Bí quyết quét sạch nợ xấu của Hàn Quốc
13/12/2014 08:30:21
ANTT.VN - "Khó có một công ty nào có thể quét sạch nợ xấu nhanh như Kamco trong một khoảng thời gian ngắn như vậy".

Tin liên quan

Các nhà chính sách trên toàn châu Á đã dành cả thập kỷ và hơn thế nữa để đối chọi với “núi” nợ xấu của hệ thống ngân hàng, nhưng có thể nói trong trận chiến này Hàn Quốc là đất nước có vũ khí hiệu quả nhất: công ty Quản lý nợ Hàn Quốc (Kamco).
 
Joseph Lee, phó giám đốc quỹ đầu tư Colony Capital cho rằng: “Kamco là công ty xử lý nợ xấu đắc lực nhất trong khu vực châu Á. Khó có một công ty nào có thể quét sạch nợ xấu nhanh như Kamco trong một khoảng thời gian ngắn như vậy”.

Sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế Hàn Quốc giai đoạn 1989-1990 đã gia tăng mạnh mẽ các dự án đầu tư. Hệ lụy của việc phát triển nhanh chóng này là đến 1996, 2/3 các tập đoàn Hàn Quốc phải mức chi phí đầu tư lớn hơn cả tỉ lệ doanh thu. Các ngân hàng nước ngoài ở Hàn Quốc vay ngắn hạn bằng ngoại tệ để tài trợ cho các khoản vay dài hạn bằng nội tệ, một phần là tài trợ cho các khoản vay mới. Chính sự bất cân xứng về thời hạn và loại tiền tệ này đã tạo ra lượng lớn nợ xấu trong hệ thống ngân hàng Hàn Quốc.

So sánh về thời gian, Nhật Bản đã tốn 30 năm để giải quyết số nợ tồn đọng của hệ thống ngân hàng thì Kamco cùng với những chính sách thuế nới lỏng đã giúp Hàn Quốc chỉ mất 5 năm. Tại thời điểm tồi tệ nhất năm 1998, tỉ lệ nợ xấu của Hàn Quốc chiếm 16,5% trong tổng số danh mục cho vay của các định chế tài chính. Đến năm 2003 tỉ lệ này chỉ còn 1,2%.

Bí quyết của Kamco

Kamco đã phải “tải” số nợ xấu tồn đọng mệnh giá khoảng 111 nghìn tỉ Won (tương đương 118 tỉ USD), sử dụng 39.700 tỉ won từ quốc khố, giải quyết được 2/3 số tài sản thế chấp đã tịch biên.  Kamco đã thu hồi được hơn 95% số tiền chính phủ Hàn Quốc bơm vào thị trường để hỗ trợ các công ty trong cuộc khủng hoảng tài chính châu Á, tạo ra khoảng 7200 tỉ Won lợi nhuận. Vượt qua cơn bão khủng hoảng với sự hỗ trợ của Kamco, các định chế tài chính của Hàn Quốc cũng đã khỏe mạnh trở lại với mức lợi nhuận cao và tỉ lệ nợ xấu thấp.

Tiền thân, Kamco chỉ là một công ty thu nợ quy mô nhỏ của chính phủ Hàn Quốc khi khủng hoảng kinh tế bắt đầu tấn công đất nước này vào năm 1997. Tuy nhiên công ty này đã nhanh chóng tự tái đầu tư, áp dụng mô hình tái cấu trúc nợ của phương Tây.

Sau đó Kamco đã tập hợp nợ xấu từ các doanh nghiệp và ngân hàng Hàn Quốc, sau đó phân loại lại thành các gói nợ khác nhau để bán cho các nhà đầu tư, chủ yếu là các ngân hàng đầu tư quốc tế và các quỹ đầu tư. Cụ thể, KAMCO phân các tài sản mua thành 2 loại: tài sản thông thường và tài sản đặc biệt. Tài sản thông thường là những khoản nợ xấu mà khả năng được thanh toán là không chắc chắn.Tài sản đặc biệt là những khoản nợ xấu cho các công ty đang trong quá trình tái tổ chức doanh nghiệp, do đó các khoản nợ được cơ cấu lại với lãi suất thấp hơn và kéo dài thời gian trả nợ. Các loại tài sản này lại tiếp tục được phân thành các khoản vay có đảm bảo và không có đảm bảo.

Người phát ngôn của Kamco ông Lee Jong-jin cho biết: “Không giống Indonesia và Malaysia, chỉ tìm cách tiếp cận giải quyết nợ xấu trong quy mô quốc gia, chúng tôi chủ yếu hướng đến các nhà đầu tư nước ngoài. Đây là nhóm “khách hàng” mua và giải quyết nợ xấu hiệu quả bởi khi đó không nhiều công ty trong nước có ý định mua các tài sản cầm cố và chúng tôi cũng rất cần vốn đầu tư từ nước ngoài”.

Ông bổ sung rằng việc thu hút các nhà đầu tư nước ngoài mua nợ xấu không phải là công việc dễ dàng. Sau khi thu thập nợ xấu được tái cơ cấu thành các gói sản phẩm để phù hợp với mong muốn và nhu cầu của khách hàng, phải viện đến nhiều công nghệ tài chính để khiến chúng trở nên hấp dẫn.

Kamco còn phát động một chiến dịch quảng caó, tổ chức nhiều hội thảo, phiên bán và các chương trình truyền thông tại New York, London và Singapore để quảng bá mặt hàng đặc biệt cho các nhà đầu tư nước ngoài: các gói nợ xấu.  

Các nhà đầu tư nước ngoài đã rất hào hứng tham gia  những buổi đấu giá tài sản cầm cố của các khoản nợ xấu bởi giá chiết khấu cao và quy trình minh bạch. KAMCO đưa ra một mức giá chiết khấu cho các khoản nợ xấu thông thường tương đương 40% tổng giá trị tài sản được thế chấp, 3% của mệnh giá nếu các khoản cho vay không có tài sản thế chấp: Các khoản nợ xấu đặc biệt sẽ được định giá bằng phương pháp hiện giá thuần của dòng tiền dự án.

Hiện nay Kamco đã thành lập nhiều công ty liên doanh với các nhà đầu tư nước ngoài bao gồm Deutsche Bank, Lehman Brothers, Morgan Stanley và Colony.

Tú Anh (theo Financial Times)

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến