Dòng sự kiện:
Bệnh viện Nhi đồng 2 đột ngột hoãn ghép gan khiến nhiều bệnh nhi lao đao
22/05/2023 10:16:37
Nhận thông báo hoãn ghép gan từ Bệnh viện Nhi đồng 2, nhiều gia đình đã khó khăn lại càng lâm vào khốn khổ khi cha mẹ phải tìm cách đưa con ra Hà Nội tìm sự sống.

Những ngày qua, nhiều cha mẹ có con đang điều trị xơ gan giai đoạn cuối tại TPHCM cho biết, họ đã nhận "hung tin" từ Bệnh viện Nhi đồng 2, rằng nơi này không thể tiến hành phẫu thuật ghép gan.

Lao đao đưa con ra Bắc tìm đường sống

Hơn 2 tuần liền, vợ chồng chị K.P. (23 tuổi, ngụ tỉnh Bình Dương) phải tìm mọi cách, lo thủ tục lẫn chuẩn bị khoản chi phí khổng lồ để đưa con gái ra Bệnh viện Nhi trung ương, Hà Nội.

Một năm trước, chưa kịp hưởng niềm vui lần đầu làm mẹ, chị P. đã gánh chịu nỗi đau, khi bé gái được bác sĩ xác định bị teo đường mật và tim bẩm sinh. Để giữ mạng sống, bé phải trải qua cuộc mổ phức tạp khi mới 3 tháng tuổi, tại Bệnh viện Nhi đồng 2.

Bệnh viện Nhi đồng 2, TPHCM (Ảnh: Hoàng Lê).

Kể từ đó, con đường từ nhà lên bệnh viện ở TPHCM trở nên quen thuộc với chị P. và chồng. Đồng lương công nhân ít ỏi, khiến họ làm ra bao nhiêu tiền lại dồn hết vào việc chữa bệnh cho con.

Đến tháng 3 năm nay, con gái chị P. bị phù khắp người, bụng trướng to, xơ gan giai đoạn cuối. Qua thăm khám, các bác sĩ cho biết, bé cần phải ghép gan gấp. Họ khuyên chị P. đưa con ra Bệnh viện Nhi trung ương Hà Nội, vì Bệnh viện Nhi đồng 2 đang tạm hoãn phẫu thuật này. Lúc này, người mẹ phải về bệnh viện tuyến tỉnh ở Bình Dương để xin giấy chuyển tuyến cho con ra… Hà Nội.

"Họ chỉ nói ở Bệnh viện Nhi đồng 2 tạm hoãn ghép gan mà chưa biết đến khi nào, cũng không nói lý do vì sao. Vợ chồng tôi mất nhiều ngày để xin giấy chuyển tuyến, nếu không có thì chi phí xét nghiệm trước mổ sẽ rất cao. Dự kiến, toàn bộ ca ghép gan của bé khoảng 600 triệu đồng, quá lớn so với thu nhập của vợ chồng tôi..." - chị P. nói.

Đến khi đã làm thủ tục nhập viện cho con ở Hà Nội xong, họ lại cắn răng thuê một phòng trọ giá 200.000 đồng/ngày để ở lại chăm sóc bé, trong thời gian chờ kết quả xét nghiệm độ tương thích giữa người hiến gan (chồng chị P.) với bệnh nhi. Đó là chưa kể, thời gian phẫu thuật còn tùy vào sức khỏe thực tế của bé.

"Chúng tôi chỉ biết cố hết sức. Nếu con được ghép gan ở TPHCM, mọi thứ đã đơn giản rất nhiều" - người mẹ trải lòng.

Một trường hợp teo đường mật bẩm sinh, xơ gan nặng từng điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 2 (Ảnh: BV).

Cùng cảnh ngộ trên, chị H. (30 tuổi) cũng đang loay hoay, khốn khổ tìm đường giúp con chống chọi căn bệnh lao gan lách, viêm xơ đường mật. Hành trình điều trị ở khắp các bệnh viện suốt 2 năm qua kể từ khi phát bệnh, khiến chân bé trai tên M. (3 tuổi) bị teo nhỏ, cơ thể đầy vết kim đâm, và sức khỏe ngày một yếu.

Tháng trước, M. có chỉ định ghép gan khi nhập Bệnh viện Nhi đồng 2. Tuy nhiên cũng như chị P., mẹ bé M. được bác sĩ thông báo việc bệnh viện tạm ngừng ghép gan, khuyên đưa con đi Hà Nội hỏi thử. Khi vượt hàng nghìn cây số ra Bắc, bé lại được các bác sĩ ở Hà Nội phát hiện có thêm bệnh khác, cần kiểm tra lại.

Giờ đây, ca phẫu thuật ghép gan chưa biết thực hiện được không, nhưng chi phí sinh hoạt, ăn uống và nằm viện của con tại thủ đô đang mỗi ngày một đè nặng lên đôi vai người phụ nữ.

Bí ẩn lý do ngừng ghép gan (?!)

Thống kê cho thấy, kể từ khi bắt đầu triển khai các phẫu thuật ghép tạng vào năm 2004, Bệnh viện Nhi đồng 2 đã thực hiện 15 ca ghép gan và 23 ca ghép thận. Đây cũng là bệnh viện chuyên khoa Nhi duy nhất tại khu vực phía Nam làm công tác ghép gan, ghép thận và ghép tế bào gốc.

Phẫu thuật ghép gan được xem là phương pháp cuối cùng cho người mắc bệnh gan giai đoạn cuối.

Ca phẫu thuật ghép gan thứ 15 tại Bệnh viện Nhi đồng 2 (Ảnh: BV).

Trước thông tin Bệnh viện Nhi đồng 2 phải tạm ngừng ghép gan nói riêng, ngừng ghép tạng nói chung vì vấn đề "giấy phép", gây ảnh hưởng đến vấn đề điều trị của nhiều bệnh nhi, phóng viên Dân trí đã liên hệ bác sĩ chuyên khoa 2 Trịnh Hữu Tùng, Giám đốc Bệnh viện và hai Phó Giám đốc khác để tìm hiểu thực hư.

Ban Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 2 cho biết, thông tin về sự việc trên sẽ do đại diện phòng Kế hoạch tổng hợp cung cấp, theo quy chế phát ngôn của bệnh viện.

Qua sự hướng dẫn trên, ngày 11/5 phóng viên liên hệ bác sĩ chuyên khoa 2 Đặng Xuân Vinh, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Nhi đồng 2 để đặt vấn đề được phỏng vấn. Bác sĩ Vinh nói đang có việc bận, sẽ chủ động gọi lại sau.

Ngày 15/5, phóng viên tiếp tục liên hệ lãnh đạo phòng Kế hoạch tổng hợp thì được phản hồi, đơn vị đã nắm được câu hỏi của báo chí và đang chuẩn bị, "từ từ sẽ trả lời".

Đến nay, vẫn chưa rõ Bệnh viện Nhi đồng 2 có bị tạm ngừng ghép gan hay không (Ảnh: BV)

Đến nay, sau hơn 10 ngày kể từ lúc đặt vấn đề, những câu hỏi về việc Bệnh viện Nhi đồng 2 có còn được ghép gan không, bao nhiêu trẻ đã bị ảnh hưởng nếu phẫu thuật này đã bị tạm ngưng, cũng như bệnh viện sẽ xử lý thế nào để cứu bệnh nhân, vẫn là chưa có lời giải.

Trong lúc đó, nhiều gia đình có bệnh nhi xơ gan giai đoạn cuối vẫn đang tìm mọi cách cứu mạng con em mình, dù có phải đánh đổi bằng quãng đường di chuyển xa xôi hơn, chi phí điều trị tốn kém hơn, kinh tế kiệt quệ hơn.

Họ xứng đáng nhận được câu trả lời có trách nhiệm từ Bệnh viện Nhi đồng 2, cho thực trạng đang xảy ra.

Tác giả: Hoàng Lê

Theo: Dân Trí
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến