C2, Rồng Đỏ nhiễm chì vẫn lưu thông: URC chịu trách nhiệm thế nào?
14/07/2016 06:21:24
ANTT.VN – Bị phạt 5,8 tỉ đồng và buộc phải thu hồi các sản phẩm nhiễm chì song Công ty URC Việt Nam vẫn để người tiêu dùng bắt gặp sản phẩm trong diện bị thu hồi đang lưu thông trên thị trường.

Tin liên quan

Đã hơn một tháng kể từ khi Cục Quản lý cạnh tranh (QLCT, Bộ Công thương) ra quyết định buộc Công ty TNHH URC Hà Nội thu hồi các lô nước C2 Trà xanh hương chanh và nước tăng lực Rồng đỏ có hàm lượng chì vượt tiêu chuẩn công bố.

Thế nhưng, theo phản ánh của báo chí thì Công ty URC Việt Nam vẫn “vô tư” để cho các sản phẩm C2 có hàm lượng chì vượt mức quy định lưu thông trên địa bàn tỉnh Phú Yên.

Một chai C2 thuộc diện bị thu hồi bị bạn đọc bắt gặp đang lưu thông tại Phú Yên ngày 6/7/2016

Mới đây, vào cuối tháng 6/2016, một sinh viên đại học đã phát hiện chai C2 hương chanh thuộc lô sản xuất đã được chông bố có hàm lượng chì vượt ngưỡng công bố tại một quán cafe trên địa bàn tỉnh Phú Yên.

Theo phản ánh của báo chí, ngày 6/7/2016, khi phóng viên báo này thử khảo sát một số quầy tạp hóa ở huyện Phú Hòa (tỉnh Phú Yên) thì phát hiện ở quầy tạp hóa T.S thôn Phong Hậu, xã Hòa Hội, huyện Phú Hòa có nhiều chai C2 thuộc diện bị thu hồi.

Theo PV báo này, khi được hỏi, chủ quầy tạp hóa thừa nhận, dù biết thông tin một số lô nước C2 và nước tăng lực Rồng đỏ bị buộc thu hồi qua báo đài, nhưng đến giờ chị không thấy người của nhà sản xuất, hay đại lý phân phối xuống kiểm tra để thu hồi các sản phẩm nên chị vẫn bán.

Chủ quầy tạp hóa ở địa chỉ 157, Yết Kiêu, thuộc Khối phố 6, P. Phú Đông cho hay, cửa hàng của chị chủ yếu bán hàng cho các ghe thuyền đánh bắt xa bờ, nên một ngày có thể tiêu thụ hàng chục thùng nước ngọt hiệu C2 cho các tàu cá.

Như vậy, cho đến nay những sản phẩm thuộc lô hàng đã bị cấm tuyệt đối và phải thu hồi vẫn đang ngang nhiên lưu hành trên thị trường. Dư luận đặt câu hỏi trách nhiệm của Công ty URC Việt Nam với người tiêu dùng đang ở đâu? Vì lợi nhuận mà họ vẫn bất chấp lệnh thu hồi, để cho sản phẩm độc hại trôi nổi trên thị trường để đầu độc người dân hay công ty này đang thách thức pháp luật Việt Nam?

Trao đổi với ANTT.VN, luật sư Nguyễn Quang Ngọc (Giám đốc Công ty Luật Quốc Tế Thiên Việt (VIETSKY LAW FIRM), Giám đốc Trung tâm pháp luật – Hiệp hội Chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu Việt Nam, thành viên Đoàn luật sư Hà Nội) cho biết:

Luật sư Nguyễn Quang Ngọc

URC đã vi phạm cam kết với khách hàng về chất lượng sản phẩm bán ra. Ngoài việc bị cơ quan quản lý xử phạt và cưỡng chế thu hồi sản phẩm vi phạm tiêu chauanr công bố, người tiêu dùng hoàn toàn có quyền khởi kiện theo quy định tại Mục 6 Điều 8 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Điều 8 của Luật này quy định về “Quyền lợi của người tiêu dùng”, trong đó mục 6 nêu rõ người tiêu dùng có quyền: “Yêu cầu bồi thường thiệt hại khi hàng hóa, dịch vụ không đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, chất lượng, số lượng, tính năng, công dụng, giá cả hoặc nội dung khác mà tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đã công bố, niêm yết, quảng cáo hoặc cam kết”.

Trường hợp Công ty URC không thu hồi hoặc tiếp tục cho lưu hành sản phẩm mà cơ quan chức năng ra quyết định cấm lưu hành (do độc hại) thì có thể áp dụng điều 76, điều 190 Bộ luật hình sự năm 2015 để truy cứu trách nhiệm hình sự pháp nhân thương mại.

Theo đó, Điều 76 Bộ Luật Hình sự 2015 quy định tội sản xuất, buôn bán hàng cấm (được quy định tại điều 190) là một trong những tội mà pháp nhân thương mại bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Điều 190 quy định về tội sản xuất, buôn bán hàng cấm. Trong đó Khoản 1 điều này quy định: Người nào sản xuất, buôn bán hàng hóa mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng, chưa được phép lưu hành, chưa được phép sử dụng tại Việt Nam thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

Nếu chứng minh được Công ty URC vi phạm có tính chất chuyên nghiệp (Mục d, Khoản 2, Điều 190) hoặc “Tái phạm nguy hiểm” (mục h, Khoản 2, Điều 190) thì có thể phạt tiền Công ty này từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 05 năm đến 10 năm.

Thậm chí, có thể phạt tù Công ty này từ 08 năm đến 15 năm nếu chứng minh được những sai phạm này dẫn đến thu lợi bất chính 500.000.000 đồng trở lên (mục b, Khoản 3, Điều 190).

Điều 79 Bộ Luật Hình sự 2015 còn quy định: Trong một hoặc một số lĩnh vực mà pháp nhân thương mại phạm tội gây thiệt hại hoặc có khả năng thực tế gây thiệt hại đến tính mạng của nhiều người, gây sự cố môi trường hoặc gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội và không có khả năng khắc phục hậu quả gây ra thì sẽ bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn.

Dư luận đang mong mỏi các cơ quan chức năng tăng cường các biện pháp thanh kiểm tra để buộc Công ty này phải nghiêm túc thực hiện việc khắc phục hậu quả vi phạm, đảm bảo an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng.

P.V

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến