Dòng sự kiện:
Cần một cơ quan của Chính phủ đứng ra xây dựng sàn mua bán nợ
19/08/2018 19:00:12
Đó là nhận định của chuyên gia tài chính ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu (ảnh) trong cuộc phỏng vấn của Báo Hải quan xung quanh vấn đề xử lý nợ xấu.

Xin cho biết đánh giá của ông về kết quả xử lý nợ xấu của hệ thống ngân hàng tính đến thời điểm này?

Theo thông tin được công bố thì nợ xấu của hệ thống ngân hàng đã giảm xuống còn 2,18%. Về mặt con số thì kết quả này chứng tỏ trên sổ sách ngân hàng đã giảm được rủi ro nợ xấu. Đây là điều rất tích cực. Tuy nhiên, sau 5 năm nợ xấu chỉ giảm được 1,4%, theo tôi kết quả vẫn chưa thực sự khả quan.

Vấn đề là các ngân hàng vẫn chấp nhận rủi ro, khi vẫn cho vay BĐS, tiêu dùng, chứng khoán… những khoản này tạo ra nhiều rủi ro, do đó nợ xấu vẫn ở mức trên 2%. Một ngành ngân hàng có độ rủi ro thấp, tín dụng mang tính an toàn thì nợ xấu phải không quá 1%.

Tôi cũng cho rằng, con số nợ xấu như công bố có thể không phản ánh toàn bộ số nợ xấu trên toàn hệ thống. Bởi hiện nay nợ xấu của nền kinh tế vẫn còn nằm ở VAMC, nếu cộng cả hai con số nợ xấu trên hệ thống ngân hàng và nợ xấu tại VAMC thì không phải là 2,18% mà sẽ nhiều hơn. Do đó, phải có cái nhìn tổng thể, vì nợ xấu đang nằm trong hệ thống sổ sách của VAMC thực chất vẫn là nợ xấu của ngân hàng.

Chuyên gia tài chính ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu

Ngân hàng vẫn phải có trách nhiệm xử lý số nợ xấu này và nó vẫn tiếp tục ảnh hưởng tới hệ thống tài chính của ngân hàng. Theo quan điểm của tôi, không thể tách nợ xấu ở VAMC ra khỏi sổ sách của hệ thống ngân hàng. Vì thế, theo tôi những báo cáo chỉ tính số nợ xấu trên hệ thống sổ sách của ngân hàng là vẫn phiến diện.

Theo ông, có những vướng mắc nào vẫn chưa thực sự được tháo gỡ trong quá trình xử lý nợ xấu thời gian qua, đặc biệt là sau khi có Nghị quyết 42?

Về xử lý nợ xấu từ khi Nghị quyết 42 ra đời, có thể nói nghị quyết này mở ra những bước mới để xử lý nợ xấu về mặt pháp lý, nhưng trên thực tế còn nhiều vướng mắc, một trong những vướng mắc lớn là xử lý tài sản đảm bảo. Nghị quyết 42 cho phép các ngân hàng thu hồi tài sản đảm bảo ngay cả khi người đi vay chống đối, không hợp tác, nhưng trên thực tế con nợ không hợp tác thì việc xử lý lại rất khó khăn.

Bên cạnh đó, một trong những khó khăn nữa là hệ thống tài chính của mình cho phép chủ đầu tư huy động vốn để phát triển dự án BĐS. Tuy nhiên, khi BĐS bị ngân hàng thu hồi thì trong đó có những tài sản BĐS mà người dân đã đóng đủ tiền. Khi đã đóng đủ tiền thì đương nhiên họ phải là chủ sở hữu và chắc chắn sẽ không để ngân hàng siết nợ với tài sản đã thuộc sở hữu của họ. Thông thường, người dân đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính thì căn hộ của họ theo đó đã phải được giải chấp ở ngân hàng. Nhưng trong nhiều trường hợp không phải như vậy. Nhiều vướng mắc phát sinh từ vấn đề này, dẫn tới việc thu hồi tài sản đảm bảo khu xử lý nợ xấu gặp khó khăn.

Giải quyết tận gốc vấn đề nợ xấu phải có thị trường mua bán nợ thực sự. Để hình thành chợ mua bán nợ như vậy, theo ông, cần thực sự lưu ý vấn đề nào?

Tôi cho rằng hàng hóa, người mua, người bán trên thị trường mua bán nợ, trong đó có nợ xấu ở Việt Nam không thiếu, nhưng một cơ quan đứng ra tổ chức thị trường này thì chưa có. Ngân hàng Nhà nước hình như vẫn chưa sẵn sàng để chủ trì hoạt động mua bán nợ. Tôi cho rằng cần một cơ quan của Chính phủ đứng ra xây dựng sàn mua bán nợ, VAMC phải trở thành thành viên đầu tiên và là thành viên có khả năng nhất của việc mua bán nợ.

Tuy nhiên, hiện nay đang thiếu khung pháp lý cho việc hình thành thị trường mua bán nợ. Nghị quyết 42 mới chỉ mở đường cho việc hình thành thị trường này, chứ chưa có quy định về thị trường. Cần phải có những quy định về hoạt động của thị trường tương tự như thị trường chứng khoán; cần phải có một ủy ban đứng ra để quản lý, giám sát hoạt động, những yêu cầu, quy định đối với người tham gia thị trường, việc giao dịch mua bán cũng có quy định pháp luật. Bên cạnh đó, cần phải có cơ sở hạ tầng cho thị trường này.

Việc hình thành sàn giao dịch mua bán nợ cũng có nghĩa là phải có nơi đấu giá mua bán nợ, tất cả những thông tin về khoản nợ đều minh bạch: Nợ ở đâu, thuộc loại hình nào, giá trị nguyên thủy của nó là bao nhiêu, giá trị thị trường là như thế nào… Các bên sẽ trao đổi mua bán các khoản nợ này thông qua đấu giá.

Ở Mỹ, thị trường mua bán nợ rất mở, diễn ra thường xuyên và đại trà, không có sàn riêng cho việc mua bán nợ. Ai cũng có thể mua nợ, các ngân hàng có thể tự mua bán nợ của nhau. Ở Việt Nam thì không thể như thế được, vì việc mua bán nợ cần ở trong khuôn khổ với những quy định chặt chẽ, vì thế, cần thành lập sàn để các khoản nợ được mua bán chính thống. Sau này khi thị trường đã lớn thì có thể được mở rộng hơn.

Là cơ quan có nhiệm vụ mua bán nợ xấu của ngân hàng, nhưng vốn điều lệ của VAMC là 2.000 tỷ đồng, trong khi thực tế doanh số mua nợ theo giá trị thị trường của VAMC đã đạt hơn 3.000 tỷ đồng. Với quy mô vốn điều lệ còn khiêm tốn nói trên thì rất khó để đẩy mạnh hoạt động mua bán nợ theo giá thị trường. Theo ông, vấn đề này cần giải quyết như thế nào?

Vốn tự có của VAMC hiện nay qúa nhỏ, nếu dùng vốn đó để mua nợ xấu thì chỉ mua vài tòa chung cư là hết. Do đó phải tăng vốn cho cơ quan này và thậm chí để mua bán nợ, cơ quan này phải có khả năng vay vốn nước ngoài. Nhờ vốn điều lệ, vốn vay, VAMC mua nợ của các ngân hàng và có thể bán lại cho các nhà đầu tư khác.

Nhưng vướng ở chỗ, việc vay vốn rất khó, vì vay phải có trách nhiệm trả nợ, nhưng vốn tự có quá thấp thì không thể vay được số vốn lớn cần thiết. Trừ trường hợp những khoản nợ của cơ quan này được Ngân hàng Nhà nước bảo lãnh. Còn nếu tự thân đi vay dựa trên khả năng tài chính của DN thì rất khó vay, mà nếu không vay được thì không có khả năng mua được những tài sản lớn của ngân hàng. Đó là điểm khúc mắc tôi đã từng đề cập cách đây 5 năm.

VAMC cần được trang bị nguồn vốn lớn để đủ khả năng mua bán nợ. Hiện VAMC mua nợ xấu bằng việc phát hành trái phiếu đặc biệt, điều này mới chỉ như là “bãi đỗ xe cho các loại nợ xấu” chứ không phải mua đứt bán đoạn. Vì thế, điều đầu tiên, vốn điều lệ của VAMC cần phải được tăng lên ở mức tối thiểu là 20.000 tỷ đồng.

Cũng có thể tính tới cố phần hóa DN này. Có hai cách, một là cổ phần hóa với các nhà đầu tư là nhà đầu tư trong nước. Hai là, nếu muốn huy động vốn rộng rãi thì có thể tính tới huy động nhà đầu tư nước ngoài, phải chấp nhận sự hoán đổi. Nếu muốn VAMC hoàn toàn trong sự kiểm soát của mình thì việc bán cổ phần sẽ giới hạn. Còn nếu theo nguyên tắc kinh tế thị trường thì chấp nhận nhà đầu tư nước ngoài. Điều này cần tính toán.

Cuối cùng, theo quan điểm cá nhân, tôi nghĩ rằng để VAMC có thể đóng vai trò chủ yếu trong thị trường mua bán nợ, tạo ra sàn mua bán nợ thì phải cổ phần hóa như công ty tư nhân, có như thế mới đủ khả năng tạo ra thị trường mua bán nợ như Nghị quyết 42 đã đưa ra.

Xin cảm ơn ông!

TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV:

“Cần phải bổ sung chủ thể tham gia cũng như phương thức mua bán nợ, thậm chí cần phải chứng khoán hóa nợ xấu. Vì thế, cơ quan đầu mối cho việc xử lý nợ xấu nên là Bộ Tài chính, cơ quan này sẽ đứng ra thúc đẩy chủ thể tham gia thị trường mua bán nợ như: Hiệp hội, DN mua bán nợ, DN nhận ủy thác mua bán nợ từ phía nhà đầu tư nước ngoài... Ngoài ra, các cơ quan quản lý cần xúc tiến phát triển thị trường thứ cấp, các ngân hàng tăng năng lực cho các công ty mua bán nợ của mình...

Tại nhiều nước châu Á có đặc điểm tương đồng với Việt Nam như Trung Quốc, Hàn Quốc đã khá thành công trong việc phát triển thị trường mua bán nợ với sự tham gia rộng rãi của các nhà đầu tư tư nhân. Tuy nhiên, hiện thị trường mua bán nợ tại Việt Nam chưa phát triển do khung pháp lý chưa hoàn chỉnh, khó khăn trong việc định giá và đánh giá mức độ tín nhiệm các khoản nợ. Việc thiếu cơ sở dữ liệu bao quát về nợ xấu cũng là một cản trở lớn trong việc thu hút nhà đầu tư tham gia thị trường mua bán nợ”.

Bà Nguyễn Thị Thanh Sơn, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt:

“Báo cáo tài chính của Ngân hàng Bưu điện Liên Việt trong 6 tháng đầu năm 2018 cũng như năm 2017 cho thấy, Bưu điện Liên Việt là ngân hàng có số dư nợ xấu trên hệ thống sổ sách cũng như số dư nợ xấu đã bán cho VAMC vào hàng thấp nhất trong hệ thống ngân hàng. Tôi được biết, toàn bộ nợ xấu của toàn hệ thống ngân hàng vào khoảng 7,04% bao gồm cả nợ xấu sổ sách và nợ xấu của VAMC. Nếu nợ xấu trung bình của toàn ngành là 7,04%, thì nợ xấu của Bưu điện Liên Việt là 3% bao gồm cả nợ xấu đã bán cho VAMC. Nợ xấu trên sổ sách của chúng tôi cũng rất thấp, vào khoảng 1,04-1,1%, quy mô nợ xấu của chúng tôi không lớn. Trong 6 tháng đầu năm, Ngân hàng đã thực hiện thu hồi được nợ xấu trên thực tế là gần 500 tỷ đồng. Công tác quản lý xử lý nợ xấu trong ngành ngân hàng là tương đối chặt, chúng tôi có giám sát và xử lý nợ xấu không chỉ ở hội sở mà còn có cả hội sở đặt ở các đơn vị kinh doanh”.

N.H (ghi)

 
Theo Hải quan
Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến