Chiến lược tỷ giá của Việt Nam có “ngược đời”?
28/05/2015 17:21:36
ANTT.VN - “Tỷ giá chính là yếu huyệt cạnh tranh của mỗi nền kinh tế. Nhìn trên bình diện hội nhập và thương mại quốc tế, rất ít nước muốn có đồng tiền mạnh. Các quốc gia muốn cạnh tranh, muốn cải thiện kinh tế chỉ muốn một đồng tiền yếu. Đồng tiền càng yếu thì càng có lợi cho hoạt động kinh doanh trong nước và cả xuất khẩu”.

Tin liên quan

Việt Nam và Trung Quốc có rất nhiều chính sách kinh tế giống nhau nhưng lại có một điểm cực kỳ khác biệt, đó là chiến lược tỷ giá đồng tiền”, nhận định này đã được TS. Huỳnh Thế Du, Giám đốc Đào tạo, Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fullbright đưa ra tại Hội thảo công bố Báo cáo thường niên Kinh tế Việt Nam 2015 vừa được Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách - VEPR tổ chức sáng nay (28/05/2015). Và theo vị chuyên gia kinh tế đã từng xuất sắc bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ Harvard chỉ sau 3 học kỳ này, thì “điểm cực kỳ khác biệt” nêu trên đã để lại cho Việt Nam một bài học đậm nét.

TS. Huỳnh Thế Du, Giám đốc Đào tạo, Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fullbright

Theo đó, từ Khủng hoảng tài chính Châu Á 1997 – 1998 và cả trước nữa, Trung Quốc liên tục theo đuổi chiến lược đồng tiền yếu để tạo ra lợi thế rất lớn cho xuất khẩu, còn Việt Nam thì lại lựa chọn một hướng hoàn toàn ngược lại, chiến lược đồng tiền mạnh.

Kết quả là, không nhìn đâu xa, đáng lý ra khi nền kinh tế Việt Nam với mức độ phát triển thấp hơn Trung Quốc thì phải là nước xuất siêu chứ không phải là nước nhập siêu tới gần 40 tỷ USD như hiệu nay. Còn nếu tính cả 20 tỷ USD nợ công nữa thì nó đã là 1/3 nền kinh tế - một con số vô cùng khổng lồ”, ông Du bình luận, “và theo nghiên cứu của tôi thì một trong những nguyên nhân cơ bản chính là  việc chúng ta đã định giá đồng tiền cao”.

Chiến lược tỷ giá: Nên mạnh hay yếu?

Củng cố luận điểm, TS. Huỳnh Thế Du đã viện dẫn một câu chuyện thực tiễn đến từ sự tương phản giữa  các nước Đông Á và các nước Đông Nam Á trong việc lựa chọn chiến lược kinh tế: hoặc là thay thế nhập khẩu hoặc là hướng về xuất khẩu.

Cụ thể, theo nghiên cứu “Lựa chọn thành công” mà Fullbright đã thực hiện vào vào năm 2008 thì mặc dù tất cả các nền kinh tế, kể cả Hàn Quốc, Đài Loan, Indonesia, Malaysia, Philippin, Thái Lan đều là những nền kinh tế lưỡng hệ, tức là vừa muốn thúc đấy xuất khẩu vừa muốn bảo trợ cho một số mặt hàng thay thế nhập khẩu; nhưng tựu chung lại, trong khi các nước như Hàn Quốc, Đài Loan hướng về xuất khẩu, định giá đồng tiền yếu, tạo lợi thế cạnh tranh, đồng thời kết hợp với nhiều yếu tố khác (đặc biệt là chú trọng đến ổn định kinh tế vĩ mô) để rồi gặt hái được những thành công to lớn thì các quốc gia Đông Nam Á lại theo đuổi chiến lược ngược lại là hướng về thay thế nhập khẩu và kết quả là việc định giá đồng tiền cao cộng với việc thực hiện chi tiêu công quá mức đã làm bùng phát lạm phát và bất ổn kinh tế vĩ mô.

Không chỉ có vậy, TS. Huỳnh Thế Du cũng tiếp tục chỉ ra một bài học tỷ giá khác đến từ câu chuyện lịch sử của Nhật Bản. Theo đó, vào năm 1949, khi Chính quyền Tokyo (bị cho là phụ thuộc vào Washington) quyết định điều chỉnh tỷ giá tăng lên mức 360 JPY đổi 1 USD (trong khi mức cao nhất trước đó chỉ là 150 JPY/USD), nhiều người dân Nhật Bản vì tinh thần dân tộc đã cảm thấy rất tổn thương nhưng kết quả sau này lại chứng minh quyết định trên chính là một “chìa khóa thành công” then chốt. Chính việc ấn định tỷ giá USD/JPY như vậy đã giúp nước Nhật cải thiện cạnh tranh trong nước cũng như thúc đẩy xuất khẩu, mở rộng thặng dư. Đến năm 1971 khi chế độ bản vị vàng sụp đổ, nhờ tỷ giá, Nhật Bản đã có quá nhiều lợi thế, tạo tiền đề cho một giai đoạn tăng trưởng thần kỳ.

Tỷ giá chính là yếu huyệt cạnh tranh của mỗi nền kinh tế. Nhìn trên bình diện hội nhập và thương mại quốc tế, rất ít nước muốn có đồng tiền mạnh. Các quốc gia muốn cạnh tranh, muốn cải thiện kinh tế chỉ muốn một đồng tiền yếu. Đồng tiền càng yếu thì càng có lợi cho hoạt động kinh doanh trong nước và cả xuất khẩu”, vị chuyên gia kinh tế này đúc rút, “về khía cạnh quốc gia, nhiều người vẫn nghĩ cái gì mạnh cũng tốt, kể cả đồng tiền, tuy nhiên chính tiềm thức đó đã gây ra một tổn hại vô cùng lớn”.

Trước lập luận tăng tỷ giá (làm yếu VND) sẽ làm gia tăng về áp lực trả nợ đối với nước ngoài, TS. Huỳnh Thế Du cho rằng, đó là “một quan niệm cực kỳ sai lầm”.

Sai lầm cơ bản nhất ở đây là việc nợ nước ngoài phải trả bằng đồng tiền nước ngoài. Khi đồng nội tệ yếu đi, nó sẽ làm cho hoạt động ngoại thương tốt lên giúp cho nền kinh tế thu được nhiều ngoại tệ, hay nói cách khác là năng lực trả nợ cũng sẽ được cải thiện. Chứ không phải là đồng tiền mạnh sẽ làm cho khả năng trả nợ tốt lên”, ông lý giải.

“Ý nghĩa cuộc sống là gì?”

Tuy nhiên, trong buổi Hội thảo, quan điểm của TS. Huỳnh Thế Du cũng đã vấp phải không ít ý kiến trái chiều, đặc biệt là từ phía các chuyên gia đã từng đảm nhiệm những cương vị hoạch định chiến lược.

TS. Cao Viết Sinh, nguyên Thứ trưởng Thường trực Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cho rằng tỷ giá là một vấn đề rất lớn và cần phải đặt trong một mối quan hệ vĩ mô, chứ không thể nào nói một cách đơn giản được.

Đặc biệt, người bàn tỷ giá phải biết rằng trong túi mình có bao nhiêu tiền. Nếu không, mình cứ bàn mà không biết trong túi mình có bao nhiêu tiền thì chắc là cũng khó bàn. Thứ hai, cũng phải lường hóa được cái tâm lý, cái niềm tin thị trường. Niềm tin mất đi thì dễ, có thể chỉ trong một tối nhưng lấy lại thì rất khó, phải mất nhiều tháng, thậm chí là nhiều năm. Phải tính hết cả những thứ đó chứ không chỉ là cân – đong – đo – đếm giữa xuất khẩu, lạm phát…”, ông chia sẻ.

TS. Cao Viết Sinh, nguyên Thứ trưởng Thường trực Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia

Bên cạnh đó, theo TS. Sinh, về cán cân thương mại, ở Việt Nam có một đặc điểm là xuất khẩu cũng thường bằng với nhập khẩu; mà trong cơ cấu nhập khẩu thì chủ yếu vẫn là nhập thiết bị, máy móc, nguyên, nhiên, vật liệu (95%), còn nhập khẩu tiêu dùng là khá hạn chế (5%), do đó, không thể chỉ hiểu đơn giản là phá giá đồng nội tệ để hạn chế nhập khẩu.

Chúng ta chỉ nói vậy, về mặt kỹ thuật thì tôi có thể ủng hộ còn về mặt tác nghiệp thì chúng ta cần phải đi sâu hơn một chút, trong cả vấn đề nợ công, vấn đề lạm phát, vấn đề tăng trưởng, vấn đề tâm lý,… Nói như ý kiến của chị Hồng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đó là lấy ổn định vĩ mô là trên hết chứ không phải là chúng ta chỉ có chăm chăm đồng tiền cao – đồng tiền thấp”, vị chuyên gia đã từng nhiều năm đảm nhiệm cương vị quản lý và điều hành vĩ mô chân thành chia sẻ.

Đồng quan điểm với nguyên Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Cao Viết Sinh, PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế - ĐHQG HN, Chủ tọa Hội thảo cũng cho rằng, tỷ giá là một vấn đề nhạy cảm và mang tính hệ thống.

Hiện nay đang tồn tại 2 câu hỏi rất khó trả lời. Một là “ý nghĩa cuộc sống là gì?”, còn thứ hai, đó là, “điều gì đang diễn ra trên thị trường ngoại hối?””, PGS.TS Phạm Hồng Sơn ví von một cách dí dỏm song cũng đầy hình tượng…

TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng VEPR đang công bố Báo cáo thường niên Kinh tế Việt Nam 2015

Thông tin trong Báo cáo thường niên Kinh tế Việt Nam 2015 “Tiềm năng hội nhập, Thách thức hòa nhập” vừa được VEPR công bố cho thấy, VND có xu hướng lên giá trong giai đoạn 2011 – 2014 và đang được định giá cao 7 – 11%.

Theo nhận định của nhóm tác giả, điều này sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến các ngành sử dụng đầu vào trong nước: nông nghiệp, chế biến nông nghiệp, công nghiệp nặng, công nghiệp nhẹ thâm dụng lao động và khai khoáng. Đây là những ngành tạo việc làm và tiến bộ năng suất của nền kinh tế.

Bên cạnh đó, những thay đổi đột ngột trong lượng khách du lịch tới Việt Nam gần đây, nhập siêu đang trở lại nhanh chóng, đều cần được xem xét dưới tác động của chính sách tỷ giá hiện nay.

Trên cơ sở đó, VEPR kiến nghị: Cần có một lộ trình phù hợp để đạt được mức tỷ giá cạnh tranh hơn cho Việt Nam, tối thiểu tiến về mức tỷ giá cân bằng; Mức điều chỉnh tỷ giá danh nghĩa nên lớn hơn khoảng cách giữa lạm phát của Việt Nam và thế giới.

Ninh Giang

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến