Bộ trưởng Thăng nói về quy định “siết” phi công chuyển việc
06/05/2015 14:40:51
Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng khẳng định quy định “siết” phi công chuyển việc của dự thảo Thông tư không trái với bộ Luật Lao động hiện hành, vì theo đặc thù ngành vận tải hàng không, thực tiễn áp dụng của các hãng hàng không trong nước, kế hoạch khai thác, kinh doanh và lịch bay mùa đều được lập theo chu kỳ 6 tháng (180 ngày).

Tin liên quan

Quy định "siết" phi công chuyển việc không trái với bộ Luật Lao động hiện hành

Vào giữa tháng 4, Bộ GTVT đã lấy ý kiến về dự thảo Thông tư bổ sung một số điều trong Phần 12 và Phần 14 Bộ quy chế An toàn hàng không dân dụng lĩnh vực tàu bay và khai thác tàu bay ban hành kèm theo

Thông tư số 01/2011/TT-BGTVT. Hiện dự thảo Thông tư vẫn đang được lấy ý kiến cho đến hết ngày 30/6/2015. Theo kế hoạch, dự thảo Thông tư này sẽ chính thức có hiệu lực vào ngày 1/7/2015.

Ngay sau khi được lấy ý kiến, dự thảo Thông tư này đã gây nhiều tranh cãi vì được cho là trái với quy định của Luật Lao động hiện hành.

Cụ thể, dự thảo Thông tư quy định: Đối với nhân viên hàng không trình độ cao nếu muốn đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trước thời hạn phải thông báo bằng văn bản cho người khai thác tàu bay 180 ngày trước ngày dự kiến chấm dứt hợp đồng để người khai thác tàu bay lập kế hoạch duy trì hoạt động bảo đảm khai thác tàu bay theo kế hoạch bay đã được phê duyệt.

Trường hợp thời hạn kết thúc hợp đồng vào tháng 6, tháng 7 của năm thì hợp đồng lao động sẽ kéo dài đến hết tháng 7 của năm đó. Trường hợp thời hạn kết thúc hợp đồng lao động vào tháng 1 hoặc tháng 2 của năm thì thời hạn hợp đồng lao động sẽ kéo dài đến hết tháng 2 của năm đó.

Tuy nhiên, theo Bộ Luật Lao động hiện hành quy định “Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, nhưng phải báo cho người sử dụng lao động biết trước ít nhất 45 ngày...”.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Thăng cho rằng quy định của dự thảo Thông tư không trái với bộ Luật Lao động hiện hành, vì theo đặc thù ngành vận tải hàng không, thực tiễn áp dụng của các hãng hàng không trong nước, kế hoạch khai thác, kinh doanh và lịch bay mùa đều được lập theo chu kỳ 6 tháng (180 ngày).

Ngoài ra, theo quy định của ICAO, các phi công phải được khám sức khỏe định kỳ 6 tháng/lần và phải được huấn luyện định kỳ 6 tháng/lần.

“Như vậy, việc ban hành Thông tư nhằm bảo đảm vừa phù hợp với yêu cầu của ICAO vừa phù hợp với pháp luật trong nước và tình hình thực tiễn tại Việt Nam. Đặc biệt, dự thảo Thông tư tuân thủ theo đúng quy trình của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật và không trái với quy định của Bộ luật Lao động”, Bộ trưởng Thăng nhấn mạnh.

Bộ trưởng Thăng còn cho biết bộ có cơ sở pháp lý để ban hành Thông tư này. Cụ thể, Điều 70 của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam giao thẩm quyền cho Bộ trưởng Bộ GTVT quy định chi tiết về chế độ lao động, kỷ luật lao động đặc thù đối với nhân viên hàng không.

Còn về cơ sở thực tiễn, Bộ trưởng Thăng cho rằng, để tàu bay được đưa vào khai thác hiệu quả, đảm bảo hoạt động thường xuyên, ngoài các điều kiện về vất chất kỹ thuật thì phương án nhân lực khai thác và bảo dưỡng tàu bay là yếu tố quyết định đến sự ổn định, an toàn trong hoạt động khai thác.

“Nguồn nhân lực này không có sẵn trên thị trường lao động Việt Nam mà thường do các hãng hàng không tự huấn luyện, bỏ chi phí để đào tạo và sử dụng hoặc phải đi thuê trên thị trường lao động quốc tế với chi phí lớn. Đây là nhân viên trực tiếp quan trọng nhất liên quan đến hoạt động khai thác, có trình độ cao, cần thời gian huấn luyện, tích lũy lâu dài (là những lao động đặc thù trong ngành hàng không)”, Bộ trưởng Thăng nhấn mạnh.

Thời gian qua, với áp lực cạnh tranh giữa các hãng hàng không đã xuất hiện hiện tượng “câu” người của hãng hàng không khác, mà cụ thể là của VietnamAirlines. Nhiều nhân viên hàng không kỹ thuật cao của Vietnam Airlines xin nghỉ việc để sang làm việc tại hãng hàng không khác, các nhân viên này bao gồm cả phi công, điều hành khai thác bay và bộ phận bảo dưỡng tàu bay.

Hiện bộ vẫn đang chờ phản hồi từ các cơ quan bộ ngành có liên quan. Cho đến nay những bộ có vai trò quan trọng như Bộ Tư pháp, Bộ Lao động thương binh và xã hội, Tổng liên đoàn lao động Việt Nam vẫn chưa có phản hồi với bộ GTVT về dự thảo Thông tư này.

“Bộ vẫn chờ ý kiến góp ý chính thức của các Bộ ngành này rồi mới có quyết định cuối cùng về Thông tư. Nếu những cơ quan này có ý kiến không đồng thuận với quy định bổ sung trong dự thảo Thông tư thì bộ sẽ điều chỉnh sao cho phù hợp với Bộ Luật Lao động hiện hành”, Bộ trưởng Thăng nhấn mạnh.

Theo bizlive.vn


 

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến