Dòng sự kiện:
Bộ trưởng Bùi Thiện Ngộ: Người cộng sản trung kiên, một nhân cách cao cả và bình dị
14/08/2015 10:30:51
ANTT.VN - Bộ trưởng Bùi Thiện Ngộ, mà anh em thư kí thường gọi với tên thân thương “Chú Ba Ngộ”; “Chú Ba” ra đi đã gần 4 năm, song tôi cảm thấy như chú đang sống và đang bận một chuyến công tác đi xa…

Tin liên quan

Trong cuộc đời công tác của mình, tôi vinh dự được gắn bó với Chú hơn 13 năm (1993-2006), trong đó có hơn 4 năm làm thư ký (1993-1996). Là một học trò, một cán bộ cấp dưới ở gần Chú không được nhiểu, hiểu biết về Chú cũng chỉ là một góc nhỏ trong toàn bộ cuộc đời của Chú, tôi không dám nhận xét nhiều, mà chỉ mượn lời của các đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước đánh giá về Chú và viện dẫn những lời nói, việc làm của Chú trong cuộc sống để chứng minh cho những nhận xét đó.

Đồng chí Bùi Thiện Ngộ phát biểu tại Hội nghị sơ kết Cuộc vận động quản lí giáo dục các đối tượng vi phạm pháp luật tại Cộng đồng dân cư tỉnh Nghệ An, ngày 17/10/1994

Một người Cộng sản kiên trung, suốt đời phấn đấu, hy sinh cho mục tiêu chủ nghĩa xã hội và sự nghiệp bảo vệ Đảng, bảo vệ An ninh Tổ quốc , vì hạnh phúc nhân dân.

Nhiều đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước đã nhận xét như vậy về Chú Ba. Ngày tiễn chú ra đi về nơi an nghỉ cuối cùng, đồng chí Nguyễn Minh Triết, chủ tịch nước xúc động ghi vào sổ tang: “Đảng, Nhà nước và nhân dân luôn ghi nhớ công lao to lớn, sự cống hiến xả thân của đồng chí cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang. Đồng chí đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và ra đi thanh thản. Xin vĩnh biệt anh, vị tướng tài năng, một Đảng viên trung kiên, người cán bộ mẫu mực, người anh thân thương”. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ghi: “Hôm nay chúng ta vĩnh biệt đồng chí Bùi Thiện Ngộ, người Đảng viên Cộng sản kiên trung, người Bộ trưởng tài năng, đức độ, nghĩa tình, người anh kính mến, anh hãy yên giấc nghìn thu”. Trong điếu văn đọc tại Lễ tang đồng chí Bùi Thiện Ngộ, đồng chí Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban bí thư Trung ương thay mặt Đảng, Nhà nước khẳng định: “Trải qua hơn 50 năm hoạt động cách mạng, đó là chặng đường của những năm tháng nếm trải gian khổ trong thời kì kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, cũng như bước vào thời kỳ hòa bình và xây dựng đất nước mà đồng chí đã đi qua. Ở đâu, lúc nào khó khăn, ác liệt, đồng chí đều có mặt. Dù ở cương vị nào, từ lãnh đạo cơ sở cho đến lãnh đạo cấp cao của Đảng, đồng chí luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được Đảng và Nhà nước giao. Đồng chí là một cán bộ lãnh đạo có bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên cường, dũng cảm, giàu nghị lực, nắm vững và vận dụng sáng tạo đường lối của Đảng vào việc xây dựng lực lượng Công an nhân dân trở thành lực lượng tuyệt đối trung thành với Đảng…”.

Đồng chí Bùi Thiện Ngộ với GS Châu Xương, GS Ty – nguyên lãnh đạo Bệnh viện Việt – Đức, Hà Nội

Thực tiễn cuộc đời hoạt động của Chú Ba trong ngành Công an đã chứng minh sinh động cho những lời nhận xét, đánh giá cao quý đó. Tham gia cách mạng trong không khí sục sôi của cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945, chỉ hai năm sau ông được kết nạp vào Đảng cộng sản Việt Nam. Rồi làm phó ban Điều tra Ty Công an Biên Hòa (1948), Phó ban Điệp báo Ty Công an Thủ Biên (1952)… Cho đến khi tập kết ra Bắc làm cải cách ruộng đất; sau đó được Đảng, Nhà nước cử đi học ở Liên Xô rồi về làm giảng viên Trường Công an Trung Ương (nay là Học viện An ninh nhân dân); năm 1965 chiến trường miền Nam bước vào giai đoạn ác liệt, Chú Ba đã xung phong trở lại chiến trường miền Nam chiến đấu giải phóng quê hương, ông đã có mặt trên nhiều chiến trường ác liệt và giữ nhiều chức vụ quan trọng như Phó Văn phòng, Phó trưởng Tiểu ban Bảo vệ Chính trị, Đảng ủy viên ban An ninh Trung ương Cục miền Nam. Khi miền Nam giải phóng, ông giữ chức vụ Phó Cục trưởng Cục chống gián điệp, Giám đốc Công an, Phó Chủ tịch Đặc khu Vũng Tàu – Côn Đảo, Tổng cục phó Tổng cục An ninh, rồi Thứ trưởng, Thứ trưởng thường trực, và làm Bộ trưởng Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) vào thời điểm thật khó khăn (1992-1996). Nước ta bị các nước đế quốc bao vây, cấm vận; Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu sụp đổ. Lợi dụng cơ hội này, các thế lực thù địch trong và ngoài nước chống phá quyết liệt nhằm xóa bỏ Đảng Cộng sản Việt Nam và chế độ chủ nghĩa ở nước ta; tình hình tội phạm và trật tự xã hội diễn biến hết sức phức tạp. Trong bối cảnh đó, ông luôn thể hiện là người Cộng sản có bản lĩnh chính trị vững vàng, trung thành tuyệt đối với Đảng, với Tổ quốc và nhân dân, kiên trì mục tiêu xây dựng chủ nghĩa xã hội. Ông đã làm việc hết sức mình để góp phần bảo vệ Đảng, bảo vệ an ninh, trật tự của đất nước với tất cả lương tâm trong sáng của người Cộng sản, cùng tập thể lãnh đạo Bộ lãnh đạo chỉ đạo các lực lượng trong Công an đấu tranh đập tan âm mưu phá hoại của các thế lực thù địch trong và ngoài nước hòng xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng và chế độ Xã hội chủ nghĩa ở nước ta.

Các đồng chí Lãnh đạo Bộ Công an chụp ảnh với các đồng chí thư kí. Từ trái sang: đồng chí Võ Thái Hòa – người ngồi thứ hai, đồng chí Bùi Thiện Ngộ, đồng chí lê Thế Tiệm, đồng chí Nguyễn Khánh Toàn

Cuộc đời ông là hiện thân của sự hy sinh những quyền lợi của cá nhân, của gia đình để phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân. Tham gia kháng chiến xa nhà; khi đất nước giải phóng, được sống gần gũi gia đình một thời gian ngắn; đến khi ra Hà Nội làm thứ trưởng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ thì lại sống một mình trong căn nhà số 90 Trần Quốc Toản, không cảnh vệ, không có vợ con và người thân ở bên. Cuộc sống hết sức tùng tiệm, kham khổ. Anh em trong cơ quan góp ý về lối sống quá kham khổ, hy sinh giữ mình thái quá, ông nói: “Không phải tôi không thích xài đồ xịn, đồ tốt, xe ô tô, máy lạnh Nhật, song dân còn nghèo, nước còn nghèo thì phải phải tiết kiệm xây dựng đất nước. Các đồng chí thấy đấy: tôi mới đi Lada của Liên Xô sản xuất thì cấp dưới, cấp Cục đã xài ô tô Nhật, không biết tôi đi xe Nhật thì các đồng chí đó sẽ xài xe loại nào? Làm cán bộ cấp cao của Đảng, Bộ trưởng đứng đầu một bộ, mình phải gương mẫu, phải hy sinh những lợi ích cá nhân, gia đình thì mới nói, mới làm gương cho anh em được.”

Trải qua bao nhiêu khó khăn, gian khổ, phấn đấu hết mình vì sự nghiệp cách mạng của Đảng, nhưng lúc nào ông cũng canh cánh bên lòng là chưa làm được nhiều cho Đảng, cho dân. Ông nói: “Về cá nhân mình, hơn nửa thế kỷ công tác trong ngành Công an, từ tuổi thanh xuân đến lúc bạc đầu, mặc dù đã nỗ lực đến mức cao nhất để làm những việc có thể làm được với tất cả ý chí và lương tâm trong sạch của bản thân, đã cùng chia ngọt sẻ bùi, cùng chung gian lao khổ cực với biết bao đồng chí, đồng đội, nay người còn, người mất, qua những giai đoạn chiến đấu, trưởng thành của lực lượng, cho đến nay tôi vẫn còn nhiều băn khoăn, trăn trở vì nhiều việc chưa làm được như mong muốn của bản thân và đòi hỏi của đồng chí, đồng đội. Nhưng nuối tiếc thì không, bởi vì tôi đã nỗ lực cao nhất để làm những việc có thể làm được với tất cả ý chí và lương tâm trong sạch của mình”. (Trích phát biểu của đồng chí Bùi Thiện Ngộ tại Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ 52, tháng 12/1996).

Một trí tuệ thông mẫn, một tư duy chiến lược với tầm nhìn xa trông rộng

Bận giải quyết công việc hàng ngày như vậy nhưng Chú Ba luôn dành nhiều thời gian cho nghiên cứu, tự viết bài để phát biểu trong các hội nghị của Bộ Chính trị về những vấn đề phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, về xây dựng Đảng, xây dựng lực lượng Công an nhân dân cách mạng trong sạch, vững mạnh. Trong bài: “Quán triệt Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng, đổi mới toàn diện các mặt công tác và xây dựng lực lượng An ninh nhân dân” (Bài nói chuyện với cán bộ Tổng cục An ninh nhân dân, ngày 20/5/1987), ông viết: “ Lực lượng An ninh nhân dân phải quán triệt những vấn đề gì trong Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần VI với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật, đánh giá đúng sự thật. Trong công tác Công an có những việc ta đề ra nhưng làm hoài vẫn không đạt được yêu cầu hoặc có khi còn gây ra hậu quả ngược lại. Cho nên ta xem xét, đánh giá lại từ gốc, chủ trương có đúng không. Không thể chỉ kiểm điểm ở mặt thực hiện rồi tổ chức bằng công thức “tăng cường”, “đẩy mạnh”, ‘tích cực” mà không có cơ sở để thực hiện. Ta đã chủ trương “chấm dứt cái này”, “chấm dứt cái kia” nhưng chưa thể thực hiện được trong tình hình mà kinh tế - xã hội còn diễn biến phức tạp, vì thế ta làm hết năm này tháng khác vẫn không dứt được. Vấn đề quan trọng hiện nay không phải là tìm ra ai chủ trương sai để rồi đổi mới phù hợp với tình hình mới… Ví như kẻ thù lợi dụng tôn giáo để gây cản trở, phá hoại cách mạng rất dữ, nên ta muốn xóa bỏ tôn giáo càng nhanh càng tốt để làm mất cơ sở xã hội mà địch có thể lợi dụng, ta sớm được “rảnh rang” nhưng phải mất nhiều công sức đối phó với vấn đề rắc rối này nữa. Nhưng tín ngưỡng là vấn đề tâm linh của hàng triệu quần chúng nhân dân làm sao ta xóa bỏ nhanh được bằng các biện pháp hành chính mà không gây ra hậu quả xấu, vô hình chung làm cho đồng bào có đạo không tin tưởng vào chính sách tự do tín ngưỡng của ta, đẩy họ về phía bên kia để bảo vệ đạo hoặc ít ra cũng gây tâm lý mặc cảm trong lòng họ, như vậy làm sao họ hòa mình một cách thoải mái vào khối đại đoàn kết toàn dân tộc được”.

“Hay nói đến dân tộc cũng vậy, tại sao ở Tây Nguyên có tỉnh chỉ có một đến hai chục tên Fulro ốm đói ở ngoài rừng mà ta cứ nơm nớp lo ngại? Phải chăng ta chưa giải quyết được thật tốt vấn đề dân tộc”. Khi đạo Tin lành phát triển mạnh lên ở Tây Nguyên, ông đã nhìn nhận thấy vấn đề an ninh Tây Nguyên sẽ diễn biến phức tạp. Vì vậy có lúc ông đã có ý tưởng “đưa các nhà sư, thầy chùa lên Tây Nguyên, có sự hỗ trợ kinh phí của Nhà nước để tranh giành tín đồ với đạo Tin Lành, dù sao đạo Phật cũng có tính bản thiện và đã đồng hành cùng dân tộc trong quá trình lịch sử phát triển của đất nước, của dân tộc Việt Nam”…

 (Còn tiếp)

Trích bài viết của Vũ Thanh Hoa – Thiếu tướng, Chánh Văn phòng Bộ Công an, Nguyên Thư Ký Bộ trưởng Bùi Thiện Ngộ (Hà Nội, tháng 5 năm 2010)

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến