Dòng sự kiện:
Bloomberg: Việt Nam hưởng lợi lớn nhất từ TPP
09/10/2015 16:47:24
ANTT.VN - Với 18 nghìn dòng thuế được cắt giảm, tờ báo danh tiếng Bloomberg của Mỹ vừa cho biết Việt Nam có thể là quốc gia hưởng lợi nhiều nhất khi gia nhập TPP.

Tin liên quan

Đại diện Thương mại 12 thành viên TPP tại cuộc họp vừa rồi tại Atlanta, Mỹ.

Bloomberg cho biết Việt Nam có thể là quốc gia được hưởng lợi nhiều nhất trong số 12 thành viên Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), khi ước tính có tới 18.000 thuế quan các loại sẽ được gỡ trong trao đổi thương mại nội khối.

Trong 10 năm tới, TPP có thể giúp GDP của Việt Nam tăng lên 11% (36 tỷ USD), bên cạnh đó thúc đẩy xuất khẩu tăng tới 28%, khi mà các tập đoàn lớn trên thế giới sẽ đua nhau chuyển các nhà máy sản xuất vào Việt Nam nhằm tận dụng những ưu đãi về thuế quan.

Dưới đây là những nhận xét về tiềm năng cũng như những thách thức mà Việt Nam phải đối mặt khi gia nhập TPP của Bloomberg.

Vai trò của Việt Nam trong TPP

Việt Nam là một yếu tố quan trọng trong chính sách xoay trục sang châu Á của chính quyền tổng thống Obama. Quan hệ kinh tế lẫn chính trị giữ hai cựu thù này đang ấm hơn bao giờ hết.

Với việc Việt Nam đang muốn giảm phụ thuộc vào Trung Quốc, Mỹ càng có nhiều lý do hơn để hoan nghênh một nền kinh tế Việt Nam toàn cầu hơn, đa dạng hơn.

Lĩnh vực hưởng lợi lớn nhất

Thuế nhập khẩu vào Mỹ và Nhật Bản được cắt giảm sẽ thúc đẩy ngành công nghiệp trong nước, đặc biệt là dệt may. Có sẵn lợi thế nhân công giá rẻ, các công ty dệt may Việt Nam được mong chờ sẽ vượt qua những đối thủ từ Trung Quốc và tăng 50% doanh số xuất khẩu trong 10 năm tới.

5 quốc gia giao thương lớn nhất với Việt Nam.

Ngành công nghiệp thủy sản của Việt Nam cũng sẽ được hưởng lợi nhờ việc hạ các loại thuế nhập khẩu đối với tôm, mực, cá ngừ.. hiện đang ở mức trung bình từ 6,4% - 7,2% ở thị trường Mỹ.

Tuy nhiên Bloomberg cho rằng Việt Nam vẫn phải đối mặt với khó khăn từ quy định nguồn gốc nguyên liệu, phần nào hạn chế lợi ích từ TPP đối với khu vực thủy sản cũng như dệt may.

Đối với các công ty nước ngoài

Mức thuế giảm mạnh đánh vào hàng hóa Việt Nam có thể thúc đẩy một làn sóng đầu tư từ các công ty nước ngoài. Các tập đoàn dệt may tên tuổi như Texhong Textile Group Ltd, Shenzhou International Group Holdings Ltd và Pacific Textiles Holdings Ltd đã đang di dời các cơ sở sản xuất sang Việt Nam nhằm đón đầu lợi thế từ hiệp định thương mại này.

Đối với giới đầu tư

Hoàn tất đàm phán TPP được kỳ vọng sẽ là lực đẩy trong ngắn hạn đối với TTCK trong nước. Chỉ số VNIndex đã tăng 4,9% trong tuần này cùng sự đi lên của các cổ phiếu logistic, thủy sản, may mặc.

Kể từ đầu tuần, các nhà đầu tư ngoại đã mua vào 41,8 triệu USD cổ phiếu sau khi bán ra mạnh trong tháng trước. Vốn FDI cũng được kỳ vọng sẽ chảy mạnh vào các lĩnh vực được hưởng lợi từ TPP.

Lĩnh vực dễ tổn thương

Lĩnh vực nông nghiệp của Việt Nam, đặc biệt là chăn nuôi, được dự đoán sẽ phải vật lộn để cạnh tranh với làn sóng các công ty quốc tế đổ bộ vào thị trường trong nước.

Việc cắt giảm thuế đối với các sản phẩm dược hiện đang trung bình ở mức 2,5% cũng sẽ dẫn tới sự cạnh tranh gay gắt giữa các công ty dược phẩm trong và ngoài nước.

Bên cạnh đó, TPP đưa ra những quy định nghiêm ngặt đối với quyền sở hữu trí tuệ, hạn chế việc tiếp cận các phát minh mới cũng như sản phẩm mới của các công ty dược phẩm trong nước.

Ảnh hưởng chính sách kinh tế

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã kêu gọi tái cấu trúc khu vực nông nghiệp trong nước nhằm giảm bớt những thua thiệt khi mà nền kinh tế ngày càng hội nhập sâu rộng.

TPP đồng thời cũng tạo nên áp lực cải cách đối với các công ty, tập đoàn nhà nước, buộc những tổ chức này phải đổi mới, hiệu quả hơn.

Nguy cơ nếu TPP đổ vỡ

Mặc dù đã đạt được sự đồng thuận từ 12 quốc gia thành viên, TPP vẫn cần được thông qua bởi quốc hội mỗi nước. Do vậy về nguyên tắc, TPP vẫn có thể thất bại. Nếu TPP đổ vỡ, kinh tế Việt Nam sẽ mất đi một cơ hội tuyệt vời nhằm đa dạng hóa thương mại quốc tế cũng như tăng cường mối quan hệ kinh tế với Mỹ cũng như những quốc gia tiên tiến khác.

Tương tự, nếu TPP thất bại, đây sẽ là một đòn mạnh đánh vào những tham vọng kiềm chế Trung Quốc tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương của Mỹ.

Bên cạnh TPP, Việt Nam hiện đang tiến hành đàm phán các hiệp định thương mại khác với Liên minh châu Âu (EVFTA) và Hàn Quốc (VKFTA), qua đó tiếp tục tìm kiếm các đối tác thương mại khác nhằm cân bằng mối quan hệ kinh tế với Trung Quốc.

Nghi Điền

 

 

 
Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến