Dòng sự kiện:
Bloomberg: Chứng khoán Việt Nam đang tốt nhất châu Á
30/09/2015 12:51:02
ANTT.VN - Theo các chiến lược gia, chứng khoán Việt Nam đã sẵn sàng hồi phục trở lại và đưa chỉ số VN-Index trở thành chỉ số tốt nhất châu Á trong năm nay. Đồng thời khả năng phục hồi kinh tế của Việt Nam sẽ trở thành lá chắn tốt giúp bảo vệ nước này khỏi các ảnh hưởng từ suy thoái Trung Quốc.

Tin liên quan

Theo các chiến lược gia, chứng khoán Việt Nam đã sẵn sàng hồi phục trở lại và đưa chỉ số VN-Index trở thành chỉ số tốt nhất châu Á trong năm nay. 

Theo dự báo của 11 nhà phân tích trong cuộc khảo sát của Bloomberg, trong khi các phiên giao dịch cổ phiếu tháng 9/2015 ít có sự biến động, theo sau một sự sụt giảm 9% trong tháng 8, chỉ số VN-Index của Việt Nam dự kiến sẽ leo lên mức 622 điểm vào cuối năm 2015, hay tăng lên 10% so với mức chốt phiên ngày 28/9.

Niềm tin của các nhà đầu tư vào thị trường chứng khoán Việt Nam đã nhấn mạnh rằng các chính sách của Chính phủ đang giúp thúc đẩy tăng trưởng của nền kinh tế 186 tỷ USD này, vì vậy, Việt Nam đang được coi là “điểm sáng” giữa một khu vực đang phải chịu nhiều tác động xấu từ sự suy giảm của nền kinh tế Trung Quốc.

Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tuần qua cho biết, nền kinh tế Việt Nam được dự đoán sẽ tiếp tục tăng trong nửa cuối năm 2015 nhờ tăng tiêu dùng cá nhân, sản xuất, xuất khẩu và đầu tư trực tiếp từ nước ngoài. Việt Nam đang hướng đến năm thứ 10 liên tiếp thu hút dòng tiền FDI.

Ông Fiachra Maccana, Giám đốc điều hành kiêm trưởng bộ phận phận nghiên cứu của Công ty Cổ phần Chứng khoán Thành Phố Hồ Chí Minh (HSC) cho biết: “Chúng tôi đang có cái nhìn lạc quan về thị trường do bức tranh kinh tế vĩ mô vẫn rất tích cực”. Ông Maccana cũng vẫn giữ nguyên dự báo được ông đưa ra vào đầu năm nay, cho rằng chỉ số VN-Index sẽ tăng lên đến 650 điểm vào cuối năm 2015. Trong năm 2013, ông Maccana từng dự đoán VN-Index sẽ tăng 33%, cuối cùng chỉ số này đã leo lên đến 29% trước thời điểm cuối năm và chốt năm với mức tăng 22%.

Diễn biến chỉ số VN-Index từ đầu năm đến nay so với chỉ số MSCI các quốc gia Đông Nam Á 

VN-Index đã tăng 3,5% kể từ đầu năm đến nay và tăng mạnh nhất trong các chỉ số chứng khoán châu Á, đồng thời có hệ số P/E (hệ số giá trên thu nhập, theo đó P/E đo lường mối quan hệ giữa giá thị trường và thu nhập của mỗi cổ phiếu) đạt 12,5 lần, so với hệ số P/E của chỉ số MSCI trong khu vực Đông Nam Á là 14,3 lần. Chỉ số của MSCI cũng đã giảm 25% trong giai đoạn này.

ADB đã tăng mức dự báo tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam trong năm 2015 lên 6,5% thay vì mức 6,1% được đưa ra từ ban đầu.

Lạm phát giảm cũng đã góp phần thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng nội địa. Với số lượng doanh nghiệp mới được thành lập tăng lên 29% kể từ đầu năm đến nay và lạm phát đang thu hẹp xuống mức thấp kỷ lục 0% trong tháng 9, theo ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết.

Đồng nội tệ giảm giá trị cũng giúp thúc đẩy xuất khẩu. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã điều chỉnh tăng tăng tỷ giá bình quân liên ngân hàng giữa đồng Việt Nam và đôla Mỹ lần thứ ba trong năm nay đồng thời điều chỉnh nâng biên độ tỷ giá USD/VND theo sau động thái phá giá đồng nhân dân tệ của Trung Quốc. Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, kim ngạch xuất khẩu 9 tháng của Việt Nam tăng 9,6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo số liệu của Bloomberg, trong khi Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong năm 2014, thì giờ đây thị trường Mỹ đang ngày càng trở nên quan trọng hơn đối với giá trị xuất khẩu của quốc gia Đông Nam Á này. Với giá trị xuất khẩu lên đến 8,2 tỷ USD vào Mỹ trong quý I năm 2015, cao hơn nhiều so với 4,9 tỷ USD vào thị trường Trung Quốc.

Tuy nhiên, Việt Nam cũng không thể tránh khỏi những ảnh hưởng từ sự suy thoái kinh tế của Trung Quốc. Tiền đồng giảm giá trị làm tăng chi phí cho các công ty có các khoản nợ trả bằng đồng đô la. Các nhà phân tích Việt Nam dự đoán, lợi nhuận của doanh nghiệp trong nước sẽ giảm 12% trong vòng 12 tháng tới.

Bà Hoàng Việt Phương, Giám đốc Phân tích Tư vấn và Đầu tư khách hàng tổ chức tại Công ty Cổ phần Chứng khoán Sài Gòn (SSI) – công ty chứng khoán lớn nhất Việt Nam – cho biết, “Rủi ro từ bên ngoài đang tăng lên và các nhà đầu tư đang trở nên thận trọng hơn”, theo bà “sự suy giảm của nền kinh tế Trung Quốc đang mang đến những tác động tiêu cực”.

Để thu hút nhiều nhà đầu tư nước ngoài hơn, Chính phủ đã cho phép một số doanh nghiệp được nới room của các nhà đầu tư nước ngoài lên mức tối đa 100%. Trong khi cơ quan quản lý thị trường cũng đang tiếp tục hoàn thiện kế hoạch sát nhập hai sàn giao dịch chứng khoán của cả nước, thúc đẩy việc thành lập một thị trường phái sinh và nỗ lực trở thành thị trường mới nổi theo xếp hạng của MSCI.

Số liệu đến ngày 25/9 cho biết, các nhà đầu tư nước ngoài đã mua vào khoảng 174,3 triệu USD cổ phiếu trên thị trường chứng khoán, trong khi đó, tình trạng thoái vốn đang diễn ra ở thị trường Thái Lan đến 2,9 tỷ USD, 857 triệu USD ở Philipines và 850 triệu USD ở Indonesia.

Theo số liệu của Chính phủ, cam kết đầu tư trực tiếp từ nước ngoài FDI đã tăng 53% lên đến 17,2 tỷ đô la trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 9.

Ông Michel Tosto, Trưởng Bộ phận khách hàng tổ chức và môi giới của Công ty Chứng khoán Bản Việt – tổ chức môi giới chứng khoán lớn thư ba cả nước – cho biết: “Việt Nam vẫn là một điểm sáng trong khu vực nhờ vào tăng trưởng GDP cao, giá cổ phiếu hấp dẫn và thị trường tiền tệ tương đối ổn định”.

Phương Phương – Theo Bloomberg
Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến