Dòng sự kiện:
Bộ Giáo dục lên tiếng về cách đọc thơ theo ô vuông, tam giác gây 'bão'
08/09/2018 16:46:11
Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) chính thức lên tiếng về bộ sách Công nghệ giáo dục của Giáo sư (GS) Hồ Ngọc Đại mà cư dân mạng tranh cãi những ngày qua.

Tranh cãi về tài liệu đọc thơ theo ô vuông, tam giác

Thời gian gần đây, bộ sách Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục (TV1-CNGD) của GS Hồ Ngọc Đại tiếp tục vấp phải nhiều ý kiến khi được thử nghiệm tại các trường tiểu học khắp cả nước. Nhiều phụ huynh lo ngại những từ ngữ tiêu cực, bài học hàm nghĩa xấu, cách phát âm "lạ" không phù hợp với con trẻ chỉ mới 7 tuổi.

Đặc biệt trong nhiều đoạn clip được đăng tải lên mạng xã hội, nhiều học sinh tiểu học thay vì đọc chữ cái hay từ ngữ, thì chỉ vào những biểu tượng hình tròn, hình vuông, hình tam giác và đọc vanh vách cả một bài thơ. 

Bộ sách công nghệ với cách phát âm khác sách giáo khoa hiện hành đang tạo ra nhiều ý kiến trái chiều.

Trong sách giáo khoa TV1-CNGD, 2 câu thơ "Tháp Mười đẹp nhất bông sen/Việt Nam đẹp nhất có tên Bác Hồ" được phiên âm phía trên. Hàng phía dưới được biểu thị bằng 2 dòng gắn hình vuông màu cam. Cuốn sách này chú thích "Có bao nhiêu tiếng, có bấy nhiêu khối hình". Ở bài đồng dao "Bống bống bang bang/Lên ăn cơm vàng/Cơm bạc nhà ta", dưới phần chữ là 12 hình tròn màu xanh, sắp xếp 4 hình trong một hàng.

Trang sách gây tranh cãi 

Sau khi những đoạn clip đọc chữ khó hiểu của trẻ nhỏ được đăng tải, rất nhiều phụ huynh tỏ ra hoang mang và lo lắng. Họ cho rằng cách học này cực khó hiểu và không tốt bằng phương pháp trước đây. Nhiều người đã tìm cách "chất vấn" con cái mình, bắt con chỉ vào từng ô vuông và thắc mắc chữ đâu ra mà con đọc vanh vách như thế? Nhiều bé đã không trả lời được câu hỏi này. Có trường hợp phụ huynh bực mình và yêu cầu con không cần phải đến trường nữa, bố mẹ sẽ giảng dạy theo cách học truyền thống trước đây.

Nhiều phụ huynh có con em vừa vào lớp 1 liên tục bày tỏ lo lắng trước cách học theo chương trình kiểu mới. Họ khẳng định, cách học từ ngày xưa vẫn giúp bao thế hệ biết đọc biết viết, việc gì phải cải cách rồi gây hoang mang trong dư luận.

Bộ GD&ĐT nói gì?

Trước ồn ào, tranh cãi về bộ sách TV1-CNGD này ngày 8/9, Bộ GD&ĐT đã lên tiếng về bộ sách này.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ, tài liệu TV1-CNGD là kết quả nghiên cứu từ năm 1978 của một số nhà khoa học, đứng đầu là GS Hồ Ngọc Đại thông qua các đề tài nghiên cứu và được áp dụng vào dạy học ở Trường Thực nghiệm Giảng Võ, Hà Nội.

Căn cứ kết quả nghiên cứu và áp dụng thí điểm trong dạy học môn Tiếng Việt ở lớp 1 tại trường Thực nghiệm và một số cơ sở giáo dục, Bộ GD&ĐT đồng ý cho các địa phương có nhu cầu và đảm bảo các điều kiện được áp dụng vào việc dạy học Tiếng Việt lớp 1, nhất là ở những vùng khó từ năm học 2008 - 2009 đến năm học 2016 - 2017 trên tinh thần tự nguyện của các địa phương.

GS Hồ Ngọc Đại - chủ biên chương trình Công nghệ giáo dục.

Căn cứ vào kết quả nghiên cứu, khảo sát, Viện Khoa học giáo dục (KHGD) Việt Nam đã đánh giá việc triển khai Tài liệu TV1-CNGD ở các địa phương đạt được hiệu quả khả quan thông qua kết quả giáo dục học sinh, năng lực chuyên môn của giáo viên và đề xuất các giải pháp để tiếp tục sử dụng hiệu quả Tài liệu TV1- CNGD.

Trong báo cáo, Viện KHGD Việt Nam đề nghị Bộ GD&ĐT tổ chức Hội đồng thẩm định Tài liệu TV1-CNGD theo quy định và đề nghị các tác giả tiếp tục chỉnh sửa, bổ sung, hoàn thiện tài liệu để đáp ứng nhu cầu của các địa phương.

Cuối năm 2016, tiếp thu ý kiến của Đại biểu quốc hội trong Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV, Bộ Trưởng Bộ GD&ĐT đã giao cho Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam (KHGD) nghiên cứu, khảo sát, đánh giá chất lượng, hiệu quả triển khai Tài liệu TV1-CNGD và đề xuất các giải pháp chỉ đạo (GS.TS Trần Công Phong - Viện trưởng Viện KHGD Việt Nam chủ trì).

Trong năm 2017 và 2018, nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng dạy học Tiếng Việt lớp 1, cùng với việc rà soát, tinh giảm các nội dung chưa phù hợp với học sinh trong sách giáo khoa hiện hành, Bộ GDĐT đã tổ chức Hội đồng thẩm định quốc gia Tài liệu TV1- CNGD. 

Sau 2 vòng thẩm định, Hội đồng thẩm định đã đánh giá: Tài liệu TV1- CNGD về cơ bản đảm bảo các yêu cầu về mục tiêu, chuẩn kiến thức kĩ năng của môn Tiếng Việt lớp 1 trong Chương trình giáo dục phổ thông cấp Tiểu học (Theo Quyết định số 16/2006/QĐ-BGDĐT ngày 05 tháng 5 năm 2006 của Bộ GDĐT). Tài liệu TV1- CNGD đã được các tác giả chỉnh sửa, hoàn thiện theo Kết luận của Hội đồng thẩm định.

Căn cứ kết quả khảo sát, đánh giá của Viện KHGD Việt Nam và ý kiến kết luận của Hội đồng thẩm định Tài liệu TV1-CNGD, Bộ GD&ĐT hướng dẫn các Sở GD&ĐT triển khai Tài liệu TV1-CNGD phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương trên nguyên tắc tự nguyện của nhà trường trong năm học 2017-2018 và năm học 2018-2019 ở những nơi đang triển khai và không mở rộng để giữ ổn định cho đến khi thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới.

Tài liệu TV1-CNGD là một trong những phương án để các địa phương lựa chọn nhằm nâng cao chất lượng dạy học môn Tiếng Việt lớp 1 trong Chương trình giáo dục phổ thông hiện hành, nhất là với học sinh vùng khó, vùng dân tộc thiểu số.

Khi Chương trình giáo dục phổ thông mới được ban hành, với chủ trương “một chương trình nhiều sách giáo khoa”, tất cả các tài liệu dạy học được đưa vào nhà trường với tư cách là sách giáo khoa đều phải được Hội đồng quốc gia thẩm định. 

Căn cứ vào kết luận và đề xuất của Hội đồng thẩm định quốc gia, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT sẽ phê duyệt danh mục sách giáo khoa (theo Chương trình giáo dục phổ thông mới) được phép sử dụng trong các cơ sở giáo dục. Trên cơ sở đó, căn cứ vào các quy định, các cơ sở giáo dục được phép lựa chọn sách giáo khoa phù hợp.

Linh Nhi (T/h)

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến