Dòng sự kiện:
Chính phủ đồng ý 3 dự án giao thông nghìn tỷ tại TP HCM
11/05/2017 19:33:13
Thủ tướng Chính phủ đồng ý bổ sung cầu thay thế phà Cát Lái, cầu Cần Giờ thay thế phà Bình Khánh và xây dựng đường song song với quốc lộ 50 trong quy hoạch giao thông TP HCM đến năm 2020.

Theo văn bản số 631 được Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng ký ngày 9-5, Chính phủ đồng ý bổ sung vào quy hoạch giao thông TPHCM đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020 với 3 dự án.

TP HCM sẽ xây cầu để thay phà Cát Lái - Ảnh: Anh Quân (TBKTSG)

Thứ nhất, cầu Cát Lái, xây dựng để thay thế phà Cát Lái hiện nay. Cầu được xây dựng vượt sông Đồng Nai để nối quận 2 (TP HCM) với huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai.

Cầu có tổng chiều dài và đường dẫn khoảng 4,5 km, mặt cắt ngang rộng 60 mét, đảm bảo 6 làn xe cơ giới và 2 làn hỗn hợp. Thời gian xây dựng từ năm 2017-2020.

Theo tính toán của chính quyền TPHCM, dự kiến, tổng mức đầu tư cầu Cát Lái khoảng 5.700 tỉ đồng (chưa bao gồm lãi vay và lợi nhuận đầu tư); chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng là 1.225 tỉ đồng.

Thứ hai là cầu Cần Giờ để thay thế phà Bình Khánh. Cầu Cần Giờ sẽ bắc qua sông Soài Rạp nối huyện Nhà Bè và huyện Cần Giờ. Tổng chiều dài cầu và đường dẫn khoảng 7,3 km, mặt đường rộng 40 mét đảm bảo 4 làn cơ giới và 2 làn hỗn hợp. Thời gian xây dựng từ năm 2017-2020.

Dự án này có tổng mức đầu tư dự kiến là 5.303 tỉ đồng, chưa tính kinh phí bồi thường giải tỏa mặt bằng.

Thứ ba là dự án đường song song với quốc lộ 50 nối huyện Nhà Bè (TPHCM) đến huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An với chiều dài 8,6 km, chiều rộng 40 mét, đảm bảo 6 làn xe cơ giới. Thời gian xây dựng dự án này từ năm 2017-2020.

Được biết, sau khi hoàn thiện cầu Cát Lái góp phần phát triển kinh tế - xã hội của TP.HCM, Đồng Nai và một số tỉnh thành lân cận. Trong khi đó, cầu Cần Giờ sẽ rút ngắn cự ly từ trung tâm TP.HCM đến xã đảo Cần Giờ, giảm bớt rủi ro so với việc đi lại bằng phà như hiện nay, góp phần tăng trưởng và phát triển kinh tế của huyện Cần Giờ và Dự án Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ.

Đối với cầu Cần Giờ, trước đây quy hoạch cũng không có cây cầu này. Tuy nhiên, hiện nay nhu cầu đi lại từ trung tâm thành phố về Cần Giờ rất lớn nên thường xảy ra kẹt phà vào những ngày lễ, tết. một chuyên gia kinh tế dự báo: trong tương lai gần, xã đảo Cần Giờ sẽ có sự bứt phá mạnh. Đây sẽ là điểm đến của nhiều nhà đầu tư, nhất là ở lĩnh vực bất động sản và du lịch sinh thái

Trong khi cầu Bình Khánh thuộc dự án đường cao tốc Bến Lức - Long Thành đang được xây dựng lại không kết nối huyện Nhà Bè với đường Rừng Sác ở Cần Giờ mà chạy thẳng về hướng tỉnh Đồng Nai. Do vậy, TPHCM kiến nghị Chính phủ cho xây cầu Cần Giờ để thay phà Bình Khánh.

Mai An

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến