Chặng đường 7 năm với lãi suất “0%” của FED
16/12/2015 20:18:39
ANTT.VN – Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) được kì vọng sẽ tăng lãi suất ngay trong thứ Tư (đêm muộn ngày 16/12 giờ Việt Nam), sau 7 năm liên tục giữ con số này ở mức gần 0%.

Tin liên quan

Dưới đây là những cột mốc trong chính sách lãi suất của FED trong 7 năm qua.

1. Giảm lãi suất về 0% - 16/12/2008

Lãi suất của FED đã được giữ ở mức từ 0-0,25% trong 7 năm qua.

FED hạ thấp lãi suất về trong khoảng 0-0,25% kể từ cuối năm 2008 khi mà nền kinh tế nước này vào thời điểm đó đang chao đảo nghiêm trọng sau sự sụp đổ ngân hàng Lehman Brothers, đưa tới một cú sốc chưa từng có tiền lệ đối với hệ thống tài chính toàn cầu.

2. Tỉ lệ thất nghiệp kỉ lục – Tháng 10/2009

Tỉ lệ thất nghiệp của Mỹ đạt đỉnh vào tháng 10/2010.

Nền kinh tế Mỹ trong năm 2009 trung bình loại ra 424.000 nhân sự mỗi tháng, đẩy tỉ lệ thất nghiệp lên 10% vào tháng 10 năm đó, mức cao nhất kể từ năm 1983.

3. Dư chấn - 2010

Các NHTW đồng loạt giảm lãi suất về sát 0% khi khủng hoảng tài chính 2008 nổ ra. 

Tới năm 2010, hệ quả của cuộc khủng hoảng vẫn tiếp tục lan rộng khắp thế giới, thể hiện qua các chính sách tài chính nới lỏng của ngân hàng Trung ương các nước. Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) cắt lãi suất về 0,5% vào tháng 3/2009 và duy trì cho tới hiện nay (so sánh với mức 5,75% vào cuối năm 2007).

Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cho tới năm 2010 đã giảm lãi suất về 0,25% trong khi con số của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) cũng về sát 0% cho tới năm 2013.

4. Nợ công tăng “phi mã” – Tháng 7/2011

Lẽ dĩ nhiên là chính sách tài chính nới lỏng của FED sẽ phải đi theo hướng hồi phục nền kinh tế, qua đó đe dọa nợ công của Mỹ tiếp tục tăng cao. Nợ công của Mỹ đã tăng 15 lần từ mức 1.000 tỉ USD năm 2008 lên hơn 15.000 tỉ USD cuối quý II/ 2011.

Cùng với thâm hụt ngân sách, nợ công tăng nhanh là một trong những lý do được đưa ra bởi Standard & Poor’s hạ cấp triển vọng tín dụng của Mỹ xuống AA+ từ mức AAA.  

Ngày 02 tháng 8 năm 2011, Tổng thống Barack Obama ký thành luật Đạo luật kiểm soát ngân sách năm 2011, ngăn ngừa một khả năng vỡ nợ có thể xảy ra.

5. Dấu hiệu đảo chiều chính sách – Mùa hè 2013

Lãi suất trái phiếu kì hạn 10 năm của Mỹ giảm mạnh sau đề xuất của chủ tịch FED Ben Bernanke.

Vào tháng 5/ 2013, Chủ tịch FED lúc đó Ben Bernanke đã đề xuất lên Quốc hội Mỹ nên giảm tốc độ mua vào trái phiếu trong nửa còn lại của năm, dấu hiệu của chính sách tài chính thắt chặt khi mà những tín hiệu từ nền kinh tế đã bắt đầu tốt lên.

Động thái này đã làm thị trường tài chính nước này dao động mạnh, khiến lãi suất trái phiếu kì hạn 10 năm của Mỹ xuống mức kỉ lục khi mà tài sản này mất đi tính hấp dẫn trong mắt giới đầu tư.

6. Đồng USD mạnh lên – Mùa hè 2014

Giá trị đồng USD tăng lên liên tục kể từ mùa hè năm ngoái.

Đồng Bạc xanh đã tăng giá khoảng 21% kể từ giữa năm 2014. Đây cũng là một trong những vật cản lớn nhất trong nỗ lực đảo chiều chính sách tiền tệ của FED. Tăng trưởng yếu và chính sách nới lỏng trước đó đã đẩy nước Mỹ vào các khoản nợ khổng lồ được định giá bằng đồng Đô la, và FED tăng lãi suất sẽ đồng nghĩa với việc những khoản nợ này sẽ đè nặng lên kinh tế Mỹ trong ngắn và trung hạn.

7. Sự phá giá đồng Nhân dân tệ - Tháng 8/ 2015

Trung Quốc bất ngờ phá giá đồng NDT vào đầu tháng 8.

Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) đã gây sốc thị trường tài chính thế giới khi liên tiếp phá giá đồng NDT đầu tháng 8. Từ thời điểm đấy cho tới cuộc họp gần nhất của FED vào giữa tháng 9, hiệu ứng lan tỏa từ nền kinh tế lớn thứ hai đủ lớn để tác động tới chính sách của FED.

Chủ tịch FED Janet Yellen sau quyết định giữ nguyên lãi suất trong cuộc họp hồi tháng 9 đã thừa nhận rằng: “Chúng tôi lo ngại với những dấu hiệu kinh tế đang xấu đi trên toàn cầu, đặc biệt từ Trung Quốc”.

8. Hồi phục yếu

Tăng trưởng của Mỹ vẫn ở mức yếu.

Một lý do nữa khiến FED vẫn chưa thể đảo chiều chính sách lãi suất của mình là tăng trưởng của Mỹ vẫn chưa ở mức tốt. Nền kinh tế Mỹ đã trải qua một thời kì suy thoái kinh hoàng, và sự hồi phục trong một vài năm qua chưa đủ mạnh để bù đắp những thiệt hại trước đó.

Bên cạnh đó, kinh tế châu Âu và Nhật Bản đã bắt đầu xuất hiện những dấu hiệu tiêu cực kể từ đầu năm. ECB và JOB thậm chí còn sử dụng chính sách tài chính trái ngược với FED khi đang xem xét tiếp tục giảm lãi suất và tăng cường các gói Nới lỏng Định lượng (QE).

Nghi Điền (Theo Bloomberg)
 
Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến