Dòng sự kiện:
Cần thêm chế tài đối với giao dịch bất minh của sếp doanh nghiệp
11/07/2019 13:01:26
Tình trạng lãnh đạo doanh nghiệp và người liên quan có những hành vi bất minh trong giao dịch cổ phiếu đã tồn tại từ nhiều năm nay mà chưa có biện pháp xử lý hữu hiệu, gây bức xúc trong cộng đồng nhà đầu tư.

Để tăng niềm tin, tính minh bạch cho thị trường, nhiều ý kiến đề xuất cần bổ sung vào Dự thảo Luật Chứng khoán các chế tài mới theo hướng tăng nặng với những đối tượng này.

Hành vi giao dịch "chui" cổ phiếu của lãnh đạo doanh nghiệp và người có liên quan vẫn khá phổ biến.

Nhan nhản vi phạm

Trong 6 tháng qua, một trong những hành vi vi phạm phổ biến thường bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) xử phạt là lãnh đạo doanh nghiệp phạm quy định về minh bạch thông tin trong quá trình giao dịch cổ phiếu.

Chẳng hạn, vào ngày 3/7, Thanh tra UBCK đã xử phạt ông Huỳnh Công Tấn, Thành viên HĐQT CTCP Cấp nước Cà Mau (mã CMW - sàn UPCoM) số tiền 17,5 triệu đồng vì báo cáo không đúng thời hạn về dự kiến giao dịch cổ phiếu. Cụ thể, ông Tấn đã bán 91.000 cổ phiếu CMW vào ngày 17/4/2018, trong khi từ ngày 18/4/2018 đến ngày 15/5/2018 mới được phép thực hiện giao dịch.

 

Mức phạt 55 triệu đồng cũng vừa được UBCK áp dụng đối với ông Phạm Thế Trọng Toản, Phó giám đốc CTCP Vận tải thủy - Vinacomin (mã WTC - sàn UPCoM) vì mua 695.001 cổ phiếu WTC, nhưng không báo cáo về dự kiến giao dịch cho UBCK và Sở GDCK.

 

Không chỉ lãnh đạo công ty giao dịch cổ phiếu “chui”, mà người có liên quan đến các lãnh đạo chủ chốt của doanh nghiệp cũng giao dịch cổ phiếu với số lượng lớn nhưng không báo cáo cơ quan quản lý, tổ chức thị trường, dẫn đến gia tăng sự nghi ngờ về tình trạng lợi dụng ưu thế biết trước thông tin để tiến hành các giao dịch cổ phiếu nhằm trục lợi.

Đơn cử, mới đây, UBCK đã phạt bà Nguyễn Thị Mai, người liên quan với ông Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư và phát triển công nghiệp Bảo Thư (mã BII - sàn HNX) số tiền 55 triệu đồng vì đã mua 756.700 cổ phiếu BII, nhưng không báo cáo UBCK, HNX trước khi thực hiện giao dịch...

Ngoài đặt dấu hỏi liệu tất cả lãnh đạo doanh nghiệp và người thân của họ giao dịch “chui” cổ phiếu đều bị phát hiện và xử phạt, một chi tiết khác được nhà đầu tư quan tâm là nhà quản lý có làm rõ phía sau động thái lãnh đạo doanh nghiệp giao dịch “chui” cổ phiếu là gì, hay chỉ phát hiện vi phạm là xử lý? Nếu biết lý do, tại sao không công khai cho thị trường, nhà đầu tư nắm bắt? Ở đây liệu có dấu hiệu của giao dịch nội gián để trục lợi hay không? 

Dưới góc nhìn của một chuyên gia quốc tế, ông Eiichiro Kawabe, Phó chủ tịch Cơ quan Dịch vụ tài chính Nhật Bản (JFSA) cho rằng, trong số các giao dịch không công bằng trên thị trường chứng khoán thì nổi cộm là giao dịch nội gián. Nhiều lãnh đạo doanh nghiệp, cũng như những người có liên quan đến họ lợi dụng lợi thế nắm bắt sớm các thông tin về hoạt động của doanh nghiệp để tiến hành các giao dịch không công khai, giao dịch nội gián nhằm trục lợi. Nếu nhà quản lý không đủ sắc bén trong triển khai các biện pháp ngăn chặn hành vi sai trái này thì sẽ làm xói mòn lòng tin của nhà đầu tư vào thị trường...

Đồng quan điểm, TS. Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội nhìn nhận, chứng khoán là hàng hóa có nguy cơ cao rơi vào trạng thái thông tin bất đối xứng. Do vậy, cần sớm giải quyết tình trạng này để tránh tác động xấu đến sự phát triển lành mạnh, cũng như tính minh bạch của thị trường chứng khoán...

Cần buộc “sếp” doanh nghiệp thêm minh bạch

Thực tế, tình trạng lãnh đạo doanh nghiệp và người liên quan giao dịch “chui” cổ đã tồn tại từ nhiều năm qua, nhưng đến nay vẫn thiếu những giải pháp mới mang tính hữu hiệu để phòng ngừa, cũng như chế tài xử lý đủ sức răn đe. Đây là lý do nhiều ý kiến đề xuất cần bổ sung vào dự thảo Luật Chứng khoán các chế tài mới theo hướng tăng nặng đối với những đối tượng này để kịp trình Quốc hội xem xét thông qua vào cuối năm nay.

Để tăng tính răn đe với hành vi lãnh đạo doanh nghiệp niêm yết và người thân lợi dụng ưu thế biết trước thông tin để giao dịch cổ phiếu vì bất kể động cơ nào, một nhà đầu tư ở CTCK SSI đề xuất, cần bổ sung nhiều quy định mới vào dự thảo Luật Chứng khoán. Theo đó, điều quan trọng là cần có quy định buộc lãnh đạo doanh nghiệp và người liên quan giải trình rõ động cơ giao dịch cổ phiếu “chui”.

Đương nhiên, đây không thể là kiểu giải trình mang tính hình thức như hiện nay, mà cần được rõ ràng, công khai cùng với quyết định xử phạt vi phạm hành chính của UBCK. Một khi nội dung giải trình này bị phát hiện là gian dối, cần có quy định khiến lãnh đạo công ty niêm yết và người liên quan ngoài chịu chế tài xử phạt tăng nặng về tiền, đồng thời với cấm giao dịch cổ phiếu trong một khoảng thời gian nhất định...

Ý kiến từ phía luật sư cho rằng, dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi cần phân định rạch ròi hơn ranh giới giữa xử lý hành chính và hình sự, từ đó giúp cơ quan quản lý thuận lợi hơn trong áp dụng chế tài hình sự trong xử lý các trường hợp vi phạm, nhằm gia tăng tính răn đe với hành vi giao dịch nội gián, tránh tình trạng chế tài hình sự mãi có hiệu lực “trên giấy” như hiện tại.

Tăng cường áp dụng các chế tài hình sự là rất quan trọng để cải thiện tính răn đe với hành vi giao dịch nội gián

Ông Eiichiro Kawabe, Phó chủ tịch Cơ quan Dịch vụ tài chính Nhật Bản (JFSA)

Hoạt động minh bạch thông tin của doanh nghiệp là nền tảng rất quan trọng để phân bổ tài nguyên hiệu quả trên thị trường vốn. Điều đó đòi hỏi thông tin của doanh nghiệp phải được cung cấp ra thị trường chính xác, đầy đủ và dễ hiểu. Để đấu tranh có hiệu quả với các giao dịch không công bằng nói chung, giao dịch nội gián nói riêng, cần sự hợp sức vào cuộc của các bên tham gia thị trường, chứ riêng cơ quan quản lý là chưa đủ, khó đạt hiệu quả như mong đợi.

Đương nhiên, vai trò của nhà quản lý rất quan trọng, vì nếu không chứng minh được cho thị trường thấy rằng, tính hiệu của của các quy định pháp lý, cũng như chế tài được áp dụng trên thực tế, thì nhà đầu tư sẽ mất lòng tin vào thị trường. Nói cách khác, một khi những vi phạm không được trừng trị thích đáng, thì không những chẳng khích lệ những nhà đầu tư nghiêm túc tuân thủ quy định, mà còn khiến cho họ nảy sinh những cái nhìn không tích cực.

Bởi vậy, bên cạnh tăng thẩm quyền cho cơ quan quản lý, điều quan trọng là cần tăng chế tài xử phạt. Kinh nghiệm ở Nhật Bản cho thấy, cùng với gia tăng mức phạt tiền, tăng cường áp dụng các chế tài hình sự là rất quan trọng để cải thiện tính răn đe với hành vi giao dịch nội gián.

Về phía các thành viên thị trường, cần tăng cường vai trò của các hội nghề nghiệp trong việc thúc đẩy thói quen giao dịch công bằng, tích cực trao đổi thông tin để ngăn ngừa, phát hiện giao dịch nội gián để có giải pháp xử lý kịp thời, đảm bảo tính răn đe. 

Theo đại diện UBCK, trong quá trình xử lý các trường hợp lãnh đạo và người có liên quan vi phạm quy định về minh bạch thông tin khi giao dịch cổ phiếu, cơ quan quản lý đều yêu cầu đối tượng vi phạm giải trình rõ lý do vi phạm. Qua thực tiễn xử lý vi phạm cho thấy, các nguyên nhân vi phạm gồm: Đối tượng vi phạm thiếu hiểu biết quy định của pháp luật, do giao dịch nhầm ngày, công ty chứng khoán bán giải chấp cổ phiếu... Thông qua nắm bắt các nguyên nhân này, cơ quan quản lý xác định rõ các tình tiết vi phạm tăng nặng, hay giảm nhẹ, để đưa ra quyết định xử lý. Toàn bộ các trường hợp vi phạm đều bị xử lý theo đúng quy định của pháp luật. 

Do quy định của quy định pháp luật hiện hành, mà hiện mới công khai quyết định xử phạt vi phạm hành chính, chứ chưa công bố nguyên nhân đối tượng vi phạm là gì. Vấn đề này cần được xem xét trong quá trình hoàn thiện quy định pháp lý để thông tin công khai được minh bạch hơn.

Theo Đầu tư chứng khoán

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến