Như PV đã phản ánh về tình trạng thiết bị y tế cũ kỹ, vật tư, thuốc men thiếu thốn, máy chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện Giao thông - Vận tải Hải Phòng thường xuyên trục trặc khi đang lọc máu cho người bệnh.... Trong khi đó, nhiều bác sĩ, y tá của bệnh viện lại đồng loạt xin nghỉ việc do bị nợ lương và các chế độ bảo hiểm, phụ cấp trong nhiều tháng. Đằng sau câu chuyện về thiết bị y tế, chất lượng khám, chữa bệnh và đảm bảo quyền lợi của người lao động là bài toán về tự chủ bệnh viện đang làm đau đầu các nhà quản lý.
Mặc dù vào giờ cao điểm nhưng số người bệnh đến khám, chữa bệnh tại BV Giao thông - Vận tải Hải Phòng khá vắng vẻ.
Ngày 19/6 vừa qua, hàng chục bác sỹ, y tá của Bệnh viện Giao thông - Vận tải Hải Phòng đồng loạt gửi đơn xin nghỉ việc sau nhiều tháng đi làm mà không được nhận lương và các chế độ bảo hiểm, phụ cấp nghề nghiệp theo quy định. Theo phản ánh của các y, bác sĩ tại đây: năm 2019, bệnh viện đã từng nợ lương của cán bộ, nhân viên; đến cuối năm đã thanh toán hết; Vậy nhưng sang năm 2020, tình trạng nợ lương lại tiếp tục tái diễn, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của các y, bác sĩ bệnh viện.
Bác sĩ N.H.H, người từng gắn bó nhiều năm với Bệnh viện Giao thông Vận - tải Hải Phòng, cho biết các cán bộ, nhân viên Bệnh viện Giao thông – Vận tải (BV) đã gửi đơn kiến nghị lên Cục Y tế Giao thông - Vận tải và Bộ Giao thông - Vận tải về tình trạng này nhưng không nhận được hồi âm; cực chẳng đã, 32 bác sĩ, người lao động của BV mới phải làm đơn xin nghỉ việc tự túc. “Hết tháng 6 này là nợ 4 tháng. Ngoài lương, các chế độ khác như: bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm, mới đóng hết tháng 2/2020; các chế độ như phụ cấp nghề, tiền trực cũng không thanh toán. Tất cả cán bộ, công nhân viên của bệnh viện rất tâm huyết nhưng lãnh đạo bệnh viện không đảm bảo được quyền lợi cho anh em nên rất khó”.
Ban lãnh đạo BV chưa kịp xét duyệt, có ý kiến về 32 trường hợp xin nghỉ việc thì sáng ngày 22/6, 18 trường hợp trong số này tự ý nghỉ việc, khiến nhiều phòng, khoa chuyên môn của bệnh viện gần như "tê liệt". Để đảm bảo nhiệm vụ khám, chữa bệnh cho bệnh nhân, Cục Y tế Giao thông - Vận tải đã phải tăng cường một số bác sĩ của các bệnh viện trong ngành hỗ trợ Bệnh viện Giao thông - Vận tải Hải Phòng.
Người dân đến khám, chữa bệnh tại BV Giao thông - Vận tải Hải Phòng chủ yếu là khám bệnh theo bảo hiểm y tế, khám bệnh thuyền viên, lái xe.
Bác sĩ Chuyên khoa II Bùi Hữu Hoàng, Giám đốc Bệnh viện Giao thông Vận tải Hải Phòng thừa nhận có tình trạng nợ lương tại bệnh viện do mất cân đối thu chi. Từ năm 2019, Bệnh viện Giao thông Vận tải Hải Phòng được giao tự chủ về tài chính nhưng với một cơ sở y tế hạng 3 như Bệnh viện Giao thông - Vận tải Hải Phòng lại gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt, trong những tháng đầu năm nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, số bệnh nhân đến khám và điều trị rất ít; nhiều hợp đồng dịch vụ của bệnh viện cũng phải tạm dừng; vì vậy, nguồn thu của bệnh viện càng bị cắt giảm, không đủ để trả lương và phụ cấp cho cán bộ, công nhân viên.
Bác sĩ Bùi Hữu Hoàng cho biết, thời gian tới, cùng với việc thay đổi phương pháp quản lý, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh để thu hút người bệnh, bệnh viện Giao thông – Vận tải Hải Phòng sẽ triển khai nhiều dịch vụ mới, tạo thêm các nguồn thu: “Bệnh viện đang phát triển rộng công tác khám chữa bệnh định kỳ, khám chữa bệnh nghề nghiệp, thuyền viên, lái xe, công tác y tế doanh nghiệp, các mảng dịch vụ... Về mặt chuyên môn, bệnh viện cũng hợp tác với một số bệnh viện lớn và một số đối tác có uy tín để huy động nguồn lực xã hội hóa; thực hiện nhiều kĩ thuật mới, nâng cao chất lượng điều trị, tăng chỉ số hấp dẫn của bệnh viện”.
Ngay sau khi hàng chục bác sỹ, y tá của Bệnh viện nghỉ việc, Cục Y tế Giao thông - Vận tải đã thành lập đoàn kiểm tra do ông Phạm Thành Lâm, Phó Cục trưởng làm trưởng đoàn, kiểm tra toàn diện bệnh viện. Đoàn kiểm tra đã đối thoại, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của các y, bác sĩ có đơn xin nghỉ việc và đưa ra phương án: chậm nhất đến ngày 10/7, Cục Y tế GTVT sẽ trả một phần lương cho cán bộ, công nhân viên bệnh viện. Ngày 23/6, tất cả các trường hợp xin nghỉ việc tự túc tại Bệnh viện Giao thông Vận tải Hải Phòng đã quay trở lại làm việc.
Không nhiều bệnh nhân lựa chọn điều trị, lưu trú tại bệnh viện Giao thông - Vận tải Hải Phòng; nhiều phòng trong các khoa điều trị của bệnh viện "cửa đóng then cài".
Ông Phạm Thành Lâm cho biết: “Với tư cách quản lý Nhà nước, Cục và Bộ đã nhận được đơn thư và thành lập đoàn thanh tra, xác minh đúng-sai và có giải pháp khắc phục. Trên tinh thần của tôi là không có vùng cấm, sai đến đâu, chúng ta phải xử lý; nếu cái sai có tính chất trầm trọng, liên quan đến sinh mệnh người bệnh hay đời sống công nhân viên do có dấu hiệu tham nhũng hay do vấn đề xã hội thì chúng tôi sẽ làm triệt để”.
Để hoạt động ổn định và vững vàng khi được giao cơ chế tự chủ tài chính, đằng sau việc chú trọng nâng cấp trang thiết bị y tế, đảm bảo quyền lợi cho người lao động là câu chuyện về thái độ phục vụ người bệnh, là sự chủ động trong đổi mới quản lý, mở rộng dịch vụ, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh nhằm thu hút người bệnh. Đây là vấn đề không chỉ BV Giao thông – Vận tải Hải Phòng mà các bệnh viện khác, nhất là các bệnh viện tuyến dưới, phải đặc biệt chú trọng, bởi nó quyết định tương lai, sự phát triển của bệnh viện, nhất là trong xu hướng phát triển hiện nay.
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy