Mỗi ngày một gian hàng ở đây có thể bán đến cả trăm con chim các loại, thu lời 3 - 5 triệu đồng.
Những hình ảnh gây sốc này vẫn hằng ngày diễn ra ở Chợ nông sản Thạnh Hóa, huyện Thạnh Hóa (Long An). Chợ nằm ngay bên quốc lộ 62, cửa ngõ đi vào các khu du lịch sinh thái, bảo tồn thiên nhiên quốc tế như: Vườn Quốc gia Tràm Chim (huyện Tam Nông, Đồng Tháp), Khu bảo tồn đất ngập nước Láng Sen huyện Tân Hưng (Long An) hay Khu du lịch làng nổi Tân Lập thuộc huyện Mộc Hóa (Long An).
Cái tên Chợ nông sản Thạnh Hóa rất ít ai biết vì mọi người vẫn quen gọi nó là chợ chim lớn nhất miền Tây.
Tấp nập người mua kẻ bán
Vườn chim vắng chim
Có lần đón nhóm bạn từ miền Bắc vào, chúng tôi tự hào dẫn đi tham quan Vườn Quốc gia Tràm Chim để giới thiệu về nơi mang đậm bản sắc sông nước miền Tây và gần gũi nhất với thiên nhiên còn sót lại.
Từ Sài Gòn, chúng tôi lên cao tốc hướng về miền Tây rồi rẽ quốc lộ 62 để đi Tam Nông. Ngang qua thị trấn Thạnh Hóa, ngay cạnh quốc lộ 62, đập vào mắt chúng tôi là một đoạn đường dài 200 - 300 m bày bán hàng ngàn con chim các loại. Người mua kẻ bán tấp nập.
Đến gần trưa chúng tôi đặt chân tới nơi đã định. Vẫn hoang sơ nhưng dịch vụ du lịch ở đây được tổ chức tốt, bài bản hơn và có cả hướng dẫn viên đi theo đoàn để thuyết minh cho khách. Nhưng hình ảnh lác đác vài ba cánh chim, cò… cô đơn, buồn tẻ mà cô hướng dẫn viên giải thích “thời điểm này không phải mùa chim. Tuy nhiên lượng chim cò ở đây ngày càng ít đi do nạn săn bắt của người dân quanh vùng này càng nhiều”.
Trên đường về, ngang qua những cách đồng lúa bạt ngàn ngút mắt. Một anh bạn tôi cảm thán: “Những cánh đồng này đẹp thật, nhưng hơi buồn vì thiếu những cánh cò chao nghiêng và thiếu cả những hình nộm được dựng lên để đuổi chúng”. Rồi anh lại tiếp, ở miền Bắc mấy năm gần đây nổi lên phong trào nhậu “chim to dần”. Đó là mô hình các quán nhậu chuyên bán đặc sản là các loài chim. Món mở đầu là các loài chim nhỏ như chim sâu chẳng hạn rồi tiếp theo là các loại lớn hơn. Vì vậy mà nó có tên là chim to dần. Chính những quán nhậu như vậy ngày càng nhiều mà chim trời bị tận diệt, mất cân bằng sinh thái, sâu bệnh, mùa màng bị ảnh hưởng… Không ngờ vượt hàng ngàn cây số vào tận đây cũng chứng kiến sự việc đáng buồn như vậy.
Những cánh cò cô đơn, buồn bã ở Vườn Quốc gia Tràm Chim (Đồng Tháp)
Vậy là chúng tôi quyết định trên đường về sẽ ghé “thăm” ngôi chợ nổi tiếng khắp Nam bộ của dân nhậu thích “săn” hàng độc lạ.
Chợ chim tự phát… muốn gì cũng có
Khi chúng tôi ghé lại chợ chim thì đã gần xế chiều nhưng không khí tấp nập vẫn được giữ nguyên. Những chiếc xe máy, ô tô, nhiều biển số và cả xe tải đậu dọc một đoạn dài ngay trước chợ, kéo dài cả một đoạn quốc lộ. Từng tốp ba, năm hay bảy người bước xuống xe nhìn ngó, chỉ trỏ, bàn tán rôm rả.
Chim được treo thành từng chùm, mỗi loại chừng hơn chục con trước mỗi gian hàng. Có loại còn sống, nguyên vẹn lông lá; có loại còn sống nhưng đã bị vặt trụi lông; có loại đã qua “khè” lửa từ những mỏ hàn cầm tay. Bên dưới hàng chục loại cò, vịt trời hoảng sợ nép mình vào nhau, tựa vào lưới sắt chuồng, lồng nhốt. Giá chim cò ở đây phổ biến khoảng 150.000 - 350.000 đồng/kg tùy loại. Có chỗ treo một con vật trụi lông, nặng chừng cả ký lô, cổ dài khác thường. Người chủ hàng cho biết đó là loại cò cổ rắn, đặc biệt thơm ngon giá “hữu nghị” 350.000 đồng/kg. Đây là loại mà theo hướng dẫn viên ở Tràm Chim, đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng vì săn bắt quá mức.
Phổ biến nhất là các loài chim nhưng các loài động vật hoang dã khác như rùa, rắn… cũng rất nhiều. Giá một ký rùa từ 700.000 - 900.000 đồng tùy theo trọng lượng. Rắn cũng đủ loại từ rắn nước dến các loại quý hiếm như hổ hành, hổ ngựa, hổ mang…
Ngoài cái loài chim, ở đây bán đủ các loại rắn, rùa và nhiều loài quý hiếm khác
“Ở đây hàng cũng thường quá. Có loại nào đặc sản không”, chúng tôi hỏi. “Ở đây toàn đặc sản, mấy anh cứ vô trong coi”, người này nói. Chúng tôi bước vào trong quan sát trong khi xung quanh vẫn đầy ấp những tiếng chim chỉ kịp thé lên trong tuyệt vọng.Dừng lại ở một quầy giữa chợ, đang khá đông khách. Đứng sau cái bàn nhỏ ngay giữa gian hàng, một người đàn ông trung niên đang thực hiện thao tác vặt lông cả chùm chim một cách thuần thục. Anh vừa làm vừa đảo mắt quan sát khách xung quanh nhưng vẫn giữ vẻ mặt lạnh lùng khi cất tiếng mời chào “mấy anh muốn mua gì? Hôm nay chim của em toàn mới bẫy về, loại nào cũng còn mập, khỏe, ngon lắm. Ở đây em bán bao ăn, mấy anh cứ yên tâm”.
Cân ký...
Chừng 10 phút sau, anh chủ hàng xong việc bước vào giọng niềm nở: Đặc sản thật sự ở đây cỡ nào cũng có nhưng khách đông lắm nên giá hơi cao. Nếu anh em thích thì khi nào đi qua đây alo cho em trước hoặc để lại số điện thoại, khi nào có sẽ báo.... vặt lông tại chỗ
Những người bán hàng ở đây cho biết, hầu hết chim được người dân trong vùng bẫy trong tự nhiên mang ra bán lại. Khu vực này nằm trong vùng Đồng Tháp Mười nên “đồ thiên nhiên” còn khá nhiều nhất là quanh các khu vực bảo tồn như Tràm Chim, Láng Sen. “Bây giờ thịt heo, gà, cá các loại ở ngoài chợ nguy hiểm lắm nên nhiều người thích ăn đồ tự nhiên như vầy, đặc biệt là dân nhậu nên bán cũng khá. Khách ở ngoài Tân An, Sài Gòn vào mua nhiều lắm nhưng giờ chim cũng ít bớt nên giá hơi cao”, một chị chủ hàng tâm sự.
Hàng ngàn con chim đang "chờ" bị đưa lên bàn nhận mỗi ngày. Một hình ảnh phản cảm, dã man với nhiều người
Quản không xuể?
Trên xe, một số phụ nữ quyết tâm “cố thủ” không bước xuống vì cho rằng những hình ảnh tại ngôi chợ này quá dã man làm mất cả chuyến đi thú vị.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, chợ sung túc như bây giờ được hình thành cách đây khoảng 4 - 5 năm. Trước đó chỉ có một vài hộ cá thể mang chuột, chim săn bắt được ra vệ đường bán, lâu dần trở nên đông đúc rồi thành chợ. Không chỉ buôn bán tại chỗ, hiện nay một số hộ còn lập cả Facebook để rao bán qua mạng.
Chính quyền địa phương cũng nhận thấy sự tồn tại của ngôi chợ gây phản cảm, thường xuyên tổ chức các đoàn kiểm tra giám sát. Tuy nhiên các báo cáo cho thấy chợ chỉ trưng và bán những loại động vật hoang dã thông thường còn những loại quý hiếm được cất giấu kỹ lưỡng, rất khó phát hiện. Theo chính quyền địa phương, những loại thông thường không nằm trong danh mục quản lý của Nhà nước thì không thể xử lý. Cuối năm 2015, UBND tỉnh Long An có Văn bản số 4382 chỉ đạo di dời chợ này, việc di dời phải hoàn thành trước ngày 27/11/2015. Nhưng đến nay chợ vẫn tồn tại. Nguyên nhân, lãnh đạo địa phương nơi đây giải thích do không có kinh phí.
Một con chim cổ rắn, loài quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng được rao bán trên trang Facebook của chợ chim
Còn theo Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh này, nhiều công ty du lịch lữ hành cũng phản ánh: Ngôi chợ gây phản cảm đối với du khách và sẽ ảnh hưởng không tốt đến ngành du lịch mà đặc biệt là du lịch sinh thái của địa phương.Các chuyên gia môi trường cho rằng, việc tồn tại ngôi chợ này thứ nhất ảnh hưởng đến những loài động vật hoang dã sống trong các khu bảo tồn. Nhìn ở góc độ rộng hơn việc săn bắt tận diệt, buôn bán tràn lan hiện nay sẽ làm suy giảm sự đa dạng sinh học trong tự nhiên. Hậu quả của nó là các loại sâu bệnh sẽ phát triển ngày càng nhiều, tác động tiêu cực đối với nền nông nghiệp. Thứ hai, các loài động vật ngoài tự nhiên thường mang rất nhiều mầm bệnh. Việc bày bán như vậy dễ gây nguy cơ phát sinh dịch bệnh, nguy hiểm hơn nó có thể ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người nếu ăn phải những con vật mang mầm bệnh.
Theo Thanh niên
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy