Ngành GTVT muốn “đi trước mở đường” phải đầu tư kết cấu hạ tầng
12/12/2014 16:16:56
ANTT.VN – Sáng 12/12, Bộ GTVT đã tổ chức Hội thảo “Giải pháp thúc đẩy thu hút vốn đầu tư vào hạ tầng giao thông”, đây là hội thảo lần đầu tiên được tổ chức nhằm thúc đẩy việc hoàn thiện chính sách, tạo môi trường bình đẳng và hấp dẫn nguồn vốn tư nhân đầu tư vào kết cấu hạ tầng giao thông.

Tin liên quan

Phát biểu tại hôi thảo, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cho biết, để có thể đạt được mục tiêu đưa Việt Nam cơ bản trở thành một nước công nghiệp hiện đại vào năm 2020, phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là kết cấu hạ tầng GTVT được xác định là 1 trong 3 khâu đột phá triến lược, nhằm xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại trên cơ sở sử dụng nguồn lực hợp lý để đầu tư có trọng tâm, trọng điểm.

Bộ trưởng Đinh La Thăng phát biểu tại hội thảo sáng nay 12/12 (Ảnh: Kiều Chinh)

Ưu tiên cho các công trình có tính lan tỏa, đảm bảo kết nối các phương thức vận tải, các trung tâm kinh tế lớn, các vùng kinh tế trọng điểm, các cửa ngõ, các đầu mối giao thông quan trọng; tăng cường công tác bảo trì các công trình hiện có để nâng cao năng lực thông qua.

Để có thể đạt được các mục tiêu phát triển cơ sở hạ tầng đã đề ra, yêu cầu nhu cầu nguồn vốn đầu tư từ nay đến năm 2020 là rất lớn. Trong khi nguồn ngân sách nhà nước còn hạn hẹp, Chính phủ Việt Nam xác định việc huy động nguồn vốn từ khối doanh nghiệp tư nhân trong và ngoài nước là hết sức cần thiết.

Trong thời gian vừa qua, nhiều quy định pháp lý liên quan về chính sách xã hội hóa, kêu gọi đầu tư cũng như các quy định trong việc quản lý đầu tư xây dựng theo các hình thức đầu tư khác nhau  nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng GTVT đã được ban hành, đặc biệt là theo mô hình BOT và hợp tác công - tư (PPP). Bộ GTVT đã tổ chức nhiều hoạt động nhằm khuyến khích các nhà đầu tư tư nhân quan tâm tới các dự án kết cấu hạ tầng trong lĩnh vực GTVT, tham gia vào quá trình chuyển nhượng quyền khai thác và thuê lại các công trình kết cấu hạ tầng đã hoàn thành.

Trên cơ sở hợp nhất Nghị định 108/2009/NĐCP và Quyết định số 71/2010/QĐTTG và bổ sung các quy định mới, Chính phủ Việt Nam dự kiến ban hành một nghị định PPP mới về lĩnh vực này trong tháng 12/2014 hoặc đầu tháng 1/2015. Thứ trưởng Trường nhấn mạnh đây sẽ là một hành lang pháp lý mới tạo cơ sở để tiếp tục hợp tác trong các dự án cụ thể thời gian tới.

Theo ông Nguyễn Danh Huy, Vụ trưởng, Trưởng ban Quản lý các dự án đối tác công tư (Bộ GTVT), tính riêng năm 2014, ngành GTVT đã huy động được gần 43.000 tỷ đồng vốn tư nhân tham gia đầu tư vào các dự án giao thông. Thời gian thu hút vốn nhiều nhất và tăng đột biến trong khoảng thời gian từ 2012 - 2014. Sở dĩ có được điều này chủ yếu là do các được sự ủng hộ của các cấp chính quyền.

Ngành GTVT đã huy động được một nguồn vốn lớn từ xã hội hóa, nhưng việc huy động vốn đầu tư vào ngành giao thông vẫn còn gặp nhiều khó khăn.

Cụ thể, vốn xã hội hóa tham gia đầu tư chủ yếu tập trung ở lĩnh vực đường bộ, các lĩnh vực khác chưa có hoặc hạn chế trừ việc doanh nghiệp đầu tư lĩnh vực hàng hải, đường thủy nội địa; các nhà đầu tư tham gia các dự án giao thông chủ yếu là các nhà đầu tư trong nước có năng lực tài chính chưa mạnh, vay vốn chủ yếu trong nước nên có chỉ số tín nhiệm thấp và cũng ít có kinh nghiệm đầu tư, quản lý, khai thác và chưa am hiểu về đầu tư PPP, chưa đánh giá được rủi ro nên triển khai còn vướng mắc.

Thứ nữa là do hành lang pháp lý của chúng ta hiện chưa theo kịp thông lệ quốc tế. Nhiều đơn vị, cơ quan quản lý nhà nước chưa phối hợp chặt chẽ với nhà đầu tư, địa phương trong quá trình thực hiện dự án, chính sách phí chưa hoàn thiện, chưa có mức phí đường cao tốc, phí cho các lĩnh vực đường thủy nội địa, đường sắt, hàng hải, hàng không. Đến nay, cũng chưa có cơ chế hỗ trợ phần thiếu hụt tài chính dự án.

Phát biểu tại buổi hội thảo, Bộ Trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng nhấn mạnh, ngành giao thông muốn đi trước mở đường thì cần phải có vốn và huy động nhiều hình thức, nhiều nguồn vốn cả trong nước và ngoài nước với phương thức thực hiện khác nhau.

Bộ trưởng Đinh La Thăng và Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường tham dự hội thảo (Ảnh: Kiều Chinh)

Bộ trưởng nói: “ nghị định mới về PPP ra  đời cùng với nghị định lựa chọn nhà đầu tư PPP chắc chắn sẽ tạo ra hành lang pháp lý mới để thu hút các nhà đầu tư cả trong nước và ngoài nước, nghị định sẽ thúc đẩy mạnh mẽ việc huy động bằng các hình thức PPP, trong đó có hình thức BOT, các Bộ, ngành liên quan sau khi nghị định PPP ra đời sẽ có những thông tư hướng dẫn cụ thể”.

Bộ trưởng Thăng nhận định, hạ tầng nói chung trong hạ tầng giao thông được Đảng và Chính phủ xác định là điểm nghẽn cản trở sự phát triển đất nước. Vì vậy, đầu tư phát triển xây dựng kết cấu hạ tầng là 1 giải pháp chiến lược. Để thực hiện nghiệm vụ đó, Bộ GTVT đã tích cực triển khai nghị quyết 13 của Trung ương Đảng, nghị quyết Chính phủ cũng như đề cương phát triển đất nước 2011 – 2020 . “Hiện nay, theo đánh giá của Liên đoàn kinh tế thế giới năm 2014 chúng ta đã được xếp thứ 74/138 nước trên thế giới, so với năm 2012 chúng ta tăng 16 bậc, so với 2010 chúng ta tăng 29 bậc”, Bộ trưởng Thăng nói.

Đây là một sự nỗ lực, cố gắng của toàn Đảng toàn dân cùng các doanh nghiệp, nhà đầu tư… Tuy nhiên, “chúng ta thấy hạ tầng giao thông vẫn chưa thể đáp ứng yêu cầu, chúng ta vẫn đang ở thứ 74 tức là vẫn xếp ở mức trung bình thế giới, nhất là trong khu vực thì chúng ta vẫn chưa bằng được họ, nên cần phải tập trung đẩy nhanh, đẩy mạnh hơn nữa đầu tư vào kết cấu hạ tầng giao thông để thực sự đóng vai trò đi trước mở đường, là động lực phát triển kinh tế - xã hội”.

Từ khi có vốn ODA dành cho VN đến nay ngành GTVT được 17,7 tỷ đô la với 132 dự án, hoàn thành 94 dự án với khoảng 8 tỷ. Trong khi đó, trong hai năm vừa rồi sau khi tiến hành xã hội hóa riêng đường bộ đã được 160 nghìn tỷ tương đương 8 tỷ đô la, đó là chưa kể các loại hình khác, vì thực tế các lĩnh vực khác chúng ta cũng đã tiến hành xã hội hóa.

Theo Bộ trưởng Thăng, cần đảm bảo sự hài hòa lợi ích của Nhà nước, nhà đầu tư, sự đồng thuận của nhân. Bộ GTVT sẽ tiếp thu các chính sách đầu tư, tín dụng, phí, cùng các bộ, ngành liên quan, tạo điều kiện nhất cho nhà đầu tư, nhưng đảm bảo quyền lợi ích cho người dân.

Bộ trưởng yêu cầu các cơ quan của Bộ phải nghiên cứu làm sao quản lý phí chặt chẽ, đảm bảo tiến độ, chất lượng các dự án PPP, công khai minh bạch các dự án để người dân theo dõi, giám sát. Hiện tại, Bộ GTVT cũng đang chỉ đạo để xây dựng các đề án ở từng lĩnh vực, loại hình giao thông vận tải thu hút, kêu gọi đầu tư phù hợp để đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng giao thông.

Bộ trưởng nói: “Có những dự án trong và ngoài nước, có tổng kết đánh giá, thực hiện, để chính sách thực sự là động lực đòn bẩy kêu gọi nhà đầu tư đầu tư mạnh vào các lĩnh vực giao thông vận tải, sớm đưa hạ tầng giao thông nói riêng và đất nước cơ bản trở thành nước công nghiệp vào năm 2020”.

Kiều Chinh

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến