụ trình chủ tịch UBND tỉnh quyết định số lượng và tên gọi cụ thể của các phòng chuyên môn, nghiệp vụ; quyết định thành lập các đơn vị, sự nghiệp trực thuộc. Số lượng phòng chuyên môn, nghiệp vụ tối đa không quá 6 và không nhất thiết Ban quản lý phải có đủ các đơn vị sự nghiệp nêu tại Điều này.  

Phương án 2 được nêu trong dự thảo như sau, các phòng chuyên môn, nghiệp vụ, bao gồm: phòng quản lý đầu tư; phòng quản lý doanh nghiệp; phòng quản lý lao động; phòng quản lý môi trường; phòng quản lý quy hoạch xây dựng; phòng quản lý thương mại và xuất nhập khẩu.

Phòng có chức năng tổng hợp; văn phòng; các đơn vị trực thuộc, bao gồm: Công ty phát triển hạ tầng khu công nghiệp, trung tâm hỗ trợ đầu tư, cung cấp dịch vụ, các đơn vị, sự nghiệp khác theo yêu cầu quản lý nhà nước về khu công nghiệp, khu kinh tế.

Căn cứ vào tính chất, đặc điểm và yêu cầu quản lý nhà nước đối với khu công nghiệp, khu kinh tế trên địa bàn, trưởng ban chủ trì, phối hợp với Giám đốc Sở Nội vụ trình Chủ tịch UBND tỉnh quyết định số lượng các phòng chuyên môn, nghiệp vụ…

Các Ban quản lý phải tổ chức, thành lập bộ phận “một cửa” để làm đầu mối tiếp nhận, xử lý các thủ tục hành chính cho nhà đầu tư trong khu công nghiệp, khu kinh tế và các tổ chức, cá nhân có liên quan khác.

Trong trường hợp khu công nghiệp, khu kinh tế nằm xa trụ sở Ban quản lý và nhu cầu hỗ trợ về thủ tục hành chính lớn, Ban quản lý thành lập văn phòng đại diện tại khu công nghiệp, khu kinh tế…

Theo dự thảo, Thông tư liên tịch sẽ có hiệu lực thi hành từ 1/1/2015.

Kiều Chinh
Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến