Bộ GTVT rao bán con cưng ngành công nghiệp ô tô với giá 1.250 tỷ đồng
22/12/2015 11:27:44
Sau khi bị “ế” trong đợt IPO diễn ra đầu năm 2014, giờ đây cổ phiếu Vinamotor được bán với giá cao hơn rất nhiều.

Tin liên quan

Ảnh minh họa

Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội vừa có thông báo bán đấu giá trọn lô 97,7% vốn điều lệ của Tổng công ty Công nghiệp ô tô Việt Nam (Vinamotor).

Theo đó, nhà đầu tư muốn tham gia đợt đấu giá này sẽ phải mua toàn bộ 85,58 triệu cổ phần với giá khởi điểm 14.612 đồng/cổ phần, tương ứng giá khởi điểm của cả lô là hơn 1.250 tỷ đồng. Nhà đầu tư muốn tham gia đặt mua sẽ phải đặt cọc 10% giá khởi điểm, tương đương 125 tỷ đồng.

Danh sách các nhà đầu tư đáp ứng điều kiện sẽ được công bố vào ngày 4/1 và phiên đấu giá sẽ được tổ chức vào ngày 11/1/2016.

Tổng Công ty Vinamotor đã tiến hành IPO vào đầu năm 2014 với vốn điều lệ dự kiến 1.000 tỷ đồng và chào bán công khai 51% cổ phần, tương đương 51 triệu cổ phiếu với giá khởi điểm 10.000 đồng/cp.

Tuy nhiên phiên IPO này chỉ bán được 1,5 triệu cổ phần, tương đương 3% lượng đấu giá. Sau đó Vinamotor đã chuyển sang hình thức công ty cổ phần với vốn điều lệ 876 tỷ đồng, trong đó nhà nước nắm 97,7% vốn.

So với thời điểm IPO, tình hình kinh doanh của Vinamotor đã tốt hơn rất nhiều do thị trường ô tô trong nước tăng trưởng rất mạnh trong thời gian qua.

Vinamotor hoạt động chính trong lĩnh vực cơ khí ô tô. Tổng công ty này hiện có một nhà máy lắp ráp ô tô tại Bắc Giang và đầu tư vào nhiều công ty con, công ty liên kết.

Vinamotor đang sở hữu 6,65 triệu cổ phiếu, tương đương 21,6% cổ phần của CTCP Ô tô TMT – một doanh nghiệp ô tô đã niêm yết. Cổ phiếu TMT đã tăng giá gấp 3 lần trong năm 2015, hiện đạt gần 50.000 đồng/cp, tương ứng lượng cổ phiếu Vinamotor đang sở hữu có trị giá hơn 330 tỷ đồng.

Theo quy định của đợt đấu giá này, nhà đầu tư tham gia phải có vốn chủ sở hữu tại thời điểm 30/6/2015 đạt tối thiểu 926 tỷ đồng, không có lỗ lũy kế và phải cam kết không chuyển nhượng cổ phần trong 5 năm.

Chính TMT cũng đã “đánh tiếng” về việc mua lại cổ phần của Vinamotor từ Bộ Giao thông vận tải. Một số doanh nghiệp khác cũng từng muốn mua Vinamotor là Motor N.A Việt Nam hay CTCP Đầu tư Phát triển Sacom, tuy nhiên mới đây Sacom đã từ bỏ ý định này. Đối chiếu theo quy định về vốn chủ sở hữu thì TMT không đủ tiêu chuẩn khi vốn chủ sở hữu chưa đến 400 tỷ đồng.

Trong năm 2014, theo báo hợp nhất, Vinamotor đạt 1.700 tỷ doanh thu và 165 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế - cải thiện rất nhiều so với mức lỗ 15 tỷ trong năm 2013. Lợi nhuận của Vinamotor có được chủ yếu là do các công ty con, công ty liên kết chuyển về.

Tỷ lệ sở hữu của Vinamotor tại một số công ty thành viên

Theo Kiến Khang - Trí thức trẻ
Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến