Chây ì giảm cước vận tải: Sẽ ra chế tài xử lý
25/11/2014 21:21:00
ANTT.VN – Bộ Tài Chính và các chuyên gia cho rằng cần có chế tài xử lý đối với các DN vận tải cố tình chây ì trong việc giảm giá cước mặc dù giá xăng đã giảm liên tiếp 10 lần với tổng mức giảm là 5.390 đồng/lít.

Tin liên quan

Tin tức từ báo Thanh Niên, một lãnh đạo của Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) than phiền rằng với các mặt hàng thiết yếu nằm trong phạm vi quản lý của nhà nước, như: sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi, cước vận tải, điện, phân bón… còn có thể “ép” bằng cách thanh, kiểm tra; còn các mặt hàng khác hiện nay như lương thực, thực phẩm, sắt thép, xi măng… giá do Thị trường quyết định, thông qua yếu tố cung - cầu nên rất khó để can thiệp.

“Qua đợt kiểm tra giá cước vận tải vừa rồi, chúng tôi nhận thấy hầu hết các doanh nghiệp (DN) có tình trạng cố tình chờ đợi, kéo dài để ngâm giá. Khi vừa nghe thấy có đoàn kiểm tra họ mới công bố giảm giá cước”, một trưởng đoàn kiểm tra giá của Bộ Tài chính chia sẻ.

Sẽ có chế tài xử lý đối với những DN vận tải chây ì trong việc giảm giá cước.

Giá cước vận tải theo quy định Luật Giá, không nằm trong danh mục Nhà nước bình ổn giá mà chỉ thực hiện kê khai giá với cơ quan quản lý nhà nước về giá. Do đó, Bộ Tài chính đề nghị Bộ GTVT và các địa phương chỉ đạo các DN vận tải tính toán lại giá thành, thực hiện lại kê khai giá với các cơ quan chức năng theo biến động giảm của các yếu tố đầu vào. Nếu DN nào không thực hiện điều chỉnh giảm giá theo yêu cầu của cơ quan nhà nước thì sẽ có chế tài xử lý.

Theo  lãnh đạo Cục Quản lý Giá (Bộ Tài chính), giá xăng dầu chiếm 40%-50% cơ cấu giá cước vận tải, tính riêng biến động giá xăng giảm 1.140 đồng/lít trong ngày 22/11 vừa qua sẽ tác động giảm giá cước khoảng 500 đồng/km.

Trước đó, Bộ Tài chính có công văn nêu rõ xăng giảm liên tiếp lần thứ 9 nhưng cước vận tải là loại giá chịu sự tác động trực tiếp của giá xăng dầu chưa giảm tương ứng gây nên nhiều ý kiến trong dư luận xã hội. Bộ này cũng có công văn đề nghị Bộ Công thương phối hợp, rà soát, kiểm tra lại giá và yêu cầu các doanh nghiệp vận tải giảm giá. Kết quả, nhiều doanh nghiệp vận tải trên cả nước đã giảm cước.

Về vấn đề doanh nghiệp vận tải không chịu giảm giá cước dù xăng đã giảm, chuyên gia kinh tế TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) cho rằng: “Giá xăng giảm lần thứ 10 liên tiếp với tổng mức giảm là 5.390 đồng/lít nhưng doanh nghiệp (DN) vận tải nào không giảm giá cước thì nên tẩy chay và chuyển sang DN khác”.

Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam, ông Nguyễn Văn Thanh cũng  nêu ý kiến: “ các Sở Giao thông Vận tải ở từng địa phương nên công khai tên những doanh nghiệp vận tải chây lỳ giảm giá cước. Đây sẽ là hình phạt lớn nhất cho những doanh nghiệp này”.

Diệu Ly (tổng hợp)

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến