Dòng sự kiện:
Cần cái nhìn thẳng thắn, khách quan để tăng tỷ lệ giải ngân vốn vay nước ngoài
31/08/2020 19:00:32
Sáng nay, 31/8, Bộ Tài chính tổ chức hội nghị trực tuyến với các địa phương tại 62 điểm cầu về giải ngân vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài của Chính phủ. Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà chủ trì hội nghị.

Thứ trưởng Trần Xuân Hà phát biểu tại hội nghị

Tích cực các hoạt động thúc đẩy

Qua theo dõi có thể thấy, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công nguồn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài của ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu cho các địa phương thời điểm Hội nghị tại Bộ Tài chính vào cuối tháng 6/2020 là 12,72% dự toán. Theo tổng hợp thì đến ngày 27/8/2020, con số này đã tăng lên mức 21,86% dự toán được các địa phương giao.

Đối với nguồn vốn Trung ương cho các địa phương vay lại, tỷ lệ giải ngân 8 tháng cũng mới chỉ đạt 29,3% dự toán được các địa phương giao. Tuy nhiên, để đạt được kế hoạch được giao, nhiệm vụ đặt ra cho 4 tháng cuối năm còn khá nặng nề.

Nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công nói chung và nguồn vốn vay nước ngoài nói riêng, trong năm 2020, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều biện pháp quyết liệt để chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương như: tổ chức 2 hội nghị giải ngân trực tuyến toàn quốc; tổ chức 7 đoàn công tác kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2020 tại một số bộ, cơ quan, địa phương do Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ trưởng Bộ Tài chính làm Trưởng đoàn; ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công.

Về phía Bộ Tài chính, Bộ cũng đã chỉ đạo các đơn vị có liên quan chủ động triển khai tích cực các giải pháp nhằm thúc đẩy giải ngân.

Cụ thể: ban hành các văn bản đôn đốc các cơ quan chủ quản, chủ dự án đẩy nhanh tiến độ phân khai, nhập Tabmis và giải ngân vốn đầu tư công, vốn vay nước ngoài; tổ chức Hội nghị sơ kết và thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài 6 tháng đầu năm. Sau đó, Bộ Tài chính đã có công văn báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình giải ngân vốn vay ODA, vay ưu đãi.

Bên cạnh đó, xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan; tổ chức 5 đoàn kiểm tra tình hình giải ngân vốn đầu tư công nói chung, trong đó có giải ngân nguồn vốn nước ngoài do Bộ trưởng Bộ Tài chính làm Trưởng đoàn tại các tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Hải Dương; 3 đoàn kiểm tra tình hình giải ngân vốn nước ngoài tại các địa phương do lãnh đạo Cục Quản lý nợ và Tài chính, lãnh đạo Vụ Đầu tư làm trưởng đoàn tại các địa phương: Hà Nội, TP. HCM, Quảng Nam, ...

Bộ Tài chính cũng đã có công văn gửi 57 ban quản lý dự án được giao kế hoạch vốn năm 2020 lớn (trên 100 tỉ đồng) đề nghị đăng ký kế hoạch giải ngân cụ thể từng tháng, từ tháng 8/2020 đến hết năm 2020 để phù hợp trong công tác giải ngân.

Hội nghị diễn ra tại 62 đầu cầu trực tuyến (trừ Bắc Ninh vì không có vốn giao)

Đã tích cực hơn nhưng vẫn chưa đạt yêu cầu

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Trần Xuân Hà cho biết: Tốc độ giải ngân các nguồn vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài của tháng 7 và tháng 8/2020 so với 6 tháng đầu năm có tích cực hơn nhiều, tốc độ bình quân tăng 16%.

Tuy nhiên, tổng hợp lại thì tốc độ giải ngân đến nay so với cùng kỳ các năm trước và so với yêu cầu quản lý vẫn là thấp. Nếu không có giải pháp tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc thì từ nay đến cuối năm, tỷ lệ vẫn sẽ không tăng nhiều.

Có thể nói, giải ngân là một nhân tố quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội năm 2020 và tạo đà phát triển cho những năm tiếp theo, nhất là trong bối cảnh chúng ta chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19.

Thủ tướng Chính phủ cũng đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương, chủ dự án cần nâng cao trách nhiệm trong công tác giải ngân, đồng thời chỉ đạo nếu các đơn vị không giải ngân được thì phải báo cáo để xem xét điều chỉnh kế hoạch và điều chuyển dự toán cho các bộ, ngành, địa phương khác có nhu cầu giải ngân.

Ở khía cạnh khác, theo Thứ trưởng Bộ Tài chính, tính chất của nguồn vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài là cấp phát vốn căn cứ vào Hiệp định vay với những điều khoản về thời hạn triển khai dự án và thời hạn giải ngân rất cụ thể. Nếu không giải ngân kịp trong thời hạn mà không được gia hạn thì sẽ bị hủy vốn.

“Việc hủy vốn khiến chúng ta phải chịu phí cam kết. Điều này sẽ gây ảnh hưởng lớn tới chất lượng, hiệu quả việc sử dụng vốn đầu tư công cũng như hoạt động vay vốn của Việt Nam” – Thứ trưởng nói.

Lãnh đạo Bộ Tài chính cũng hi vọng các địa phương sẽ chia sẻ thông tin đánh giá về giải ngân; cho biết những khó khăn, hạn chế vướng mắc; phân tích nguyên nhân; rà soát khả năng giải ngân, kể cả giai đoạn khóa sổ quyết toán và đối chiếu số liệu, ghi thu ghi chi và đánh giá khả năng giải ngân đến cuối năm,…để có cái nhìn thẳng thắn, khách quan, cụ thể và đưa ra giải pháp tích cực.

Tác giả: Hồng Vân

Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến