Dòng sự kiện:
Cứu sống bé sơ sinh bị tràn khí màng phổi và hít ối phân su
20/03/2019 10:09:53
Sau ca đẻ thường kéo dài, em bé bị tràn khí màng phổi và hít ối phân su (trẻ hít phải nước ối có chứa phân su) vào phổi khiến lâm vào cơn nguy kịch. Sau nhiều nỗ lực của các y, bác sĩ, sức khoẻ cháu bé đã ổn định.

Bé trai Lê Ngọc Hải Quân được sinh thường tại Bệnh viện đa khoa huyện Thọ Xuân (Thanh Hóa) vào lúc 10h30 ngày 27/2. Sau ca chuyển dạ kéo dài của người mẹ là chị Lê Thị Nguyệt (SN 1988) trú xã Thọ Hải, huyện Thọ Xuân, cháu bé sinh ra trong tình trạng suy hô hấp, khó thở tím tái, rất nguy kịch.

Chị Nguyệt cho biết, sau khi sinh xong, vì sức khỏe của cháu quá yếu nên được đưa vào khoa Nhi cấp cứu. Tình hình nguy cấp, chiều cùng ngày, bé được chuyển tuyến xuống Bệnh viện Nhi Thanh Hóa.

Thông tin từ Bệnh viện Nhi Thanh Hóa cho biết, bé Quân được nhập viện lúc 13h30 ngày 27/2 trong tình trạng bóp bóng qua NKQ, tím tái toàn thân, mạch yếu, lồng ngực dô, cơ thể nhuộm đầy phân su. Ngay lập tức bé được cấp cứu đặt lại NKQ, thở máy cao tần HFO. Qua cấp cứu và đánh giá sơ bộ, các bác sĩ nghi ngờ em bé bị tràn khí màng phổi sau cuộc đẻ kéo dài và hít phải dịch ối lẫn phân su vào phổi. Kết quả chụp XQ cấp cứu cho thấy, hình ảnh tràn khí màng phổi phải với toàn bộ nhu mô phổi bị chèn ép. Ngay lập tức các bác sĩ tiến hành mở lồng ngực để hút và đặt dẫn lưu khí.

Hình ảnh chụp XQ cháu bé lúc nguy kịch

Sau cuộc thủ thuật an toàn, bé trai được hồi sức tiếp tục với thở máy cao tần HFO, dẫn lưu khí, an thần. Đến 16h ngày 27/2, bệnh nhi diễn biến nặng, khí dẫn lưu tiếp tục ra với số lượng nhiều hơn, bên cạnh đó xuất hiện những cơn tăng áp động mạch phổi liên tục.

Trước tình trạng bệnh nhi nặng, lại đang phải dẫn lưu khí màng phổi không cho phép chuyển lên tuyến trên, toàn bộ các bác sĩ của khoa Hồi sức tích cực sơ sinh Bệnh viện Nhi được triệu tập cùng bàn bạc với gia đình và thống nhất để cháu bé lại tiếp tục hồi sức cho bé.

Đứng trước tình huống này, ban lãnh đạo khoa đã xin ý kiến của lãnh đạo bệnh viện can thiệp tối đa để cứu sống bệnh nhân. Em bé tiếp tục được sử dụng phác đồ bơm Curosurf (một chất hoạt dịch có tác dụng tăng khả năng giãn nở của các phế nang thường gặp ở trẻ đẻ non. Nhưng trong trường hợp này là các chất hoạt dịch này bị nước ối lẫn phân xu phá hủy).

Bên cạnh đó trẻ được sử dụng 4 loại thuốc vận mạch khác nhau nhằm tăng khả năng co bóp của cơ tim. Trong đó phải đặc biệt kể đến Ilomidin là một thuốc có tác dụng giãn mạch chọn lọc trên phổi, giúp tăng khả năng trao đổi khí của các phế nang ở phổi. Cùng với đó là sự chăm sóc và hồi sức tích cực của các y bác sĩ.

Sức khỏe cháu bé đã phục hồi

Theo bác sĩ tại Bệnh viện Nhi Thanh Hóa, để cấp cứu ca này rất khó vì vừa ngoại, nội và dùng nhiều thuốc quý hiếm, thậm chí đôi khi không dám dùng vì đắt và khả năng thành công không cao.

Sau 11 ngày nỗ lực điều trị, bé Quân đã có thể cai được máy thở và ăn được. Đến ngày thứ 21, em bé đã khỏe mạnh hoàn toàn và có thể xuất viện về nhà. Đây là một kì tích không chỉ đối với các y bác sĩ viện Nhi mà còn là niềm hạnh phúc vô bờ đối với gia đình bệnh nhi.

Chị Lê Thị Nguyệt xúc động cho biết: “Hiện tại cháu bé đã khỏe mạnh bình thường, bú sữa mẹ tốt. Gia đình chúng tôi vô cùng hạnh phúc, không ngờ kì tích lại đến với con tôi. Những ngày sau sinh thật sự là quãng thời gian khó khăn và có lúc đã tưởng như tuyệt vọng không thể cứu được con nữa. Nhờ sự giúp đỡ của các y, bác sĩ Bệnh viện Nhi, nên con tôi mới có cơ hội được khỏe mạnh trở lại, tôi rất biết ơn. Hôm nay (20/3) tôi sẽ đưa con xuất viện về nhà”.

Lương Diễn

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến